Hàng loạt xe sang của Mercedes, Audi và Ford bị triệu hồi

Chỉ riêng các hãng như Mercedes, Audi, Ford thì số lượng phải triệu hồi tại thị trường Việt Nam đã lên đến con số 3.351 xe. Trong đó, đội sổ là dòng xe Ford Ranger và tiếp đó là Mercedes Bens LGC 250 và 350. Đây đều là những dòng xe có lượng tiêu thụ lớn, đã và đang gây sốt trên thị trường ô tô Việt.

Hàng loạt xe sang của Mercedes, Audi và Ford bị triệu hồi

Xe sang của Mercedes được nhiều người ưa chuộng, nhưng một số xe cũng nằm trong diện bị triệu hồi. Ảnh: TL

Vì sao phải triệu hồi?

765 xe sang Mercedes Bens, loại được thị trường Việt ưa chuộng là LGC 250, 350 4Matic có thời gian sản xuất từ tháng 6/2017 đến tháng 9/2017 đang nằm trong diện triệu hồi của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Số xe này được sản xuất bởi Công ty TNHH Mercedes Bens Việt Nam, 693 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TPHCM.

Lý do triệu hồi được thông báo là để kiểm tra, khắc phụ hiện tượng mất nguồn tiếp điện âm của trục dẫn động lái điện vô lăng lái và cụm mô đun công tắc thuộc hệ thống tín hiện điều khiển túi khí lắp trên trục dẫn động vô lăng lái để ngăn ngừa túi khí lắp trên vô lăng có thể bị kích hoạt trong một số điều kiện. Thời gian triệu hồi kéo dài đến ngày 31/12/2018.

Thông báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, trên một số xe sử dụng mô đun công tắc và cuộn dây từ nhà cung cấp Valeo thuộc dòng xe GLC (loại X253) bị ảnh hưởng do chất lượng phụ tùng nên trong trường hợp trục dẫn động lái điện của vô lăng lái bị tiếp xúc nguồn điện âm và cuộn dây dẫn điện điều khiển túi khí được lắp trên cụm công tắc đa chức năng bị đứt/hỏng thì đèn báo túi khí bật sáng và túi khí có thể tự kích nổ mất kiểm soát trong một số trường hợp. Việc hoạt động thiếu kiểm soát của túi khí tài xế có thể gây ra nguy hiểm cho người lái và có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Thương hiệu thứ hai có xe nằm trong diện bị triệu hồi là Audi, số lượng là 20 xe A5 Sportback và A6 của nhà nhập khẩu, phân phối công ty TNHH ô tô Á Châu, số 6B, Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM. Số xe này có thời gian sản xuất từ 1/2011 đến 3/2017.

Thông báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, trên một số dòng xe Audi A5, A6 tại Việt Nam sử dụng động cơ 2.0 ltr TFSI được sản xuất từ 1/2011 đến 3/2017 đã nhập khẩu và phân phối tại thị trường Việt Nam xảy ra hiện tượng độ ẩm có thể xâm nhập vào những thành phần điện tử trên động cơ gây nên tình trạng quá nóng và hỏng bơm nước phụ. Trong một vài trường hợp, nước bên trong bơm phụ rò rỉ qua khe nứt với bụi bẩn từ bên ngoài gây nên chập điện dẫn đến cháy xe.

Đứng đầu về số lượng với 2.566 xe nằm trong diện phải triệu hồi là dòng xe Ford Ranger của nhà nhập khẩu, phân phối bởi Công ty TNHH Ford Việt Nam. Số xe này được sản xuất ở Thái Lan từ ngày 5/6/2015 đến ngày 2/2/2016. Nguyên nhân triệu hồi là để kiểm tra, khắc phục hiện tượng cáp chuyển số tiếp xúc với trục các đăng.

Thời gian mà Ford Việt Nam phải triệu hồi kéo dài đến ngày 17/7/2020. Thông báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, trên một số xe Ford Ranger bị ảnh hưởng, kẹo giữ cáp chuyển số có thể không được lắp vào khớp hoàn toàn với phần kim loại của cáp phanh tay, theo thời gian có thể dẫn đến việc các cáp chuyển số tiếp xúc với trục các đăng. Việc tiếp xúc này có thể làm hư hỏng các cáp chuyển số, dẫn đến khó chuyển số hoặc mất dẫn động.

Nhà sản xuất, phân phối từ chối câu hỏi “khó”

Với lần triệu hồi nêu trên tại Việt Nam, Mercedes-Benz đã chạm mốc 10 lần phải triệu hồi các xe liên quan đến vấn đề túi khí tại Việt Nam. Lần gần đây nhất, hồi tháng 5/2018, Cục Đăng Kiểm Việt Nam đã phát đi thông báo triệu hồi 284 xe Mercedes-Benz do lỗi tiếp âm dẫn đến việc túi khí tự động kích hoạt. Theo đó, 284 chiếc Mercedes thuộc các dòng A-Class, GLA-Class và CLA-Class được sản xuất từ 11/2011 - 7/2017 bị lỗi tiếp âm.

Về việc đã có lái xe nào gặp sự cố do lỗi nêu trên hay chưa, một cán bộ của Mercedes-Benz Việt Nam cho biết là chưa ghi nhận trường hợp nào và việc thông báo thay sửa là để phòng ngừa.

Vị cán bộ này từ chối bình luận, trả lời câu hỏi về việc khi mỗi dòng xe mới ra thị trường đều được hãng và các đại lý quảng cáo rất nhiều về vấn đề an toàn nhưng khi khách hàng mua xe về đi chưa được bao lâu thì phải triệu hồi để thay sửa. “Cái đó tập đoàn gửi sang thì chúng tôi thực hiện, tôi không bình luận về cái đó được… Nếu phát hiện lỗi có nguy cơ gây tai nạn thì các hãng đều làm như thế”, cán bộ của Mercedes-Benz Việt Nam cho hay.

Còn một đại diện của Ford Việt Nam thì nói rằng: “Các chương trình dịch vụ hài lòng khách hàng hay các chương trình triệu hồi đều là việc làm chủ động từ phía nhà sản xuất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Khi phát hiện vấn đề, các nhà sản xuất sẽ nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng để phê duyệt chương trình, đồng thời chuẩn bị các nguyên vật liệu, quy trình kiểm tra thay thế, chuẩn bị tài liệu đào tạo đại lý và thư thông báo cho khách hàng. Các chương trình được phê duyệt cũng được đăng công khai trên website của nhà sản xuất để người tiêu dùng tham khảo. Đây là các công việc chủ động và thể hiện trách nhiệm cao nhất với khách hàng của mình từ nhà sản xuất”.

Ngày 6/8, trả lời các câu hỏi của PV Báo Gia đình & Xã hội, Ford Việt Nam cho biết, trong quá trình sản xuất xe Ranger tại Thái Lan, nhà máy của Ford tại Thái Lan đã phát hiện vấn đề này và đã lập tức thông báo cho các đơn vị liên quan và tiến hành gọi các xe thuộc diện ảnh hưởng của chương trình để kiểm tra. Tại Việt Nam, có khoảng 2.566 xe Ranger thuộc chương trình này.

Các xe sẽ được gọi về đại lý ủy quyền của Ford Việt Nam để kiểm tra tình trạng của kẹp giữ cáp. Theo báo cáo từ nhà máy ở Thái Lan thì tỷ lệ phải thay thế là ít hơn 1%. Ford Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp tai nạn nào liên quan đến vấn đề này.

Theo GiaDinh