Ho có đờm kéo dài cảnh báo nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm

Nhiều người cho rằng ho có đờm kéo dài là biểu hiện bệnh lý bình thường do thời tiết, nhưng cần đề phòng những căn bệnh nguy hiểm từ hiện tượng này.

Đa số hiện tượng ho đều có nguyên nhân lành tính, kể cả ho có đờm. Tuy nhiên, có khi ho có đờm kéo dài tới vài tuần thì bạn không nên chủ quan, bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm.

Ho có đờm kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân như viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao phổi, ung thư phổi…

Bạn không nên chủ quan với hiện tượng ho có đờm kéo dài. Ảnh minh họa

Bạn không nên chủ quan với hiện tượng ho có đờm kéo dài. Ảnh minh họa

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Phổi tắc nghẽn mãn tính (hay còn gọi là bệnh COPD) là một bệnh hô hấp gây khó thở do đường thở bị hẹp lại.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, có tới hơn 7 triệu phụ nữ Mỹ sống chung với căn bệnh này, căn bệnh thường khiến bạn cảm thấy khó thở. COPD thường là hậu quả của việc hút thuốc, tỷ lệ mắc bệnh đã tăng gấp bốn lần trong ba thập kỷ qua.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, số người tử vong do bệnh này chủ yếu là phụ nữ. Do vậy, nếu bạn là một người đang hoặc đã từng hút thuốc mà bị ho, thường kèm theo nhiều chất nhầy, đặc biệt vào buổi sáng, khó thở, thở khò khè và tức ngực thì đừng trì hoãn, nên đến gặp bác sĩ hô hấp hoặc bác sĩ chuyên ngành phổi càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị (chủ yếu là các loại thuốc theo toa như thuốc giãn phế quản). Bên cạnh quá trình điều trị, điều đầu tiên bạn cần phải làm là bỏ thuốc lá.

Bệnh lao phổi

Bệnh lao phổi thường khiến người bệnh ho kéo dài, khạc ra đờm, đôi khi lẫn máu đỏ tươi, đau ngực, khó thở.

Ngoài ra có thể gặp bệnh ho và có đờm kéo dài như bệnh ápxe phổi. Khi bị ápxe phổi, nếu ho mạnh có thể gây ọc mủ và thường xuất hiện từng đợt. Đặc điểm là mủ có mùi hôi rất khó chịu, nhất là ápxe phổi do tụ cầu vàng (S.aureus).

Bệnh gây tổn thương nặng ở phổi và thường phải phẫu thuật loại bỏ ổ ápxe. Hoặc ho và có đờm kéo dài là bệnh viêm phổi.

Bệnh thường có đờm vàng, màu gỉ sét, kèm theo hội chứng nhiễm trùng, đau tức ngực ở vùng phổi bị viêm. Bệnh lý này rất nguy hiểm có thể dẫn tới suy hô hấp và đưa tới tử vong, tuy nhiên bệnh có thể điều trị khỏi được nếu phát hiện sớm.

Ung thư phổi

Nếu cơn ho của bạn kéo dài hơn hai tuần, đặc biệt là nếu có đi kèm với chất nhầy máu hoặc màu rỉ sét, khàn tiếng, nuốt đau và đau ngực.

Có thể dấu hiệu này chỉ là cơn khởi phát hen ở người lớn nhưng bạn không nên chủ quan mà phải được kiểm tra bằng một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để không bỏ qua các khối u có thể xuất hiện trong phổi hay các bộ phận khác.

BS. Raja M. Flores, Bệnh viện Mount Sinai, New York, Mỹ cho biết 65% người bị ung thư phổi bị ho mãn tính tại thời điểm chẩn đoán và đó có thể là triệu chứng duy nhất để chẩn đoán.

Giãn phế quản

Mặc dù có triệu chứng giống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhưng ho có đờm kéo dài cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo căn bệnh dãn phế quản mà không ít người mắc phải.

Dãn phế quản có hai thể bệnh: khô và ướt. Dãn phế quản thể khô biểu hiện ho ra máu lặp lại nhiều lần. Trong khi đó, biểu hiện của dãn phế quản ‘‘thể ướt’’ là ho khạc đờm mủ kéo dài, đờm đặc quánh, màu vàng, xanh. Lượng đờm từ trung bình đến nhiều khiến bệnh nhân phải khạc nhổ cả ngày.

Trong quá trình diễn biến, người bệnh phải chịu nhiều đợt nhiễm trùng phổi với lượng đờm ho khạc, lượng mủ nhiều hơn. Bệnh nhân sốt cao, lạnh, run đau ngực.

Các đợt nhiễm trùng phổi trên bệnh nhân dãn phế quản nặng cần điều trị kháng sinh mạnh thậm chí phải nhập viện điều trị. Bệnh nhân có thể tử vong vì viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, choáng nhiễm trùng.

Bệnh cấp tính

Ho có đờm kéo dài ở người già thường là dấu hiệu bệnh cấp tính. Ảnh minh họa

Ho có đờm kéo dài ở người già thường là dấu hiệu bệnh cấp tính. Ảnh minh họa

Một số căn bệnh cấp tính như cảm lạnh, viêm họng mũi cấp, viêm amiđan cấp hoặc viêm xoang cấp, viêm thanh, khí quản cấp thường gặp nhất ở người già thì thường có biểu hiện ho có đờm kéo dài.

Viêm xoang cấp cũng gây ho và có đờm là do khi viêm xoang, các xoang bị viêm sẽ bị tắc, kèm theo bị nghẹt mũi, các chất nhầy tiết ra sẽ chảy xuống mặt sau của cổ họng.

Vào ban ngày, các dịch nhầy này được người bệnh xì ra hoặc tự trôi xuống đường tiêu hóa. Nhưng về ban đêm, dịch nhầy dễ ứ lại nơi cổ họng và kích thích gây ho.

Chứng nghẹt mũi do viêm xoang khiến người bệnh khi ngủ dễ phải thở bằng miệng, do vậy họng rất dễ khô, rát và bị ho về đêm.

Minh Hà

Theo VietQ