Khách đến Phú Quốc "một đi không trở lại" vì giá hải sản quá "chát"?

Nhiều du khách cho biết, cùng mức tiền khoảng 3 triệu đồng chi cho một bữa ăn ở Phú Quốc, họ có thể thoải mái thưởng thức nhiều loại hải sản được chế biến hấp dẫn tại Đà Nẵng, Bình Định hay Phú Quý.

Chi phí đắt đỏ nhưng dịch vụ kiểu "cưỡi ngựa xem hoa"

"Chi phí ăn uống đắt đỏ là điểm trừ gây thất vọng nhất trong chuyến đi Phú Quốc đầu tháng 4 vừa qua", Lan Anh, du khách người Hải Phòng thốt lên.

Theo lời kể của cô gái này, khi đến Phú Quốc, gia đình Lan Anh gọi suất ăn cho bốn người, gồm một đĩa ngao hai cùi (sáu con), bốn con tu hài, một đĩa bề bề, tám con ghẹ nướng, ba lon nước ngọt và hai chai rượu mỏ quạ (khoảng 350ml).

Khi thanh toán hết gần 3 triệu đồng, cả nhà cô trả tiền trong sự ngỡ ngàng vì không nghĩ hải sản ở Phú Quốc lại đắt như thế.

khach-den-phu-quoc-mot-di-khong-tro-lai-vi-gia-hai-san-qua-chat

Du khách thất vọng vì dịch vụ ăn uống "giá trên trời" ở Phú Quốc. Trong hình là suất bún quậy có giá 80.000 đồng mà L.A cho rằng quá đắt (Ảnh: L.A).

Lan Anh cho biết cô từng đi du lịch ở rất nhiều điểm đến biển đảo nổi tiếng khác như Đà Nẵng, Lý Sơn, Phú Quý hay Nha Trang, Bình Định… kể cả phải chấp nhận việc chi trả cao hơn mức bình thường khi đi du lịch, cô cũng chưa thấy nơi nào hải sản đắt đỏ như ở Phú Quốc.

"Với cùng mức tiền đã chi cho bữa ăn ở Phú Quốc, tôi có thể thoải mái thưởng thức nhiều loại hải sản được chế biến hấp dẫn tại các địa phương miền biển khác. Ở Đảo Ngọc, không chỉ một hai nhà hàng giá cao mà nói chính xác là rất khó tìm được nhà hàng giá rẻ. Thậm chí, chặt chém xảy ra cả ở các khu chợ dân sinh", Lan Anh bức xúc.

Giống như Lan Anh, nhiều du khách cũng cho rằng rất vô lý khi đi biển ăn hải sản lại đắt hơn cả ăn hải sản ở Hà Nội hay TP.HCM.

Bên cạnh đó, khu chợ đêm ở Phú Quốc thì bán đồ với giá "cắt cổ", như kiểu chỉ muốn bán một lần rồi thôi chứ không đa dạng hàng hóa, giá cả hợp lý như các chợ đêm ở Thái Lan, với mục đích cuối cùng là để níu chân du khách.

Khách đến Phú Quốc

Suất lẩu hải sản 800.000 đồng của một du khách khi chia sẻ về trải nghiệm ăn uống đắt đỏ tại Phú Quốc (Ảnh: Nguyễn Hương).

Đầu tháng 5/2023, theo báo cáo du lịch của tỉnh Kiên Giang, trong năm ngày lễ (29/4 - 3/5), tổng lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ước đạt 264.938 lượt khách, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng thành phố Phú Quốc đón 112.635 lượt khách, giảm 11,5 % so với cùng kỳ, tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 132,5 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ.

Như vậy, Đảo Ngọc Phú Quốc từ địa phương từng tạo ra "cơn sốt" du lịch từ sau đợt Tết Âm năm 2022, kéo dài cho đến dịp lễ 30/4-1/5 cùng năm, thì lễ năm nay đã tụt lại trên đường đua.

Trong khi đó, nhiều điểm đến khác trên cả nước như Sa Pa (Lào Cai); Nha Trang (Khánh Hòa); Đà Nẵng; Đà Lạt (Lâm Đồng) đều ghi nhận thắng lớn vào phút chót khi khách du lịch tăng cao nhờ vé máy bay bất ngờ giảm mạnh.

Tại Phú Quốc, giá vé máy bay cũng ghi nhận giảm sâu khoảng 30 - 40% trước lễ khoảng một tuần.

"Cho nên nếu nói một điểm đến du lịch vắng khách chỉ vì nguyên nhân do vé máy bay tăng cao là chưa toàn diện. Ví dụ như chặng từ Hà Nội, TP.HCM đi Phú Quốc, trong đợt 30/4, du khách không phải là không thể canh được vé giá tốt tùy vào giờ bay và loại ghế khác nhau.

Theo tôi, sự điều tiết chung của thị trường là rất quan trọng. Thị trường các địa phương cần phải bình ổn về giá thực phẩm, ăn uống, đi lại... chứ không nên mong chờ hay phụ thuộc vào sự tăng giảm của giá vé máy bay", ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội nhận định.

Giá cả "trên trời" vì nguyên nhân là đảo?

Nhiều du khách cũng cho biết, giá vé máy bay không phải là nguyên nhân chính khiến họ không trở lại Phú Quốc.

"Ngay cả khi săn được vé rẻ gần 3 triệu đồng/khứ hồi, chúng tôi cũng mất đến gần 7 triệu đồng/một người cho cả chuyến đi Phú Quốc 3 ngày 2 đêm. Trong đó, chi phí tiền ăn còn cao hơn tiền vé", Phương Thảo (27 tuổi, Hà Nội), một du khách cho biết.

khach-den-phu-quoc-mot-di-khong-tro-lai-vi-gia-hai-san-qua-chat

Phần cơm rang trứng giá 100.000 đồng tại Phú Quốc (Ảnh: Nguyễn Hương).

Tương tự, bạn Thanh Nga (Hà Nội) từng tới Phú Quốc 2 lần, gần nhất là vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua cũng chia sẻ, ngoại trừ cảnh quan đẹp thì chi phí ăn uống hay di chuyển đều gây nhiều thất vọng.

"Tiền vé không quá đắt nhưng tiền ăn uống, đi lại trên Đảo Ngọc thì thực sự cao hơn tưởng tượng. Mình có thắc mắc điều này với những người làm du lịch ở đây nhưng chỉ nhận được câu trả lời chung là do ở đảo, việc vận chuyển khó khăn nên chi phí các thứ đều đắt hơn đất liền", Thanh Nga nói.

Vì ở đảo nên vật giá cao hơn trong đất liền do hạn chế nguồn cung là điều dễ hiểu, nhưng đắt tới mức vô lý mà chất lượng phục vụ không tương xứng thì là khó chấp nhận được.

Bên cạnh đó, khi so sánh các điểm đến biển đảo khác từng tới du lịch như Phú Quý hay Lý Sơn, du khách cho rằng, "đảo" không phải là nguyên nhân cốt lõi.

Nếu tốn khoảng 1 triệu đồng cho việc ăn uống khiêm tốn trong một ngày ở Phú Quốc, thì Thanh Nga có thể ăn 3 bữa hải sản no nê ở Lý Sơn, thậm chí gọi đồ "không cần nhìn giá".

Hiện tại, mức chi tiêu trung bình cho một chuyến du lịch Phú Quốc dao động từ 6 - 10 triệu đồng. Với mức giá này, một số khách Việt cho rằng không có lý do gì họ lại không chọn Thái Lan. Bởi ở đây, họ vừa được tiếng đi du lịch nước ngoài, vừa được ăn uống, mua sắm thỏa thích.

khach-den-phu-quoc-mot-di-khong-tro-lai-vi-gia-hai-san-qua-chat

Du khách ấn tượng với cảnh đẹp ở Phú Quốc nhưng chi phí du lịch lại quá đắt đỏ.

Ông Nguyễn Khắc Vũ Huy, CEO Vina Phú Quốc Travel cho biết, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp của ông giảm 30% lượt khách sử dụng dịch vụ. Riêng đợt lễ 30/4 - 1/5 năm nay chỉ đón hơn 1.500 khách, trong khi cùng kỳ năm ngoài con số này lên tới 3.000 khách.

"Các doanh nghiệp ở Phú Quốc đang rất đau đầu vì nỗi lo mất thị trường. Không chỉ trong đợt lễ 30/4 vắng khách, mà nhiều khách hàng cho biết họ cũng sẽ không chọn du lịch Phú Quốc cho cả mùa hè năm nay", ông Huy cho biết.

Theo GiaDinh