Hàng hóa kém chất lượng tràn về nông thôn, người dân nên tỉnh táo kẻo 'tiền mất tức mang'

Hiện nay tại nhiều địa phương xuất hiện một số tiểu thương mang hàng hóa kém chất lượng về để bán với giá rất rẻ người dân nên tỉnh táo.

Điển hình tại tỉnh Vĩnh Phúc, chẳng riêng gì các khu vực chợ dân sinh, chợ cóc mà ngay trên các trục đường liên thôn, liên xã tại hầu khắp các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đều dễ dàng tìm mua rất nhiều loại hàng từ quần áo, chăn đệm, giày dép đến đồ gia dụng… được gắn mác Made in Việt Nam theo kiểu đổ đống, với giá bán siêu rẻ.

Đơn cử một đôi giày nữ chỉ có giá khoảng 50 - 70.000 đồng, áo thun nam 100.000 đồng/3 chiếc, balô, túi xách chỉ từ 50.000 đồng/sản phẩm; rổ, rá, dao, thớt đều đồng giá 10.000 đồng/món... Hàng không rõ nguồn gốc được bày bán khắp nơi với mác Made in Việt Nam vẫn đang hút khách, nhất là tại khu vực nông thôn.

Hàng hóa kém chất lượng tràn về nông thôn, người dân nên tỉnh táo kẻo 'tiền mất tức mang'

 Hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan tại nhiều địa phương. Ảnh: Hoàng Phúc/Cổng thông tin tỉnh Vĩnh Phúc

Những người bán hàng luôn mạnh miệng chào bán, giới thiệu đây là hàng Việt Nam chất lượng cao, các nhà sản xuất đang có chương trình khuyến mãi, xả kho nên giảm giá sốc hoặc bán giá ưu đãi cho bà con... Và đương nhiên, hầu hết các bà, các chị đi chợ đều bị hấp dẫn bởi những lời chào mời có cánh và đinh ninh rằng mình đã có được cơ hội mua hàng Việt giá rẻ cho dù mặt hàng đại hạ giá này hầu như không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và những công ty được gắn trên mác cũng chẳng ai biết ở đâu.

Không chỉ vậy, ngay trên những sạp hàng tạp hóa, từ bánh kẹo đến nước mắm, bột giặt… cũng có đầy đủ chủng loại, nhưng hầu hết là hàng nhái các thương hiệu lớn với những tên gọi “na ná” giống nhau. Chẳng hạn, gói bánh Chocopie của Orion thì cũng có loại khác với bao bì gần giống nhưng được gắn nhãn Chocopai hoặc Choco.bic; bánh Custas và Custard, nước khoáng Aquafina và Aqualav, bột ngọt Ajinomoto thì cũng có loại là Ajmote

Tương tự, qua khảo sát của báo Vĩnh Long cho thấy, thị trường nông thôn đang được coi là mảnh đất màu mỡ để những mặt hàng này tung hoành với nhiều hình thức như: giảm giá nhân ngày thành lập công ty, xí nghiệp; ngày lễ lớn của cả nước; thậm chí còn núp bóng chương trình “hàng Việt về nông thôn”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Với công nghệ hiện đại và kỹ thuật cao, ngày nay kẻ xấu có thể làm giả, nhái nhãn hiệu nổi tiếng các mặt hàng thuộc mọi lĩnh vực. Nếu không để ý thì người tiêu dùng khó nhận ra vì mẫu mã không khác nhiều.

Những sản phẩm thường thấy ở hình thức này là các loại hóa mỹ phẩm, quần, áo, bánh kẹo, nước uống, xà bông và các loại sản phẩm khác với giá rẻ bất ngờ, có khi chỉ bằng 1/2 giá bán trên thị thường. Đây chính là chiêu thức “hấp dẫn” cuốn hút người tiêu dùng- nhất là người thiếu hiểu biết, ít kinh nghiệm lựa chọn sản phẩm, không quan tâm hoặc không biết đến nguồn gốc, xuất xứ mặt hàng mình đã mua mà chỉ quan tâm đến giá rẻ mà thôi. Đáng lo ngại là một số sản phẩm “nhái” các loại sản phẩm có uy tín trên thương trường để đánh lừa người tiêu dùng.
 

Xin đơn cử một số mặt hàng “nhái” như: bánh Chocopie của Orion thì cũng có loại khác với bao bì gần giống nhưng được gắn nhãn Chocopai hoặc Choco.bic; bánh Custas bị nhái bởi bánh Custard; nước Aquafina bị nhái bởi Aqualav; bột ngọt Ajinomoto thì có hàng nhái là Ajmote; bếp gas Rinnai của Nhật Bản lại được nhái thành Ruinai, Funai... Còn nhiều và rất nhiều hàng “nhái” tương tự ở nhiều loại vật dụng, thực phẩm khác nhau. Và tất nhiên giá cả hàng nhái sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng.

Trên báo Bắc Ninh, ông Vũ Mạnh Hải, Chi cục trưởng Chi cục QLTT (Bắc Ninh) cũng cho biết: “Lợi dụng sự hiểu biết về hàng hóa hạn chế và tâm lý ham rẻ của bà con nông dân, các đối tượng tìm cách tuồn hàng giả, nhái, rẻ tiền về thị trường nông thôn, nhất là ở các khu vực xa xôi hẻo lánh, điểm bán hàng nhỏ lẻ, lưu động".

Theo tổng hợp của Chi cục QLTT, tháng 1-2018, lực lượng QLTT ở các địa phương phát hiện, phạt hành chính gần 120 vụ vi phạm các quy định trong lĩnh vực thương mại với số tiền hơn 650 triệu đồng. Trong đó lỗi vi phạm nhiều về lĩnh vực giá, điều kiện kinh doanh và an toàn vệ sinh thực phẩm và buôn bán, vận chuyển hàng lậu...; tịch thu các loại hàng vi phạm ước trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hải, vấn đề đặt ra là cơ quan nào theo dõi, kiểm tra các mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả bày bán ở khu vực nông thôn? Cạnh đó, phải nói rằng yếu tố quyết định chính là sự lựa chọn, sự hiểu biết của người tiêu dùng vì nếu họ sáng suốt “tẩy chay” hay thẳng thừng từ chối hàng kém, hàng nhái, hàng giả thì người bán sẽ không có đất sống.

Trên thực tế đã có không ít người tiêu dùng dù biết sản phẩm không đạt chất lượng, là hàng nhái, hàng giả nhưng chấp nhận mua chỉ vì một lý do đơn giản: giá rẻ, còn hậu quả thế nào thì bất chấp và đã có rất nhiều trường hợp “tiền mất, tức mang”.

Theo VietQ