Hỗn loạn thị trường nước uống tinh khiết

Trước sự khắc nghiệt của thời tiết, cùng với những ngày oi nóng kéo dài đã khiến việc sử dụng nước uống tinh khiết (nước uống đóng chai, đóng bình) của người dân ngày càng tăng cao. Để “giảm nhiệt”, các nhà sản xuất không ngừng tung ra hàng loạt các sản phẩm với mẫu mã, chủng loại đa dạng. Bên cạnh những cơ sở, hãng nước có uy tín vẫn tồn tại một số cơ sở sản xuất khiến người chứng kiến phải giật mình.

Hỗn loạn thị trường nước uống tinh khiết

Đóng bình nước một cách thủ công, không tuân thủ quy định vệ sinh tại một cơ sở cung cấp nước "tinh khiết".

Tù mù chất lượng

Tại cơ sở sản xuất nước uống mang nhãn hiệu Saphawa (huyện Thanh Trì, Hà Nội), điểm đầu tiên đập vào mắt đó là những chiếc bình đã qua sử dụng được vứt bừa bãi ngay cửa ra vào, bên cạnh dòng nước thải lênh láng hòa quyện với bụi bẩn.

Toàn bộ máy móc, thiết bị để sản xuất ra loại nước uống “tinh khiết” đặt trong căn nhà cấp bốn với diện tích khoảng 30 đến 40 m2. Chủ cơ sở cho biết, sản phẩm xuất buôn tại chỗ cho các đại lý có giá 6.000 đồng/bình 19 lít, sau khi cộng các khoản chi phí vận chuyển, đại lý có thể bán dao động từ 13 nghìn đến 25 nghìn đồng/bình tùy thuộc từng địa bàn, cơ sở; đồng thời khẳng định, “chất lượng nước ở đây được bảo đảm tuyệt đối vì cơ sở sử dụng nguồn nước máy đạt chất lượng của thành phố.

Nguồn nước sau khi được lắng đọng, tích trữ tại bể ngầm sẽ được dẫn qua các đường ống nhỏ tới bình i-nốc (inox), sau đó được vận hành qua từng giai đoạn lắng lọc trước khi được đóng vào bình”.

“Với năng lực sản xuất 1.500 lít nước tinh khiết/ngày, cùng với 500 bình có sẵn, nếu anh thật sự lấy hàng chỉ cần đặt cọc số tiền tương ứng cho mỗi vỏ bình là 40 nghìn đồng cộng với tiền nước sẽ được giao hàng ngay lập tức. Cơ sở sẵn sàng cung cấp hóa đơn, giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng khi khách yêu cầu.

Còn làm ăn lâu dài, giá xuất buôn có thể thay đổi, thậm chí, cơ sở sẽ đầu tư, nâng cấp dây chuyền hiện đại để tăng sản lượng phục vụ khi hàng bán tốt,…” - chủ cơ sở sản xuất nhấn mạnh. Mặc dù quảng cáo là vậy, nhưng qua quan sát chúng tôi không khỏi giật mình, bởi những chiếc bình đã qua sử dụng được người lao động với đôi tay trần xúc rửa qua loa rồi đem châm nước, đóng bình, khiến cho chất lượng sản phẩm thật khó bảo đảm?!

Tiếp tục tìm đến một cơ sở “nước uống tinh khiết” trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, chúng tôi không khỏi bị “choáng” bởi quy trình sản xuất nước ở đây. Toàn bộ mặt sân, cũng như sàn nhà nước thải lênh láng, một dòng nước vàng đen từ từ chảy ra mặt cống cạnh ngõ đang bốc mùi.

Nguy hại hơn, mặc dù môi trường ẩm ướt, hôi hám như vậy nhưng hàng chục chiếc bình vẫn được người sản xuất “vô tư” bật sẵn nắp chờ châm nước vào bình. Bên cạnh đó, các vỏ bình đã qua sử dụng được thu hồi về vứt chồng chất trong chậu nước đã đổi mầu chờ người lau chùi. Đặc biệt, trong số hai lao động đang làm việc tại đây không có người nào sử dụng các dụng cụ nhằm bảo đảm vệ sinh, như: Găng tay, khẩu trang, đồ bảo hộ lao động…

Theo lời chủ cơ sở sản xuất, ngoài nguồn nước máy, cơ sở còn trang bị thêm hệ thống nước giếng khoan để sản xuất nước, nhưng các sản phẩm sản xuất ra vào dịp hè thường không có hàng để bán. Ngoài những khách hàng là người dân chung quanh khu vực, cơ sở còn cung cấp cho các cơ quan, trường học, các cơ sở ăn uống trên địa bàn với khối lượng lớn.

Không riêng gì hai cơ sở trên, qua tìm hiểu một vài cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết ở khu vực phố Quan Nhân (quận Thanh Xuân), Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), Tân Triều, Yên Xá (huyện Thanh Trì),… cho thấy, hầu hết những cơ sở sản xuất không treo biển hiệu, người tham gia sản xuất không tuân thủ các yêu cầu vệ sinh mà ngành y tế quy định.

Thậm chí, không ít người trong quá trình lao động còn cởi trần, để móng tay cáu bẩn nhưng vẫn thực hiện các công đoạn quan trọng, như châm nước, dán nhãn, đóng bình,… nếu chẳng may những người này mắc các bệnh truyền nhiễm thì nguy cơ lây nhiễm thật khó lường. Khi được hỏi về sự chênh lệch giá bán sản phẩm giữa những nhà sản xuất (có những hãng chỉ bán 12 nghìn đến 13 nghìn đồng/bình 19 lít, nhưng lại có những hãng bán giá lên tới 70 nghìn đến 80 nghìn đồng/bình cùng loại), đa phần các chủ cơ sở đều khẳng định, chất lượng nước phụ thuộc vào nguồn nước, quá trình sản xuất và đầu tư công nghệ. Điều quan trọng là các đại lý phải biết “thổi” sản phẩm để người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Sự bùng nổ thị trường nước uống tinh khiết thể hiện rất rõ nhu cầu của người dân về sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, ngoài những nhãn hiệu quen thuộc và tạo được uy tín trên thị trường, như: La Vie, Aquafina, Sapuwa,… thì hàng loạt các sản phẩm mới ra đời, như: Frevo, Toàn Cầu, Aquabeta, Bonaqua, Icewa, Saphawa,… vẫn cần có thời gian để khẳng định chất lượng, và uy tín với người tiêu dùng. Đó còn chưa kể tới các cơ sở “chui” không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nước vẫn trà trộn vào thị trường gây khó khăn cho các cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý, kiểm tra.

Thống kê của Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cho thấy, kiểm tra 60 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn đã phát hiện, xử phạt hành chính 19 cơ sở với số tiền hơn 35 triệu đồng. Trong đó, 10 cơ sở có mẫu kiểm nghiệm không đạt quy chuẩn, bốn cơ sở không đạt điều kiện vệ sinh, ba cơ sở chưa xét nghiệm nguồn nước và ba cơ sở vi phạm về giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ và nhãn sản phẩm.

Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường thừa nhận, nước uống tinh khiết hiện đang là mặt hàng rất khó quản lý, vì đây là mặt hàng đem lại lợi nhuận rất cao cho nên cơ sở sản xuất xuất hiện ngày càng nhiều.

Hiện tại trên địa bàn thành phố có gần 300 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình các loại. Nhưng chỉ có một số ít công ty lớn có sự đầu tư thỏa đáng tương đối đạt tiêu chuẩn, còn lại đa phần là những hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ với các trang thiết bị thủ công, nhà xưởng chật chội…

Do vậy, ngoài sự tăng cường quản lý của cơ quan chuyên môn rất cần sự vào cuộc, giám sát của cả cộng đồng. Ông Cường nhấn mạnh, nhiều cơ sở không có vốn đầu tư nên đã sử dụng những công cụ, dây chuyền sản xuất tự chế, mua những chai nhựa không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi đưa vào đóng chai đem bán, nên chắc chắn sẽ không bảo đảm về chất lượng.

Một thực tế khác, có những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khi đưa mẫu đi kiểm nghiệm thì đạt tiêu chuẩn nhưng khi kiểm tra thực tế, thường xuyên lại không đạt được như vậy. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết thêm, thời gian qua Sở đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Qua những đợt này sẽ mời những cơ sở lên tập huấn kiến thức, cũng như yêu cầu các cơ sở sản xuất đầu tư, đổi mới công nghệ, khắc phục những hạn chế. Ngoài ra, Sở cũng tiếp tục thanh kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Khi sử dụng nước uống nước tinh khiết, người tiêu dùng nên mua ở những cửa hàng có uy tín, chấp hành tốt các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời, cần phải kiểm tra kỹ nhãn mác với đầy đủ các nội dung, như: Tên, địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; các thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cũng như ngày sản xuất, thời gian sử dụng,... Tuyệt đối không mua ở những cửa hàng bụi bẩn, ẩm ướt, gần nơi kinh doanh xăng dầu, hóa chất; không sử dụng các sản phẩm quá hạn sử dụng, hoặc có dấu hiệu vẩn đục, có mầu sắc khác lạ.

PGS, TS Trần Đáng
Nguyên Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Không chỉ các loại nước đóng chai do các cơ sở sản xuất nhỏ có vấn đề mà ngay cả những thương hiệu nổi tiếng cũng gặp sự cố. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) từng tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng về trường hợp nước tinh khiết Lavie có mùi do để trong môi trường bẩn. Mặc dù dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại nhưng việc bảo quản của người bán cũng như chính người tiêu dùng không đúng cũng là những nguyên nhân gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguyễn Mạnh Hùng
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vinastas

Theo HOÀNG ANH (nhandan)