Hàng loạt cây phượng bị chặt hạ: Sao nỡ cạn tình với loài cây biểu tượng của tuổi học trò?

“Hôm nay, một cây phượng bị gãy đổ - chúng ta chặt bỏ hoặc tỉa trơ trụi các cây còn lại. Nay mai, một cây trong rừng bị đổ - chúng ta lại chặt cả rừng cây?” - GS.TS. Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội lên án tình trạng chặt cây phượng tùy tiện hiện nay.

Chặt phượng ồ ạt, hành vi sai lầm

Những ngày vừa qua, dư luận cả nước hết sức phẫn nộ, xót xa trước việc một số cây xanh, đặc biệt là phượng vĩ tại một số trường học bị đốn hạ, tỉa cành trơ trọi. Đáng chú ý, có trường học tiến hành cắt cành, chặt cây trước mặt học sinh, giáo viên trong trường.

Những cánh hoa phượng, cành lá xác xơ, ngổn ngang trên sân trường. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho biết, rất bất bình trước hành động bột phát này. Cây phượng không có lỗi, không nên "trút giận", hoặc lo sợ trách nhiệm cây đổ mà đốn hạ không thương tiếc.

Sau khi thấy những hình ảnh một số trường học cắt trụi, đốn hạ cây phượng, cô Nguyễn Thị Loan - Giáo viên trường THCS Vũ Tiến (Vũ Thư, Thái Bình) cho biết, sự cố cây phượng bật gốc khiến 1 học sinh tử vong tại TP.HCM vừa qua thật đau lòng, sự cố không ai ngờ tới.

Thế nhưng, không phải vì thế mà các nhà trường ra tay chặt hạ những cây phượng vĩ như thế. Cây phượng vĩ không có lỗi mà lỗi ở con người. Việc chặt phá những cây phượng vĩ cổ kính để đảm bảo an toàn là sai lầm. Có ai dám khẳng định các cây cổ thụ khác không đổ?

"Nhiều năm gắn bó với trường học, với học trò, với cây bàng và hàng phượng vỹ trên sân trường, chúng ta không nên "giận cá chém phượng" như thế. Cần đào sâu kiểm tra kỹ khắc phục gia cố, chống xung quanh những cây cổ thụ để giữ lại vẻ đẹp nhân văn cổ kính của những cây phượng trong sân trường. 

Hình ảnh cây phượng đã đi vào thơ ca nhiều thế hệ, hơn nữa hình ảnh cây phượng trở thành đề tài trong bộ môn văn miêu tả của các em học sinh tiểu học và THCS. Hãy khắc phục để vừa giữ lại được màu hoa đỏ đặc trưng của mùa hè, vừa đảm bảo sự an toàn, đó mới là giải pháp và trách nhiệm" - cô Loan chia sẻ thêm.

hang-loat-cay-phuong-bi-chat-ha-sao-no-can-tinh-voi-loai-cay-bieu-tuong-cua-tuoi-hoc-tro

Hình ảnh cây phượng bị đốn hạ, chặt cành trơ trọi gây nhiều tiếc nuối.

Trong khi một số nơi đang "triệt hạ" cây phượng thì một số nơi lại khát khao có được  những cây phượng đỏ rợp sân trường. Thầy Ksor Ygiêng - giáo viên trường tiểu học và THCS Yea Lâm (Yea Lâm, Sông Hinh, Phú Yên) tâm sự:

"Quả là đáng tiếc với những cây phượng bị chặt đốn một cách vô tình. Trong khi trường của tôi, hàng chục năm trở lại đây đã không còn cây phượng nào. Hồi trước có mấy cây cổ thụ nhưng gặp gió bão ngã hết, nhiều năm không trồng lại. Năm học vừa rồi, trường đã tổ chức lao động và trồng lại hai cây phượng.

Nhưng hai cây chưa kịp lên thì do thiếu nước (công trình nước bị hư hỏng), gặp nắng nóng nên không thể sống. Vậy là không còn cây biểu tượng của tuổi học trò trên sân trường".

Với nhiều học sinh, việc cây phượng bị chặt hạ ở một số nơi cũng để lại niềm tiếc nuối.

"Em sẽ khóc vì thương cây nếu như cây phượng ở trường bị chặt bỏ, hoặc cắt trụi cành. Những năm đi học, em đều bên những cây phượng đầy ắp kỷ niệm rồi, sắp tới ra trường ai cũng muốn có bộ ảnh kỷ yếu chụp bên cây phượng rợp đỏ hoa.

Em được biết nhiều trường học cũng nỗ lực để giữ cây phượng bằng cách gia cố cọc sắt chỗng đỡ thân, gốc cây, cắt tỉa bớt cành khô, mục…, chứ vì lo đổ mà chặt đi cả cây khỏe mạnh thì quá tiếc cho cây" - Thu Hương, học sinh lớp 12 tại Hà Nội chia sẻ.

hang-loat-cay-phuong-bi-chat-ha-sao-no-can-tinh-voi-loai-cay-bieu-tuong-cua-tuoi-hoc-tro

Cành hoa ngổn ngang trên sân khi cây phượng bị đốn hạ.

Cây phượng không đáng bị đối xử bất công

Trước sự việc chặt cây, tỉa cành bột phát tại một số trường học, GS.TS. Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội đã có những chia sẻ thẳng thắn về hiện tượng này. Ông cho hay:

"Sau vụ tai nạn thương tâm, tôi đã thấy nhiều hình ảnh ở nhiều trường, nhiều công sở vội vàng chặt bỏ hàng loạt cây xanh bóng mát, trong đó có các cây phượng đang ra hoa rất đẹp. Việc triệt hạ cây xanh thiếu quy chuẩn, xóa đi những hình ảnh đẹp của loài hoa học trò là sự thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm cho tương lai.

Phượng vĩ có nguồn gốc từ Madagascar. Ngoài giá trị là cây cảnh, nó còn có tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong điều kiện nhiệt đới.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của cây phượng là tuổi thọ không cao. Cây trồng trên đường phố chỉ 30 tuổi là đã già cỗi, thân có dấu hiệu mục rỗng, sâu bệnh, nấm bắt đầu tấn công. Cây trồng trong công viên, trường học thì có thể có tuổi thọ cao hơn nhưng cũng chỉ đạt 40 - 50 năm tuổi.

hang-loat-cay-phuong-bi-chat-ha-sao-no-can-tinh-voi-loai-cay-bieu-tuong-cua-tuoi-hoc-tro

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đổ cây chứ không phải do cây phượng.

Cũng theo GS.TS. Trần Văn Chứ, việc cây phượng đổ có hai nguyên nhân tác động từ phía con người. Ở các khu đô thị, các trường mới xây dựng, muốn cho đẹp mắt nên thường trồng ngay cây lớn.

Nhưng những chỗ rễ cái, cành to bị cắt, hay những chỗ trong quá trình vận chuyện bị xước vỏ đều là nguyên nhân dẫn đến mục rỗng. Quá trình làm sân trường, đổ những lớp bê tông đến gần sát gốc cây thì toàn bộ lớp rễ nằm dưới phần bê tông rơi vào tình trạng yếm khí, không hô hấp được, sẽ chết dần.

Ngoài ra, nguyên nhân gây đổ cũng có thể đến từ việc xây bồn xung quanh gốc khiến thông khí, thoát nước kém, tổn hại đến rễ cây.

Để đảm bảo an toàn, khi trồng nên chọn những cây giống có kích thước vừa phải. Cây phải có ngọn, cành và chưa đến giai đoạn trưởng thành.

Không nên trồng cây lớn mà bị cắt hết cành to, bởi sẽ rất nguy hiểm vì chuyện mục rỗng. Cây được trồng trên 20 năm nên định kỳ chăm sóc, kiểm tra. Cần phải có biện pháp chống, cắt tỉa những cành mọc vống vươn lên, khống chế chiều cao của cây. Định kỳ khoảng 3 năm cắt tỉa cây một lần thì sẽ tạo ra những lớp cành tán rất đều nhau. Trước mùa giông bão phải cắt tỉa cành, hạ chiều cao của cây.

Đồng thời, liên hệ các công ty, chuyên gia cây xanh xem xét định kỳ mức độ sâu bệnh của cây ra sao từ đó đưa ra những quyết định phù hợp.

"Dù trồng cây gì, theo năm tháng, theo tuổi, cây cũng sẽ chết theo đúng quy luật "sinh, lão, bệnh, tử". Nhưng nếu chúng ta nâng niu, chăm sóc cây khoa học từ lúc trồng, chăm sóc,... cây sẽ không phụ chúng ta" - GS.TS. Trần Văn Chứ nhấn mạnh.

Theo GiaDinh