Hàng nhập khẩu gắn mã vạch Việt Nam không phải là căn cứ kết luận giả mạo xuất xứ

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản lưu ý cục hải quan các tỉnh, thành phố liên quan đến việc trên hàng hóa, bao bì của hàng hóa nhập khẩu gắn mã số, mã vạch Việt Nam.

Theo đó, Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa thì mã số, mã vạch không phải là nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa.

Trường hợp trên hàng hóa, bao bì của hàng hóa nhập khẩu gắn mã số, mã vạch Việt Nam (893) được chấp nhận nếu có văn bản ủy quyền cho đối tác liên doanh hoặc gia công, chế biến sử dụng mã số, mã vạch theo quy định tại Điều 19b Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa).

Hàng hóa nhập khẩu có gắn mã số, mã vạch Việt Nam không phải là căn cứ để kết luận hàng hóa đó giả mạo xuất xứ Việt Nam. Đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu được gắn mã số, mã vạch của nước ngoài theo thỏa thuận của thương nhân phải phù hợp quy định pháp luật Việt Nam.

hang-nhap-khau-gan-ma-vach-viet-nam-khong-phai-la-can-cu-ket-luan-gia-mao-xuat-xu

Ảnh minh họa 

Trước đó, liên quan tới vấn đề kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, triển khai Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, Bộ Công Thương vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết.

Chương trình hành động này đề ra các nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương với thời hạn thực hiện cụ thể. 05 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa; tăng cường năng lực bộ máy giám sát, kiểm tra, triển khai có hiệu quả các giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về xuất xứ hàng hóa; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan liên quan.

Mục tiêu của việc triển khai của Chương trình hành động là nhằm ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc nếu có; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất Việt Nam, duy trì tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững; thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu;

Nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là triển khai các hiệp định FTA thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả cam kết trong các khuôn khổ đa phương và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai đầy đủ Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Theo VietQ