Hiểm họa từ các thẩm mỹ 'vườn'

Bỏ ra vài triệu đồng, được đào tạo 1 tuần đến 1 tháng, “học viên” của các thẩm mỹ viện, spa sẽ được cấp một chứng chỉ hành nghề.

Trở thành “chuyên viên” trong một tháng

“Chỉ cần photo chứng minh nhân nhân, gửi kèm 1 ảnh 4x6, ôn và thi trong 2 ngày, phí 2 triệu là có chứng chỉ chuyên viên làm đẹp” - trong vai những học viên muốn đi thi chứng chỉ hành nghề spa, chúng tôi nhận được lời quảng cáo không thể hấp dẫn hơn từ một nhân viên tư vấn. Cô nàng “cò” này giới thiệu rằng mình hiện đang là nhân viên của spa X.T - một spa lớn và có tiếng khu vực Cầu Giấy, Hà Nội.

Hiểm họa từ các thẩm mỹ 'vườn'

Học nghề làm đẹp trong thời gian ngắn đang đặt dấu hỏi về chất lượng tay nghề của các học viên sau khi được cấp chứng chỉ.

Tìm hiểu cặn kẽ hơn, chúng tôi được biết rằng, thực tế spa X.T không hề tổ chức các lớp đào tạo dạy nghề bài bản. Thay vào đó, các học viên được chia thành từng tốp, “thị phạm” các thợ khác của spa làm việc. Sau khóa học, học viên sẽ được cấp một chứng chỉ do spa X.T cung cấp.

Tìm hiểu ở một số nơi khác thì đây là tình trạng chung của các spa có kèm thêm lớp đào tạo hoặc các trung tâm dạy nghề nhỏ lẻ. Tuy nhiên, “giáo trình” ở mỗi spa, mỗi trung tâm dạy nghề lại không đồng nhất theo kiểu “mạnh ai nấy dạy, mạnh ai nấy học”. Dĩ nhiên, về chất lượng thì đâu có sự bảo đảm rằng nơi nào tốt hơn nơi nào, mà chỉ là người này rỉ tai rồi rủ rê người kia mà thôi.

Và, ngay cả chi phí đào tạo của mỗi spa cũng khác nhau, với độ chênh lệch hàng chục triệu đồng. Ví dụ, spa X.T như đã nói ở trên là 10,5 triệu đồng/khóa học. Nhưng chỉ cách 2 con phố, spa A.B lại “bao đỗ chứng chỉ, bao nghề sau tốt nghiệp” với mức giá chỉ bằng 2/3 đối thủ.

Các spa, trung tâm dạy nghề sẵn sàng tung ra các chiêu trò để câu kéo học viên như tung ra các gói khuyến mại giảm giá 20 - 50%, tặng kèm các khóa học như nối mi, làm trắng răng... hay hỗ trợ đồ nghề học tập. Có những nơi mạnh miệng tuyên bố rằng đảm bảo học viên của mình sẽ tìm được việc làm với mức lương cao ngất ngưởng, thậm chí sau khi tốt nghiệp sẽ đủ khả năng mở spa của riêng mình.

Một số nơi để tăng sức thuyết phục, có sự móc nối với các trung tâm dạy nghề có tiếng để dễ bề lôi kéo học viên tương tự như dòng quảng cáo ở trên. Chỉ cần gõ cụm từ chứng chỉ thẩm mỹ lên trang tìm kiếm Google, có tới gần 34 triệu kết quả trả về trong vòng 0,3 giây. Trong khi đó, vẫn với cụm từ này tìm kiếm trên trang mạng xã hội Facebook, nhan nhản những fanpage, hội nhóm hay các cá nhân với đủ điều hứa hẹn.

Chất lượng tay nghề và những khách hàng gặp “quả đắng”

Chứng chỉ thẩm mỹ trôi nổi là một lẽ, vậy còn chất lượng đào tạo học viên tại các spa, các trung tâm thẩm mỹ như nói trên thì sao? Từ chỗ không được đào tạo bài bản, chính quy với giáo trình chuẩn và dụng cụ an toàn thì hệ lụy là chất lượng đào tạo học viên, chuyên viên thẩm mỹ vô cùng nguy hại. Và dĩ nhiên, khách hàng là những người chịu quả đắng nếu lựa chọn phải những địa chỉ thẩm mỹ thiếu tin cậy.

Đ.T.H - một học viên sau khi “tốt nghiệp” ở một cơ sở thẩm mỹ trên đường Hoàng Cầu, Hà Nội đã tự mở cho riêng mình một spa nhỏ tại nhà. Cô thành thật chia sẻ về giai đoạn mình mới học nghề: “Tiếng là có khóa học nghề trong 3 tháng nhưng thực ra họ gợi ý cho em ra tiệm gội đầu hay spa bên ngoài học, chỉ cần biết qua là sẽ thi được rồi”. Riêng quá trình học tiêm filler cho khách hàng, Đ.T.H tiết lộ rằng khóa học này kéo dài chưa đến 1 tuần: “Chủ yếu những ngày đầu nhìn chị chủ spa làm trực tiếp cho khách hàng. Vài ngày sau chúng em được thực hành, rồi dần dần quen tay mà làm thôi”.

Hiểm họa từ các thẩm mỹ 'vườn'

Một nạn nhân bị hoại tử mũi do tiêm filler tại cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng.

Đấy là những liệu trình đơn giản, còn với những khách hàng yêu cầu cao cấp và phức tạp hơn như nâng sụn mũi, gọt mặt, tiêm hạ gò má, tiêm tan mỡ tạo khuôn mặt trái xoan… thì dĩ nhiên sẽ phức tạp hơn nhiều. Cốt chỉ cần chứng chỉ hành nghề, còn các nhân viên, chuyên viên thẩm mỹ chủ yếu học nghề qua phương pháp “trăm hay không bằng tay quen”. Đầu tiên, họ lấy bạn bè hoặc người thân ra làm “chuột bạch”, sẵn sàng làm giá rẻ thậm chí miễn phí. Rồi sau một thời gian, quen tay thì tự tin làm cho khách.

Điều này lý giải tại sao số lượng cơ sở spa, thẩm mỹ viện lại mọc nên nhanh đến như thế trong thời gian qua. Và nó cũng là nguồn cơn dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn trong quá trình làm đẹp của khách hàng. Những cơ sở làm đẹp dạng thế này lại rất biết đánh vào nhu cầu làm đẹp của chị em, đặc biệt là những người có kinh tế vừa phải nhưng vẫn nuôi trong mình khát vọng cải thiện ngoại hình. Những câu chuyện khóc dở mếu dở từ đây mà ra.

Chị M.N. (26 tuổi, Hải Dương) mới đây kêu cứu trên trang Facebook cá nhân, sau đó đăng tải bài viết của mình lên các hội nhóm làm đẹp để nhờ cộng đồng mạng tìm lại công bằng cho mình. Chị M.N. kể lại rằng giữa tháng 9 vừa qua, một cơ sở làm đẹp gần nhà có trưng biển giảm giá 40% cho khách hàng nâng mũi và cắt mí.

Dù không tìm hiểu kỹ tay nghề của thợ spa, chị M.N. vẫn quyết định đánh bạo chấp thuận để cơ sở spa này thực hiện tiểu phẫu. Khốn khổ thay, 3 tuần sau ca phẫu thuật, mí mắt và mũi của chị ngày càng sưng phù nề, tím tái và có dấu hiệu bị hoại tử.

Nhưng không chỉ các cơ sở nhỏ, giá rẻ mới nguy hiểm, mà ngay cả cơ sở lớn với những ca phẫu thuật hàng trăm triệu đồng cũng ẩn chứa những hiểm họa. Mới đây, chị Ngô Ngọc L. (36 tuổi, Hà Nội) hoang mang chia sẻ câu chuyện về quá trình làm đẹp như “đánh đu với tử thần” của mình.

Đầu tháng 5, chị L có đến một cơ sở thẩm mỹ viện lớn ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) để tiến hành chỉnh sửa nâng mũi và ngực. Số tiền chị phải bỏ ra cho 2 ca phẫu thuật này lên tới 13.000 USD (tương đương gần 300 triệu đồng). Trong đó số tiền nâng ngực là 7.000 USD và nâng mũi là 6.000 USD. Ca phẫu thuật kéo dài 7 tiếng đồng hồ diễn ra vào ngày 13/5 đã gây ra những biến chứng nặng nề, khiến chị L. sống trong đau đớn suốt một thời gian dài.

Theo VietQ