Khó chịu, đau rát khi đi tiểu có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng này

Đau rát khi đi tiểu có thể bắt nguồn từ những vấn đề về bàng quang, vùng kín, tuyến tiền liệt hoặc thậm chí bệnh da liễu.

Tiểu đau là một trong những triệu chứng khó chịu nhất, đặc biệt nếu tình trạng này kéo dài dai dẳng. Việc làm hàng đầu là tìm ra nguyên nhân để điều trị càng sớm càng tốt. Ngay cả khi bạn đã biết lý do, đừng tự chữa ở nhà mà hãy đến khám bác sĩ để tìm phương pháp điều trị phù hợp và an toàn nhất.

Dưới đây là tổng hợp một số lý do phổ biến gây khó chịu, đau rát khi đi tiểu và cách ngăn ngừa:

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

kho-chiu-dau-rat-khi-di-tieu-co-the-la-dau-hieu-canh-bao-nhung-van-de-suc-khoe-nghiem-trong-nay

Quá trình điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu thường bao gồm dùng thuốc kháng sinh và thay đổi lối sống.

Nếu buồn tiểu thường xuyên nhưng không muốn đi vì đau rát và ra ít nước tiểu, bạn rất có thể đang mắc nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Michael Ingber, chuyên gia y khoa kiêm nhà tư vấn sức khỏe tại Đại học y Garden ở New Jersey cho biết, đây là một trong những loại nhiễm trùng phổ biến nhất và 50- 60% phụ nữ phải đối mặt với tình trạng này ít nhất một lần trong đời.

Trên thực tế, phái đẹp có khả năng mắc bệnh cao gấp 30 lần so với nam giới. Nguyên nhân là do niệu đạo của phụ nữ, ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể, ngắn hơn so với đàn ông nên vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập.

Theo David Samadi, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu tại Bệnh viện St. Francis ở Roslyn, New York, ngoài gây đau đớn khi đi tiểu, tình trạng này còn khiến bạn cảm thấy áp lực ở vùng bụng dưới, làm nước tiểu vẩn đục, có mùi hôi, tiểu ra máu.

Nhiễm trùng nấm men

kho-chiu-dau-rat-khi-di-tieu-co-the-la-dau-hieu-canh-bao-nhung-van-de-suc-khoe-nghiem-trong-nay

Nấm men là một loại nấm sống tự nhiên trên da, trong miệng, ruột và vùng kín. Tuy nhiên khi phát triển quá mức, loại nấm này có thể gây nhiễm trùng.

Giống như UTI, nhiễm trùng nấm men có thể gây đau khi đi tiểu, mặc dù các triệu chứng chủ yếu như ngứa, sưng đỏ da có xu hướng xuất hiện xung quanh vùng kín.

Một lần nữa, phụ nữ có khả năng mắc cao hơn so với nam giới (75%). Để điều trị, bạn nên dùng các loại kem chống nấm không kê đơn và kết hợp uống thuốc bác sĩ kê đơn.

Viêm bàng quang kẽ

Đi tiểu nhiều lần trong một ngày kèm theo triệu chứng đau rát có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị viêm bàng quang kẽ.

Thông thường, tình trạng này sẽ biến mất nếu bạn kiểm soát lượng thực phẩm tiêu thụ, tránh đồ ăn cay, chứa nhiều axit và kết hợp dùng thuốc, áp dụng các liệu pháp bổ sung như tiêm botox, châm cứu.

Viêm tuyến tiền liệt

Những người trên 50 tuổi thường gặp phải tình trạng này. Jennifer Linehan, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ tiết niệu tại Trung tâm Y tế Providence Saint John Santa Monica giải thích, viêm tuyến tiền liệt có thể xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào tuyến tiền liệt qua đường tiết niệu.

Các bác sĩ thường kê thuốc kháng sinh, thuốc bổ sung như thuốc chẹn alpha, nhằm giúp thư giãn khu vực tuyến tiền liệt, bàng quang và thuốc chống viêm không steroid để giảm đau. Theo Viện Mayo, thay đổi lối sống như tránh tiêu thụ thực phẩm gây kích thích cũng có thể giúp ích.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI)

kho-chiu-dau-rat-khi-di-tieu-co-the-la-dau-hieu-canh-bao-nhung-van-de-suc-khoe-nghiem-trong-nay

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu và chlamydia có thể dẫn tới tiểu buốt kèm với các dấu hiệu khác như đau vùng chậu, tiết dịch vùng kín.

Mặc dù dẫn tới những triệu chứng khó chịu, STI thường được điều trị dễ dàng nếu bạn phát hiện và đi khám sớm.

Nếu bạn bị mụn rộp sinh dục, đợt bùng phát đầu tiên thường là giai đoạn tồi tệ nhất. Tsippora Shainhouse, bác sĩ da liễu tại Trung tâm y tế SkinSafe ở Hillsly Hills cho biết, đi bộ, ngồi, đi tiểu có thể rất đau đớn và thậm chí bạn còn phải đối mặt với các triệu chứng giống cúm như sốt và đau nhức cơ thể. Mặc dù không có cách chữa trị mụn rộp sinh dục, các loại thuốc chống virus như acyclovir và valacyclovir có khả năng giảm các triệu chứng đáng kể.

Bệnh da liễu

kho-chiu-dau-rat-khi-di-tieu-co-the-la-dau-hieu-canh-bao-nhung-van-de-suc-khoe-nghiem-trong-nay

Không nhiều người nghĩ đến các vấn đề về da là nguyên nhân dẫn tới những cơn đau buốt khi đi tiểu và quan hệ tình dục.

Sharleen St. Surin-Lord, bác sĩ da liễu tại Trung tâm thẩm mỹ Visage Largo giải thích, eczema có thể gây đỏ da, đau nhức, ngứa ở vùng sinh dục. Trong một số trường hợp, bệnh này có khả năng gây tiểu buốt.

Tương tự như vậy, ngoài dẫn tới ngứa, đau nghiêm trọng và để lại sẹo nếu không được điều trị, bệnh lichen xơ hóa cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Viêm da tiếp xúc

Vùng kín rất nhạy cảm và dễ bị kích thích bởi các hóa chất trong xà phòng, bột giặt và thậm chí cả một số loại thuốc bôi, từ đó tạo điều kiện phát triển viêm da tiếp xúc. Tình trạng này có khả năng gây đau rát khi đi tiểu.

Cách ngăn ngừa tốt nhất là tránh dùng các sản phẩm hóa chất, có mùi thơm nhân tạo. Nếu bạn vẫn cảm thấy ngứa ngáy không ngừng, hãy đi khám bác sĩ để tìm hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

Sỏi bàng quang

Nước tiểu tích tụ lâu dài có thể tạo nên sỏi, từ đó gây kích thích bàng quang hoặc chặn dòng chảy của nước tiểu, dẫn tới hiện tượng tiểu đau. Thông thường, tình trạng này xảy ra ở nam giới trên 50 tuổi hơn so với phụ nữ.

Những người bị sỏi bàng quang nên tăng cường uống nước để loại bỏ sỏi. Trong trường hợp sỏi quá lớn, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật.

Theo Nhịp sống Việt