Hàng loạt quy định có lợi cho người lao động có hiệu lực từ tháng 7/2018

Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng thêm, tăng trợ cấp thai sản và điều chỉnh mức đóng - hưởng BHYT của hàng chục triệu người... là những quy định mới có hiệu lực trong tháng 7/2018.

Lương cơ sở chính thức tăng từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng

Hàng loạt quy định có lợi cho người lao động có hiệu lực từ tháng 7/2018
Mức lương cơ sở cũ là 1.300.000 đồng/tháng sẽ được tăng thêm 90.000 đồng từ ngày 1/7/2018. Hình minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, mức lương cơ sở cũ là 1.300.000 đồng/tháng sẽ được tăng thêm 90.000 đồng từ ngày 1/7/2018.

Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (sau đây gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận…

Theo đó, 9 nhóm đối tượng sẽ được áp dụng chính sách trên, gồm: Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 200; Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008; Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật viên chức năm 2010; Người làm việc trong tổ chức cơ yếu; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố…

8 đối tượng sẽ được tăng lương hưu, trợ cấp BHXH từ 1/7/2018​

Hàng loạt quy định có lợi cho người lao động có hiệu lực từ tháng 7/2018
Mức tăng thêm là 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2018. Hình minh họa

Nghị định số 88/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành nhằm điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ 1/7/2018. Mức tăng thêm là 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2018.

Trước đó, Nghị quyết số 49/2017/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 đã thông qua việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng, từ ngày 1/7/2018.

Theo đó, 8 nhóm đối tượng được điều chỉnh hưởng là: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng…

Thay đổi mức đóng - hưởng BHYT

Mức lương cơ sở tăng từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng từ 1/7/2018 cũng dẫn đến việc điều chỉnh tỉ lệ đóng - hưởng của hàng chục triệu chủ thẻ BHYT theo hướng tăng thêm quyền lợi hưởng.

Cụ thể, mức đóng BHYT của một số đối tượng sẽ tăng thêm từ 58.500 đồng/tháng lên 62.550 đồng/tháng. (1.390.000 đồng x 4,5 % (lương cơ sở)), gồm: Người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, người có công với cách mạnh, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, hộ gia đình …

Theo BHXH VN, việc tăng lương cơ sở giúp chủ thẻ BHYT được hưởng thêm nhiều lợi ích, như: Số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm tài chính làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm (6 tháng lương cơ sở) điều chỉnh tăng từ 7,8 triệu đồng lên 8,34 triệu đồng; Chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở: Điều chỉnh tăng từ 195.000 đồng lên 208.500 đồng.

Bên cạnh đó, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dich vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng từ 58,5 triệu đồng lên 62,55 triệu đồng.

Thay đổi tỷ lệ đóng BHXH

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, người lao động đóng 8 % mức tiền lương vào quỹ hưu trí. Từ ngày 1/1/2018, mức tiền lương đóng BHXH gồm: Mức lương, phụ cấp và khoản bổ sung khác. Khi mức lương cơ sở thay đổi sẽ kéo thay việc điều chỉnh tăng mức đóng BHXH, cụ thể:

Theo đó, số tiền đóng BHXH đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã = 1.390.000 x 8% = 111.200 đồng/tháng.

Số tiền đóng BHXH đối với các đối tượng khác hưởng tiền lương do Nhà nước quy định = (Lương + các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng) x 8%.

Số tiền tối đa đóng BHXH đối với người lao động, người hưởng tiền lương do Nhà nước quy định = 1.390.000 x 20 x 8% = 2.224.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, mức đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện tối đa cũng thay đổi. Theo đó, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc (hoặc tự nguyện) nếu cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc (hoặc tự nguyện) chỉ được bằng 20 tháng lương cơ sở. Do đó, mức cao nhất sẽ là 27.800.000 đồng/tháng (1.390.000 đồng/tháng x 20).

Tăng trợ cấp thai sản

Hàng loạt quy định có lợi cho người lao động có hiệu lực từ tháng 7/2018
Hình minh họa

Cũng theo việc điều chỉnh lương cơ sở, từ ngày 1/7/2018, mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (sau đây gọi gọn là trợ cấp thai sản) cũng sẽ tăng so với mức hiện hành.

Theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, việc trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được quy định như sau: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Giảm giá khám bệnh và giá viện phí

Giá khám bệnh và giá viện phí nhiều dịch vụ từ 15/7 tới sẽ giảm mạnh

Giá khám bệnh và giá viện phí nhiều dịch vụ từ 15/7 tới sẽ giảm mạnh

Theo thông tư nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được Bộ Y tế ban hành, từ 15/7 tới đây, giá viện phí nhiều dịch vụ y tế tại tất cả các cơ sở y tế công lập đều giảm mạnh, tổng cộng điều chỉnh 88 dịch vụ y tế.

Đơn cử, giá khám bệnh ở bệnh viện (BV) hạng đặc biệt và BV hạng 1 giảm từ 39.000 đồng xuống 33.000 đồng/lượt khám, BV hạng 2 từ 35.000 đồng xuống 29.600 đồng/lượt, BV hạng 3 từ 31.000 đồng xuống 26.000 đồng/lượt, BV hạng 4 và trạm y tế xã từ 29.000 đồng xuống 23.3000 đồng/lượt.

Cùng đó, giá giường bệnh hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt điều chỉnh tăng 677.100 đồng lên 687.000 đồng/ngày; tại BV hạng 1 có giá là 615.600 đồng/ngày; với giường bệnh hồi sức cấp cứu tại BV hạng đặc biệt là 401.300 đồng/ngày và BV hạng 4 sẽ giảm từ 226.000 đồng xuống 221.000 đồng/ngày.

Hàng chục dịch vụ cận lâm sàng cũng được điều chỉnh giảm giá, như: phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ gần 3,7 triệu đồng xuống còn 1,6 triệu đồng; phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ hơn 4 triệu đồng xuống còn gần 2,9 triệu đồng... Các dịch vụ nội soi tai mũi họng giảm từ 202.000 đồng xuống 100.000 đồng/lượt, siêu âm giảm từ 49.000 đồng xuống 38.000 đồng, chụp X-quang số hóa 1 phim từ 69.000 đồng xuống 62.000 đồng; chụp CT scanner đến 32 dãy không có thuốc cản quang từ 536.000 xuống 512.000 đồng, chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang từ 2.336.000 đồng xuống 2.200.000 đồng…

Theo Bộ Y tế, thông tư điều chỉnh giá viện phí này áp dụng với những người điều trị nội trú hoặc ngoại trú từ thời điểm thông tư có hiệu lực.

Theo GiaDinh