Hồng ngâm bán ngập đường nhưng có mua về cũng đừng ăn kèm thứ này kẻo 'Tào Tháo đuổi'

Hồng ngâm là loại trái cây mùa thu khá quen thuộc, nhưng khi ăn mà phạm phải những sai lầm này sẽ dễ ngộ độc.

Theo nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông Y Hà Nội, hồng ngâm trong Đông y được sử dụng làm vị thuốc. 

Quả hồng ngâm có kích thước nhỏ, ăn có vị ngọt và giòn nên rất nhiều người thích. Để đảm bảo cho sức khỏe, Lương Y Bùi Đắc Sáng đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích khi ăn hồng như sau.

“Uống rượu thì không nên ăn hồng vì đây là loại quả có tính hàn, rượu có tính cay nóng. Nếu người uống rượu và ăn hồng cùng một lúc sẽ gây ra tình trạng khó tiêu.

Do khi rượu đi vào dạ dày sẽ kích thích ruột bài tiết dịch vị kết hợp với chất tanin trong trái hồng có nguy cơ tắc ruột”, lương y Bùi Đắc Sáng nói.

Hồng ngâm bán ngập đường nhưng có mua về cũng đừng ăn kèm thứ này kẻo 'Tào Tháo đuổi'

Khi uống rượu thì không nên ăn hồng có thể ngộ độc cho cơ thể.

Khi ăn hồng cần lưu ý không nên ăn vào lúc đói vì sẽ có thể gây sỏi trong dạ dày. Do trong quả hồng có nhiều chất tanin và pectin nếu ăn lúc đói, dưới tác dụng của axit dạ dày sẽ tạo ra kết tụ.

Những khối kết tụ này khi không xuống được ruột non sẽ lưu lại trong dạ dày và tạo thành sỏi. Sỏi này nếu không được đào thải tự nhiên ra ngoài sẽ gây nên tắc nghẽn đường tiêu hóa kèm theo những triệu chứng đau quặn bụng, nôn mửa…

Trong Đông y, quả hồng có tính hàn, không độc, nhưng không phải ai cũng ăn được loại trái cây này. Bệnh nhân có chức năng dạ dày kém, người ăn uống khó tiêu, người đã từng cắt dạ dày thì không nên ăn loại trái cây này vì có thể gây ra tình trạng khó tiêu. Trẻ nhỏ với cơ thể suy nhược, phụ nữ sau sinh, người đang bị cảm lạnh nếu ăn hồng sẽ không tốt.

Ăn không cẩn thận gây đau bụng

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết: “Theo kinh nghiệm truyền lại thì không nên ăn hồng cùng trứng có thể gây ra ngộ độc và viêm ruột cấp.

Chất tanin trong hồng khi kết hợp với protein của trứng làm cho hoạt động của nhu động ruột chậm lại là nguyên nhân chính gây ra ngộ độc.

Trong trường hợp ngộ độc này có thể hóa giải bằng cách dùng gừng tươi đập dập, pha với nước ấm để uống giúp làm ấm bụng và nhuận tràng”.

Lương y Bùi Đắc sáng khuyến cáo, khi ăn hồng tuyệt đối không ăn cùng các loại tôm, cua, cá, hải sản vì cả hai đều có tính hàn dễ gây ra tình trạng đau bụng, đi ngoài.

Chất tanin kết hợp với chất đạm có trong tôm, cua, cá có thể gây ra tình trạng đóng vón cục. Nếu không tiêu hóa được sẽ tạo thành khối trong ống tiêu hóa gây ra tình trạng tắc ruột, nguy hiểm cho sức khỏe.

“Nếu đã ăn hồng thì không nên ăn khoai lang vì có thể gây kết tủa trong dạ dày khó khăn cho tiêu hóa”, Lương y Bùi Đắc Sáng nói.

Hồng là trái cây nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, mỗi ngày nên ăn từ 1-2 quả. Để hồng ngâm chín tự nhiên nên cho vào túi ni lông buộc kín và cho vào thùng nước ngâm, ngâm khoảng 7-8 ngày rồi vớt ra, hồng sẽ giòn và ngọt.

Tuy nhiên, hiện nay vì lợi nhuận không ít người buôn hồng đã dùng hóa chất để thúc hồng chín nhanh bỏ qua bước ngâm trong nước.

Vì vậy, khi mua hồng cần phải rất tinh ý để chọn được hồng ngon, không có hóa chất. Trái hồng ngâm ta thường nhỏ và mã không đẹp, núm quả thường có nhiều đốm đen, khi bổ đôi quả hồng bên trong có màu vàng cam, vị ngọt sắc.

Ngọc Minh

Theo emdep