Học ít thì "sống", học nhiều dễ "chết"

Tỉ lệ người có trình độ sơ cấp nghề thất nghiệp chỉ bằng 15% so với số lượng cử nhân, thạc sỹ đang “ôm” bằng chờ việc, hoặc từ bỏ giấc mơ, tức là 85% còn lại sống tốt mà không cần học cao

Một khảo sát mới nhất của Viện khoa học Lao động và xã hội – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay: Hiện có 215.000 người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên. Con số này có giảm chút ít so với năm trước và không mấy bất ngờ. Nhưng có một thống kê không thể không suy nghĩ.

Đó là tỉ lệ người có trình độ sơ cấp nghề thất nghiệp chỉ bằng 15% so với số lượng cử nhân, thạc sỹ đang "ôm" bằng chờ việc, hoặc từ bỏ giấc mơ, tức là 85% còn lại sống tốt mà không cần học cao. Chẳng khác nào gáo nước lạnh dội vào quan điểm học để đổi đời.

85% nhìn từ một điển hình

Đến thị trấn Gio Linh (Quảng Trị) vào một buổi chiều trời trở rét, cách Quốc lộ 1A không xa có một trang trại ươm cây giống keo tai tượng khá nổi tiếng trong vùng. Dưới cái mưa phùn Miền Trung, hàng chục nhân công đang miệt mài tra hạt giống vào túi nilon.

Ông chủ trang trại là anh Đinh Công Thành. Đang độ tuổi 9x nhưng có vẻ ngoài rắn rỏi, chững chạc của một người từng vào Nam ra Bắc học hỏi các mô hình kinh tế nông nghiệp.

Học ít thì

Mục sở thị quy trình ươm con giống bài bản trong khu nhà lưới mấy ngàn mét vuông không ai nghĩ đó là sản phẩm của một con người chưa qua khỏi trình độ trung cấp nông nghiệp. Những gì về bằng cấp Thành có được chỉ là chứng chỉ dạy nghề ươm cây giống do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Gio Linh đào tạo trong vòng 3 tháng.

Tiếp tôi, Thành phấn chấn chia sẻ: "Sở hữu tấm bằng kỹ sư nông nghiệp là ước ao từ nhỏ, nhưng bố mất sớm, mẹ mắc chứng bệnh mãn tính, giấc mơ vào đại học dở dang. Mấy năm bôn ba làm công nhân ở TP HCM không đủ trang trải chữa bệnh cho mẹ và nuôi mấy đứa em ăn học. Năm 2013 mình quyết định mở xưởng ươm cây giống keo tai tượng".

Lần dò hỏi thăm những công nhân đang làm hạt mới biết cả trang trại 15 nhân công không có ai tốt nghiệp đại học. Ấy thế mà khâu tổ chức lao động rất bài bản, có bộ phận ươm cây, bộ phận vận tải, và cả những "chuyên viên thị trường" vô cùng nhạy bén. Trang trại của Thành mỗi năm cung cấp cho các chủ vườn vài trăm ngàn cây giống chất lượng, thị trường mở rộng ra tận Quảng Bình, Thưa Thiên – Huế. Hơn chục công nhân có thu nhập đều đặn từ 5 – 6 triệu/tháng.

Thành trăn trở: "Muốn mở rộng trang trại theo chiều sâu, đầu tư hệ thống nhà kính. Ngoài nguồn vốn được đảm bảo từ ngân hàng Nông nghiệp thì nguồn lực con người rất quan trọng, mình chỉ là "tay ngang", giờ không có thời gian đi học nên rất muốn cộng tác với một vài kỹ sư nông nghiệp được đào tạo bài bản. Đã mấy lần mình ngỏ lời nhưng mức lương không đạt hàng chục nên họ lắc đầu, có lẽ họ chán nông thôn!".

Huyện Gio Linh được mệnh danh là "đất học" của tỉnh Quảng Trị, chưa có con số thống kê bao nhiêu ông cử, bà thạc thất nghiệp nhưng chắc chắn con số đó khá nhiều trong các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh…

Tạm biệt Thành khi trời nhá nhem tối, cơn mưa nặng hạt hơn, mang theo trong lòng những câu hỏi không biết tìm câu trả lời nơi đâu. Vùng đất Gio Linh vẫn nghèo, hàng ngàn héc ta đất cát mênh mông cỏ phủ không ai khai thác. Nhiều lớp trẻ vẫn ôm mộng đổi đời từ giảng đường đại học rồi vỡ mộng trong những khu công nghiệp đầu tắt mặt tối.

Đeo gông vào mình vì sĩ diện

Con số thất nghiệp ở "khu vực" cử nhân, thạc sỹ tăng nhanh những năm qua cho thấy con đường khởi nghiệp từ giảng đường đại học dường như đã chạm ngõ cụt. Hàng chục trường cao đẳng, đại học khan dần sinh viên, nhiều ngành học tự "chết" trước đòi hỏi khắt khe từ thị trường lao động.

Học ra thất nghiệp không có nghĩa là không học, mà cần có thái độ ứng xử khác với tấm bằng, hãy đừng xem đó là con đường duy nhất! Cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp là tổn thất lớn cho xã hội, phả vào ngành giáo dục những chuyện buồn, những người trẻ ngày càng ủ dột, họ như đeo gông vào mình vì sĩ diện.

Chiến lược, tầm nhìn tầm vĩ mô chống thất nghiệp được bàn đến khá nhiều, như chương trình đào tạo nghề đến năm 2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; chủ trương chuyển mảng đạo tạo nghề nghề về bộ này; tinh gọn hệ thống các trường đại học, cao đẳng… nhưng ngay từ trong gia đình, cộng đồng vẫn còn đậm đặc quan niệm học để đổi đời.

Tại sao không phải là học để mở mang kiến thức, hoàn thiện con người? Thiết nghĩ, những tấm gương như Đinh Công Thành phải được biết đến nhiều hơn chứ không phải là thứ hào quang ngày càng nghiệt ngã từ giảng đường. Giải pháp từ gốc không mất tiền, một phần được mang lại bởi "quả đắng" thất nghiệp, phần còn lại nằm ở liệu pháp tâm lý từ gia đình, nhà trường.

Trương Khắc Trà (Báo Diễn đàn Doanh nghiệp)

Theo NLD