Khách hàng 'méo mặt' khi mua lần 2 vẫn 'đụng' phải hàng giả

Hàng giả được rao bán trên trên các sàn thương mại điện tử vẫn còn tồn tại khá phổ biến, cơ quan chức năng yêu cầu sự chủ động của doanh nghiệp trong việc giám sát chất lượng còn người tiêu dùng vẫn loay hoay chịu thiệt.

Hàng giả bủa vây

Mới đây, anh Bùi Đức Thăng đã mua chiếc đồng hồ Daniel Wellington Petite Sheffield 32MM White trên trang Lazada.vn với giá 1.040.000 đồng (giá niêm yết chính hãng là 4.350.000 đồng). Khi đặt mua trên trang Lazada, chiếc đồng hồ trên được cam kết là hàng chính hãng. Tuy nhiên, khi nhận được sản phẩm, anh Thăng phát hiện ra đây là hàng “fake” và không giống với những gì Lazada quảng cáo.

Khách hàng 'méo mặt' khi mua lần 2 vẫn 'đụng' phải hàng giả

Chiếc đồng hồ Daniel Wellington Petite Sheffield 32MM White được cho là hàng không chính hãng bán trên Lazada 

Sau đó, anh Thăng tiếp tục đặt mua chiếc Đồng hồ dây da Daniel Wellington ST MAWES 40mm với mức giá rẻ hơn so với giá ngoài thị trường. Và khi nhận được hàng, chiếc đồng hồ dây da Daniel Wellington ST MAWES 40mm cũng không phải là hàng chính hãng.

Phản hồi của Lazada về vụ việc, anh Thăng cho biết, Lazada cam kết hoàn lại tiền và tặng thêm một mã khuyến mại cho anh Thăng chứ không trả hàng chính hãng như đã đặt mua.

Ở một trường hợp khác, chị Tú Anh mua chai dầu tràm Huế 100ml trên Shopee, nghi ngờ thấy dung tích của sản phẩm không đảm bảo đã tiến hành kiểm tra và sản phẩm đã được đong bằng dụng cụ đong chuẩn của Viện Đo lường Việt Nam. Kết quả chai dầu tràm Huế được quảng cáo 100ml và là dầu tràm xịn trên Shopee chỉ có dung tích chưa đầy 60ml.

Sàn thương mại điện tử Sendo cũng đã từng bị Công ty bảo mật Nam Trường Sơn (NTS Group) gửi cảnh báo rằng sản phẩm phần mềm diệt virus Kaspersky (NTS Group độc quyền phân phối tại Việt Nam) đang được rao bán trên sàn thương mại điện tử này là hàng giả.

Theo đại diện của NTS Group, nguồn gốc key bản quyền của sản phẩm bán trên Sendo không hợp lệ, không được phép mua về bán lại. Khách hàng sẽ không được hỗ trợ kỹ thuật bản quyền Kaspersky như mua tại NTS.

Sau khi đại diện NTS Group tố giác, hiện Sendo đã cho tạm ngưng chức năng bán hàng của cửa hàng nói trên. Tuy nhiên khi hình ảnh, giá bán, liên hệ và các quảng cáo khác của cửa hàng trên vẫn hiển thị, sẽ có thể khiến người dùng nhầm lẫn, đặt mua qua số điện thoại, địa chỉ. Trên trang Sendo, người dùng tìm kiếm từ khoá “Kaspersky” vẫn thấy còn nhiều cửa hàng đang bán sản phẩm phần mềm diệt virus Kaspersky giá rẻ bị nghi là giả.

Khách hàng 'méo mặt' khi mua lần 2 vẫn 'đụng' phải hàng giả

Sản phẩm bán trên Sendo bị NTS Group tố là giả 

Người tiêu dùng phải làm gì nếu mua phải hàng giả?

Theo luật sư Kiều Anh Vũ - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Pháp luật nghiêm cấm hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác.

"Khoản 7 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khoản 2 Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật", luật sư Vũ viện dẫn.

Như vậy, khách hàng mua phải hàng giả có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả, gây thiệt hại cho khách hàng.

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ công Thương) yêu cầu trách nhiệm của các trang thương mại điện tử, thì các doanh nghiệp, tổ chức cùng các cá nhân thực hiện biện pháp kiểm tra, ra soát đồng thời gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên các website thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên mạng cũng cần phối hợp triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn và loại bỏ thông tin về các sản phẩm vi phạm pháp luật khỏi các website thương mại điện tử hay những ứng dụng di động. Ví dụ như: chặn theo từ khóa (một số từ khóa như “nhái”, “fake”,…), hay kiểm duyệt bằng nhân sự,… Nếu phát hiện hay nhận được phản ánh về sản phẩm vi phạm hoặc các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật khác các cá nhân kinh doanh cần tiến hành triển khai các biện pháp xử lý.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho hay “Nếu không thực hiện nghĩa vụ nêu trên của thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử sẽ bị xử phạt từ 40 triệu đến 80 triệu đồng theo quy định tại Điều 83 của Nghị định 124/2015/NĐ- CP”.

Theo VietQ