Hãi hùng những hậu quả do bố mẹ chữa bỏng sai cách cho con

Chữa bỏng sai cách có thể dẫn đến các biến chứng như hoại tử, nhiễm trùng. Trong đó, không ít trường hợp đã phải cắt bỏ chi, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.

Mới đây, một bé trai 3 tuổi sống tại Tuyên Quang đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu vì bị ngã vào chậu nước sôi khiến toàn bộ vùng da lưng, đùi, bắp chân bị lột sạch. Bé được chẩn đoán bỏng độ II-III, ước tính diện tích bỏng khoảng 30% cơ thể.

Theo ThS.BS Quàng Văn Hải, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện, đây chỉ là môt trong nhiều trường hợp trẻ gặp các tai nạn trong sinh hoạt do bỏng gây ra. Trong đó, có nhiều tác nhân gây bỏng cho trẻ nhưng thường gặp nhất là bỏng nước sôi. Lứa tuổi bị bỏng nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Ở tuổi này trẻ rất hiếu động, tò mò, muốn khám phá và chưa ý thức được nguy hiểm.

Tính riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang từ đầu năm tới nay đã tiếp nhận 45 ca đến khám do bỏng, trong đó có 28 ca phải nằm điều trị nội trú.

Thực tế, tại các bệnh viện khác trên cả nước cũng đã tiếp nhận và xử lý cho rất nhiều các ca bệnh nhi bị bỏng. Ngoài bỏng nước sôi, trẻ còn dễ bị bỏng cồn, bỏng bô xe máy, bỏng lửa bếp gas mini, bỏng điện hay hóa chất.

hai-hung-nhung-hau-qua-do-bo-me-chua-bong-sai-cach-cho-con

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi rất hay bị bỏng, nhất là bỏng nước sôi. Ảnh TL

Theo ThS.BS Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, tất cả các trường hợp trẻ bị bỏng cần được xử trí đúng. Xử trí không đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên có thể khiến vết thương nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút ngón tay… thậm chí để lại những thương tật vĩnh viễn cho các bé. Sau sơ cứu ban đầu, trẻ cần được đưa đến các đơn vị chuyên khoa về bỏng để điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều trường hợp trẻ bị bỏng nhẹ nhưng do người nhà không biết cách xử lý hoặc áp dụng các kinh nghiệm, bài thuốc dân gian chữa cho bé khiến vết thương ngày càng nặng, gây khó khăn cho việc điều trị, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.

Như trường hợp của bệnh nhi 3 tuổi sống tại Quảng Ninh đã phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vào tháng 3/2018 trong trường hợp hôn mê sâu. Các bác sĩ đã phải hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, thở máy và dùng thuốc vận mạch sốc sau bỏng cho bệnh nhi.

Theo người nhà bệnh nhi, bé không may ngã vào nồi nước sôi khiến bị bỏng lưng, hai bên đùi, đã được đưa đi sơ cấp cứu ở địa phương và được chỉ định nhập viện điều trị song gia đình xin cho bé về nhà để đắp thuốc nam. Tuy nhiên, sau đắp thuốc, bé bất tỉnh, người tím tái, gia đình mới cho nhập viện thì tình trạng đã rất xấu.

Hay tại khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) đã phải điều trị cho rất nhiều trường hợp biến chứng hoại tử, nhiễm trùng vết bỏng do chữa bằng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Trong số này, không ít trường hợp đã phải cắt bỏ chi, nhiễm trùng máu, viêm cầu thận cấp. Thậm chí, có trường hợp nhập viện trong tình trạng quá muộn dẫn đến tử vong.

 

hai-hung-nhung-hau-qua-do-bo-me-chua-bong-sai-cach-cho-con

Khi trẻ bị bỏng nhiệt, cần dùng nước sạch, mát dội lên vùng bị bỏng của trẻ để làm dịu vết bỏng. Ảnh minh họa

Bên cạnh việc dùng các bài thuốc theo dân gian, rất nhiều bố mẹ khi thấy con bị bỏng, việc đầu tiên là lấy đá lạnh để chườm vào vết bỏng của con. Điều này là một việc làm rất tai hại vì có thể làm tê bì các mút thần kinh và gây bỏng lạnh cho bé. Đã có một số trường hợp trẻ bị hoại tử, phải phẫu thuật cấy da vì hành động này của bố mẹ.

Một sai lầm nữa cũng hay gặp là bố mẹ dùng các loại kem đánh răng, lòng đỏ trứng gà, dầu mỡ… để bôi cho trẻ với hy vọng có thể làm dịu vết bỏng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, trong kem đánh răng dù chỉ chứa một lượng kiềm rất nhỏ nhưng vẫn có khả năng “ăn” da, nhất là vùng da đang bị tổn thương do bị bỏng. Mặt khác, trong lòng đỏ trứng gà và dầu mỡ có chứa chất béo và hàm lượng các chất dinh dưỡng cao cũng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có cơ hội tấn công gây nhiễm trùng da cho bé.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho con, tốt nhất bố mẹ không được đắp lá cây, các bài thuốc không rõ nguồn gốc lên vùng bỏng của con bởi hình thức sơ cứu trên không những không có tác dụng mà còn khiến trẻ đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí mất mạng.

Trường hợp chẳng may trẻ bị bỏng nước sôi, bỏng bô hay nhiệt, cần dùng nước sạch, mát dội liên tục lên vùng bỏng trong vòng 30 phút, đắp băng gạc rồi đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để xử lý.

Với những trường hợp bị bỏng điện hoặc hóa chất, tốt nhất nên cho trẻ đi cấp cứu càng nhanh càng tốt vì những loại này rất nguy hiểm, chậm trễ có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Theo GiaDinh