Hỏng mắt vì những cách chữa truyền miệng

Nhỏ sữa, vắt chanh, rồi xông lá trầu… vào mắt để chữa đau mắt là mẹo dân gian vẫn được nhiều gia đình áp dụng, nhất là cho trẻ nhỏ. Thực tế không ít trường hợp đã phải vào viện trong tình trạng biến chứng nặng nề, thậm chí hỏng mắt vì cách làm này.

Hỏng mắt vì những cách chữa truyền miệng

Để tránh những biến chứng không đáng có, khi đã bị đau mắt đỏ, biện pháp tốt nhất là vệ sinh tốt và dùng đúng thuốc theo đơn của bác sĩ. Ảnh: PV

Hỏng mắt vì chữa mẹo

Bị đau mắt đỏ gần một tuần không đỡ, thấy trên mạng có chia sẻ cách dùng bã trầu nóng xông sẽ nhanh khỏi, anh Nguyễn Văn Bảo (Phú Thọ) đã áp dụng theo. Chỉ sau 1-2 lần xông, mắt anh không đỡ mà còn đỏ lên, hai mắt nhức đỏ như tiết luộc. Không chịu được nữa, anh đi khám chuyên khoa mắt, bác sỹ xác định anh bị viêm giác mạc và có biểu hiện xuất huyết. Sau hơn một tháng điều trị, mắt anh mới hồi phục lại được bình thường.

Trước đó, Bệnh viện Thủ Đức (TPHCM) từng tiếp nhận điều trị một bệnh nhi chỉ mới 15 ngày tuổi với tình trạng giác mạc bị loét nghiêm trọng. Theo người nhà, thấy cháu chảy ghèn trắng ở mắt nên bà của cháu đã nhỏ chanh để tự điều trị mà không đi khám. Sau đó mắt cháu xuất hiện nhiều chất tiết vàng nhầy, loét giác mạc rộng, gia đình mới đưa vào viện. May mắn cháu vào viện điều trị kịp thời, nếu không đã hỏng mắt, sống trong cảnh mù lòa.

Theo BS Hoàng Cương (BV Mắt Trung ương), bệnh đau mắt năm nào cũng xảy ra. Mặc dù trình độ dân trí hiện cao hơn và đã được tuyên truyền nhiều, tuy nhiên viện vẫn thi thoảng gặp các trường hợp gặp biến chứng từ việc tự chữa bệnh hoặc áp dụng các mẹo để chữa đau, đỏ mắt.

Có trường hợp chữa đau mắt đỏ bằng xông lá trầu không, hạt khô của các loài cây khiến mi mắt bị phù nề, mắt chói cộm nhiều bởi bỏng giác mạc. Ban đầu khi vừa xông xong người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm vì trong lá trầu không có tinh dầu nóng nên lầm tưởng có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, mắt sau đó dễ phù nề. Việc điều trị khi đó kéo dài dai dẳng hơn và dễ để lại sẹo nếu điều trị không đúng cách.

Hay như mới đây nhất, trường hợp cháu bé 7 tháng tuổi ở Sơn La bị hỏng mắt do mẹ nhỏ sữa mẹ vào cũng là cách chữa mẹo rất hay gặp phải. Cách này không có tác dụng chữa bệnh mà còn vô tình đem thêm vi khuẩn vào mắt trẻ khiến bệnh nặng thêm.

Bởi trong sữa mẹ có nhiều chất đạm, chất dinh dưỡng là môi trường lý tưởng giúp vi khuẩn phát triển. Với những trẻ đang bị các bệnh về mắt, việc nhỏ sữa có thể dẫn đến các biến chứng như viêm loét giác mạc, giảm thị lực của bé. Trẻ sơ sinh thường có rỉ mắt sau khi sinh cần phải vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý cho trẻ, đưa trẻ đi khám tại các cơ sở chuyên khoa về mắt để có hướng điều trị đúng.

Ngoài ra, nhiều người nghĩ xông nước muối khi đau mắt lành nên tự ý xông tại nhà. Đây cũng là cách sai lầm gây hại cho mắt. Thực tế đã có không ít bệnh nhân vào viện trong tình trạng mắt sưng đau khá nặng từ việc xông nước muối. Có trường hợp sau khi xông lại bị bỏng mắt, xuất huyết, ảnh hưởng đến thị lực. Nguyên nhân do pha không đúng tỷ lệ khiến bệnh nặng thêm. Nếu tự pha, bạn cần đảm bảo nồng độ nước muối là 0,9% tức khoảng 9g muối tinh khiết cho 1 lít nước. Chú ý nguồn nước cần sạch và tinh khiết.

Với cách vắt chanh vào mắt, các chuyên gia nhãn khoa cho rằng đây là một hành động vô cùng nguy hiểm, nhỏ vào mắt trẻ càng nguy hiểm hơn. Trong chanh có chứa acid citric, trong khi giác mạc là một cấu trúc vô cùng nhạy cảm. Khi nhỏ chanh vào mắt giống như nhỏ acid lên da, nhẹ thì kích ứng, nặng có thể gây bỏng giác mạc, thậm chí mù lòa. Mắt đang viêm mà nhỏ vào càng làm tình trạng nặng nề hơn.

Ngay cả việc tự ý đi mua các loại thuốc kháng sinh liều mạnh để tra mắt cũng làm “phản tác dụng”. Việc tra không đúng loại, không đúng liều lượng sẽ gây ra các biến chứng, tạo nên các thương tổn nặng nề rất đáng tiếc, có khả năng dẫn đến mất thị lực và mù lòa vĩnh viễn cho trẻ.

Chủ động phòng bệnh đau mắt mùa hè

BS Hoàng Cương cho rằng, thời điểm mùa hè bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) hay gặp nhiều hơn. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa. Thời điểm này, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Độ ẩm không khí cao, vệ sinh kém, dùng chung khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát. Đây cũng là dịp nghỉ hè, nhiều người đi bơi và học sinh bắt đầu đi học hè nên bệnh dễ lây lan.

Nguyên nhân dẫn tới mắc đau mắt có thể do virus, vi khuẩn hay dị ứng… Hay gặp nhất là viêm kết mạc cấp tính do siêu vi. Triệu chứng của bệnh khá điển hình. Trước khi phát bệnh vài ngày bệnh nhân thường có triệu chứng nhiễm virus: sốt nhẹ, đau họng, nổi hạch trước tai hoặc hạch cằm.

Bệnh thường biểu hiện ở một mắt trước: đỏ mắt, ra gỉ nhiều, cảm giác có sạn hay cát ở trong mắt nhưng không ảnh hưởng đến thị lực. Sau 3- 5 ngày sẽ lây sang mắt thứ 2 với triệu chứng tương tự. Với điều trị thông thường, không có biến chứng, bệnh tự khỏi sau 10-15 ngày.

Dù bệnh lành tính nhưng gây nhiều bất tiện cho người bệnh như khó chịu, đau nhức và nếu không chăm sóc cẩn thận thì có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn như viêm giác mạc các loại, viêm tuyến lệ cấp tính, giảm thị lực… Bởi vậy, để tránh những biến chứng không đáng có, khi đã bị đau mắt đỏ, biện pháp tốt nhất là vệ sinh tốt và dùng đúng thuốc theo đơn của bác sỹ. Mọi người nên đến khám bác sỹ chuyên khoa để được khám và chẩn đoán đúng bệnh khi có các dấu hiệu của bệnh chứ không nên tự ý điều trị bằng các mẹo dân gian như trên.

Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ:

- Bệnh nhân cần lưu ý luôn rửa tay sạch bằng xà phòng nhiều lần trong ngày cũng như phải rửa tay sạch sẽ trước và sau khi nhỏ thuốc hay nhỏ nước muối sinh lý vào mắt; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

- Hàng ngày vệ sinh mắt, mũi, họng bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước xúc họng thông thường.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

- Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Theo GiaDinh