Hơn 800.000 người nhiễm bệnh, Mỹ và Pháp vượt Trung Quốc về số ca tử vong

"Virus mạnh hơn và nguy hiểm hơn chúng ta tưởng. Chúng ta vẫn đang trong công cuộc leo núi, cuộc chiến chính ở trên đỉnh núi", Thống đốc bang New York Cuomo cho biết.

Hơn 800.000 người nhiễm bệnh

Thống kê mới nhất từ Worldometers, hiện đã có hơn 854.000 người nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới, trong đó có hơn 42.000 ca tử vong. Đại dịch đã ảnh hưởng đến 202 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vào tối qua (31/3) theo giờ Việt Nam, Sierra Leone xác nhận ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 là một nam bệnh nhân 37 tuổi, đến từ Pháp.

Sierra Leone là một trong số ít các quốc gia ở châu Phi trước đó chưa ghi nhận ca nhiễm virus SARS-COV-2 dù dịch đã xuất hiện tại các quốc gia láng giềng như Guinea và Liberia. Giới chức y tế lo ngại dịch sẽ bùng phát nhanh tại quốc gia 7,5 triệu dân này.

covid-19-ngay-1-4-hon-800-000-nguoi-nhiem-benh-my-va-phap-vuot-trung-quoc-ve-so-ca-tu-vong

Hơn 800.000 người nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới

Nói về các tâm dịch COVID-19, Mỹ đang là nơi mà đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội nhất. Theo thống kê từ Worldometers, Mỹ hiện có hơn 186.000 ca nhiễm, tức tăng đến hơn 20.000 ca nhiễm chỉ sau một ngày. Tiếp theo là Italy với hơn 100.000 ca nhiễm bệnh, Tây Ban Nha có hơn 95.000 ca nhiễm…

Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất với 2.766 ca nhiễm bệnh. Tiếp theo là Philippines - 2.084 ca, Thái Lan - 1.651 ca, Indonesia - 1,528 ca.

Tại Việt Nam, theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tới 6 giờ sáng 1/4, ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam lên 212 người.

Mỹ và Pháp vượt Trung Quốc về số ca tử vong

Không chỉ tăng chóng mặt về số ca nhiễm bệnh, số người tử vong vì COVID-19 cũng tăng theo từng giờ.

Thống kê từ Worldometers cho thấy, Mỹ và Pháp đã vượt Trung Quốc đại lục về số ca tử vong.

Hiện Mỹ đã ghi nhận 3.850 ca tử vong. Trong khi đó tại Pháp, giới chức y tế nước này tối 31/3 thông báo số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên đến 499 người trong 24 giờ qua, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca tử vong tại các bệnh viện là 3.523 người kể từ khi bùng phát dịch. Hiện Trung Quốc đại lục đang ghi nhận, 3.305 ca tử vong vì COVID-19.

covid-19-ngay-1-4-hon-800-000-nguoi-nhiem-benh-my-va-phap-vuot-trung-quoc-ve-so-ca-tu-vong

Mỹ và Pháp vượt Trung Quốc về số ca tử vong vì COVID-19

Italy và Tây Ban Nha vẫn lần lượt đứng đầu về số ca tử vong với 12.428 ca, và 8.464 ca.

Diễn biến dịch bệnh tại Anh cũng đang hết sức đáng lo ngại. Theo đó, số ca tử vong trong ngày do COVID-19 tại Anh đã tăng 27%, theo số liệu thống kê công bố ngày 31/3 mà một thành viên cấp cao nội các Anh đã mô tả là "gây sốc và âu lo". Hiện Anh đã ghi nhận tổng số 1.789 ca tử vong.

Giới khoa học Anh cảnh báo nguy cơ đối với người trung niên

Không chỉ có người già, người trung niên cũng là những đối tượng dễ bị dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tấn công, với nguy cơ diễn biến bệnh nghiêm trọng và tử vong đang tăng lên. Đây là kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học Anh công bố ngày 31/3, sau khi phân tích toàn diện các trường hợp mắc COVID-19 ở Trung Quốc đại lục.

Các nhà khoa học Anh đã tiến hành phân tích các dữ liệu liên quan hơn 3.600 trường hợp được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, cũng như dữ liệu từ hàng trăm hành khách hồi hương từ thành phố Vũ Hán (Wuhan) - nơi khởi phát dịch bệnh nguy hiểm này.

Họ phát hiện ra rằng tuổi tác là yếu tố cốt lõi dẫn đến các trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng, với gần 1/5 số bệnh nhân trên 80 tuổi phải nhập viện, trong khi chỉ có khoảng 1% trong số các bệnh nhân là những người dưới 30 tuổi.

Xét trên số lượng ước tính về các trường hợp nhiễm trùng nhẹ hoặc không có triệu chứng, dữ liệu thống kê cho thấy tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân trong độ tuổi 50 là 8,2%.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases ước tính tỷ lệ tử vong do COVID-19 được xác nhận ở Trung Quốc đại lục là 1,38%. Nếu tính cả các trường hợp chưa được xác nhận, tỷ lệ tử vong này giảm xuống chỉ còn 0,66%.

Nghiên cứu cũng cho thấy tại Trung Quốc, 18,4% số bệnh nhân ở độ tuổi 80 phải nhập viện điều trị, trong khi tỷ lệ này là 4,3% đối với những người từ 40 - 49 tuổi và khoảng 1% đối với những người ở độ tuổi 20.

Theo các tác giả của nghiên cứu này, mặc dù tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn đáng kể so với ước tính trước đó, nhưng căn bệnh này vẫn nguy hiểm hơn nhiều lần so với các loại virus từng gây ra những dịch bệnh trước đó, chẳng hạn như H1N1.

G20 tập trung giải quyết nợ cho các nước nghèo

Ngày 31/3, các bộ trưởng thương mại Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tuyên bố sẽ vạch ra kế hoạch hành động liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 2 tuần tới nhằm giải quyết vấn đề nợ cho những nước nghèo nhất, cũng như viện trợ tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển.

covid-19-ngay-1-4-hon-800-000-nguoi-nhiem-benh-my-va-phap-vuot-trung-quoc-ve-so-ca-tu-vong

G20 tập trung giải quyết nợ cho các nước nghèo

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết ban lãnh đạo IMF đã thông qua một cơ chế mới kéo dài 3 năm cho các thỏa thuận cho vay song phương, qua đó đảm bảo duy trì được khả năng cho vay 1.000 tỷ USD của tổ chức này trong lúc các nước thành viên đang phải nỗ lực chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo IMF, cơ chế mới này giống với cơ chế đã được thông qua vào năm 2016, trong đó cho phép các nước giàu hơn trong IMF có thể cho vay trực tiếp đối với những nước thành viên cần hỗ trợ.

Động thái mới nhất này sẽ kéo dài thời gian triển khai các thỏa thuận cho vay song phương từ tháng 12/2020 đến cuối năm 2023. Các thỏa thuận này cũng có khả năng được gia hạn thêm 1 năm nữa đến cuối năm 2024.

Theo VTV

---

* Xem thêm:

Bác gái của BN17 ở Hà Nội suy hô hấp tiến triển nhanh, phải đặt ECMO

Thủ tướng: Xử lý nghiêm bệnh nhân 178 để răn đe và tạm dừng xổ số kiến thiết

+  Bệnh nhân Covid-19 thứ 17 sắp xuất viện: Vẫn cần làm rõ trách nhiệm"đã khai dối"?