Hiểu thế nào về xử kín nguyên Phó viện trưởng VKSND dâm ô

Xử kín trong vụ án Nguyễn Hữu Linh tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” là một cách mà tòa án bảo vệ người bị hại khỏi những tổn thương tâm lý...

Dự kiến sáng 25/6, TAND quận 4 (TP HCM) sẽ xét xử sơ thẩm vụ án "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" liên quan đến bị cáo Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng). Bị cáo Nguyễn Hữu Linh bị TAND quận 4 đưa ra xét xử theo khoản 1 (Điều 146, Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Theo các cơ quan tố tụng quận 4, hành vi của bị cáo Linh là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người dưới 16 tuổi, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Bản thân bị cáo là người từng làm việc trong cơ quan tư pháp nhưng vi phạm pháp luật tạo dư luận xấu nên cần xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Phiên tòa sẽ được xét xử kín, do thẩm phán Nguyễn Hải Nam làm chủ tọa. Việc tòa tuyên bố xử kín khiến nhiều ý kiến băn khoăn liệu nó có đủ sức răn đe, phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này. Trước những băn khoản này, các chuyên gia đều nhận định, việc xét xử kín vụ án là đúng luật, nhằm bảo vệ tốt nhất cho gia đình bị hại, tránh sự ảnh hưởng về tâm lý cho cháu bé sau này.

hieu-the-nao-ve-xu-kin-nguyen-pho-vien-truong-vksnd-dam-o

Hình ảnh bị cáo Nguyễn Hữu Linh đang có hành vi dâm ô với bé gái trong thang máy bị camera ghi lại (ảnh cắt từ clip)

Bình luận về việc này, luật sư Nguyễn Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, xét xử kín được hiểu là không phải tất cả mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa như trường hợp xét xử công khai. Mặc dù là xét xử kín, nhưng khi tuyên án thì phải công khai. Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết.

Luật sư Long chia sẻ: “Căn cứ Điều 103 (Hiến pháp năm 2013) quy định về nguyên tắc xét xử: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”. Bên cạnh đó, theo điểm d (khoản 1, Điều 7, Thông tư 02/2018/TT-TANDTC) quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán:

Tòa án phải xét xử kín đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì tòa cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Từ những căn cứ trên, việc tòa tiến hành xử kín vụ án ông Nguyễn Hữu Linh là phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành”.

Cùng chung quan điểm trên, chuyên gia pháp lý Dương Kim Sơn cho rằng, theo quy định tại Điều 25 (Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015) quy định: Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai. 

“Theo quy định này, những trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án cần giữ bí mật Nhà nước, những vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…)… Đặc biệt là những vụ án mà nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, đối với vụ án dâm ô do bị cáo Nguyễn Hữu Linh thực hiện, tòa tiến hành xử kín là để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bị hại. Theo đó, để tránh trình bày toàn bộ tình tiết của vụ án, làm ảnh hưởng tới việc bảo vệ cho người dưới 18 tuổi, khi tuyên án HĐXX chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Điều này có nghĩa, ở phần tuyên án công khai, tòa sẽ chỉ nêu họ tên, tội danh bị kết án và mức hình phạt đối với bị cáo.

Theo GiaDinh