Hàng hóa nhóm 2 nào được miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu?

Theo Nghị định 74/2018 của Chính phủ bổ sung luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, có 15 hàng hóa thuộc nhóm 2 sẽ được miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.

Cụ thể, hành lý của người nhập cảnh, tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân trong định mức miễn thuế; hàng hóa của các tổ chức, cá nhân ngoại giao, tổ chức quốc tế trong định mức miễn thuế; mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng, hàng mẫu để nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phục vụ sản xuất; mẫu hàng để thử nghiệm phục vụ giám định…; hàng tạm nhập để trưng bày, giới thiệu tại hội chợ triển lãm; quà biếu, tặng trong định mức thuế; hàng trao đổi của cư dân biên giới trong định mức thuế; vật tư, thiết bị, máy móc tạm nhập - tái xuất không tiêu thụ và sử dụng tại Việt Nam.

Hàng hóa nhóm 2 nào được miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu?

Theo Nghị định 74/2018, một số hàng hóa sẽ được miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu 

Hàng quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển; hàng từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan; nguyên liệu, vật tư, hàng mẫu để gia công cho thương nhân nước ngoài, sản xuất hàng xuất khẩu; hàng kinh doanh bán miễn thuế cho khách xuất cảnh; hàng hóa tái nhập để sửa chữa, tái chế theo yêu cầu của đối tác nước ngoài; hàng nhập phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hàng nhập phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh theo quy định pháp luật cũng nằm trong danh mục miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.

Ngoài ra, hàng mẫu trưng bày làm triển lãm…, nghị định quy định rõ không bao gồm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe đạp điện.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường.

Theo đó, người sản xuất phải thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm theo quy định tại Điều 28 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường, đồng thời có trách nhiệm: Bảo đảm sản phẩm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; Tự xác định và thể hiện thông tin để cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm; Trường hợp sử dụng mã số, mã vạch trên sản phẩm, hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm, hàng hóa thì người sản xuất phải tuân thủ theo đúng quy định về sử dụng mã số, mã vạch.

Nghị định cũng bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường. Theo đó, sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường phải bảo đảm không gây mất an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

Khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường không phù hợp yêu cầu về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc có khả năng gây mất an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xử lý, thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó và thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Việc công bố hợp quy được quy định chi tiết tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo một trong các biện pháp sau: Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân; Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật; Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật.

Trường hợp, người nhập khẩu thực hiện đăng ký kiểm tra chất lượng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thì thực hiện đăng ký kiểm tra và trả kết quả kiểm tra chất lượng thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Nghị định số 74/2018/NĐ-CP quy định rõ cách thức hậu kiểm, cách thức quản lý hàng hóa theo mức độ rủi ro, tức là từ mức rủi ro thấp, trung bình đến đến mức rủi ro cao. Sản phẩm hàng hóa nào có độ rủi ro cao thì sẽ có mức quản lý chặt, và ngược lại hàng hóa nào có mức độ rủi ro vừa hoặc thấp thì sẽ có mức quản lý phù hợp hơn cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhưng vẫn có cơ chế để kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra hàng hóa nhập khẩu cũng đã được đơn giản hóa thông qua việc xem xét hoạt động công bố hợp quy của doanh nghiệp. Quá trình công bố hợp quy đối với nhiều trường hợp có thể do chính doanh nghiệp tự đánh giá chất lượng và công bố với cơ quan kiểm tra. Do đó, thời gian kiểm tra chuyên ngành có thể rút xuống còn 1 ngày, thậm chí còn thấp hơn. Điều này, đã tháo gỡ rất lớn các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thời gian qua và chắc chắn cắt giảm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động này.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Theo VietQ