Hiếm gặp: Sán lá gan lạc chỗ, bò ngược lên ngực nữ bệnh nhân trẻ tuổi

Thấy tổn thương ở ngực phải gây đau nhói, chị H (29 tuổi) nghĩ mình bị viêm tuyến vú, áp xe nên nhờ người nặn ra. Bất ngờ, thấy một con sán làm tổ, ngoe nguẩy ký sinh tại đó.

Cách đây 2 tuần, chị Lò Thị H (29 tuổi, ở Thuận Châu, Sơn La) thấy một nốt tổn thương vùng cạnh ngực phải. Vết nốt này to khoảng 5mm x 5mm, bằng hạt đỗ, kèm đau nhẹ, ngứa ngáy.

Sợ bị bệnh, nữ công nhân này đã đi khám tại phòng khám tư, cơ sở này nghi ngờ chị H bị viêm tuyến vú.

hiem-gap-san-la-gan-lac-cho-bo-nguoc-len-nguc-nu-benh-nhan-tre-tuoi

TS Thọ khám bệnh cho bệnh nhân tại Khoa Khám bệnh chuyên ngành.

Vùng tổn thương gây đau, chị H còn nghĩ đến việc mình bị áp xe tuyến vú nên nhờ người nặn vùng tổn thương. Bất ngờ, một con sán ngoe nguẩy trong vết thương này. Chị H liền mang bệnh phẩm đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương khám.

TS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành cho biết, sau khi làm xét nghiệm theo kỹ thuật Real Time PCR, xác định bệnh phẩm là con sán lá gan lớn.

hiem-gap-san-la-gan-lac-cho-bo-nguoc-len-nguc-nu-benh-nhan-tre-tuoi

Kết quả chẩn đoán bệnh nhân H bị sán lá gan lớn lạc chỗ, bò lên tận ngực.

Sán lá gan lớn là một bệnh ký sinh trùng truyền từ động vật sang người. “Bình thường sán lá gan trú ngụ, ký sinh tại gan. Nếu lạc chỗ, sán thường gặp ở cơ thẳng gần bụng, cơ tim, hoặc ở phổi, nhưng trường hợp này, sán lại ký sinh lạc chỗ tại cơ vú phải của bệnh nhân” – TS Thọ nói.

Theo TS Thọ, thực tế, có rất nhiều bệnh nhân bị sán lá gan lớn được chẩn đoán nhầm là đau dạ dày, thậm chí ung thư gan, u gan, do đó, điều trị vòng quanh, đi rất nhiều viện nhưng vẫn không khỏi bệnh. Có bệnh nhân còn chuẩn bị rất nhiều kinh phí để phẫu thuật hoặc đã tiến hành phẫu thuật.

BS Trần Huy Thọ cho hay, với những bệnh nhân nhiễm sán lá gan thường bị đau hạ sườn phải, đau thượng vị (mũi ức) dạ dày vì gan trái gần với dạ dày, nên dễ bị chẩn đoán nhầm thành đau dạ dày.

Sán lá gan cũng gây ra những tổn thương gan như những ổ áp xe trong gan, phá hủy tế bào gan nên có thể bị chẩn đoán nhầm thành u gan. Có trường hợp bệnh nhân bị ổ áp xe gan quá lớn bị vỡ, phải mổ. Nếu không cấp cứu kịp có thể bị nhiễm trùng và tử vong.

TS.BS Trần Huy Thọ cho biết thêm, bệnh nhân có một thói quen là hay ăn lẩu, ăn các loại rau thuỷ sinh, trồng dưới nước như rau cần, rau ngổ... là yếu tố có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Vì ấu trùng sán thường bơi trong nước sau đó tìm một cá thể để ký sinh như ốc, hoặc bám vào rau trồng thuỷ sinh.

Việc điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh sán lá gan không khó, chỉ khoảng một tuần là ổn định, nhưng tổn thương gan thì phải từ 1 tháng mới hết. Tùy vào thể trạng từng người quá trình điều trị sẽ nhanh hay chậm. Có người đáp ứng thuốc tốt thì 1 tháng, có người chậm phải 6 tháng mới hồi phục.

Với bệnh nhân H, hiện đã được ra viện sau 1 tuần điều trị, bác sĩ hẹn nữ bệnh nhân này vào tái khám sau 1 tháng nữa.

TS.BS Trần Huy Thọ cũng cho lời khuyên, để phòng, chống căn bệnh này, người dân phải ăn chín, uống sôi, bỏ thói quen ăn các thức ăn sống như tiết canh... Lựa chọn ăn thực phẩm sạch như nguồn thực phẩm phải được lấy từ các trang trại nuôi, vật nuôi sạch thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ giảm.

Theo GiaDinh