Hai đại học Việt Nam vào top 1.000 thế giới

ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM xuất hiện trong bảng xếp hạng đại học thế giới 2020 do Times Higher Education (THE) công bố sớm 12/9.

Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội vào top 801-1.000. Đại diện còn lại của Việt Nam là Đại học Quốc gia TP HCM được xếp vào nhóm 1.000+ trong tổng số 1.396 trường được xếp hạng.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng đại học của THE. Trong đó, Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu vào top 1.000 của một bảng xếp hạng đại học thế giới uy tín. Hai đại học quốc gia từng hai lần vào top 1.000 ở một bảng xếp hạng có ảnh hưởng khác là QS World .

PSG Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ vui mừng khi đón nhận thông tin trên. Ông Tớp cho rằng không nên quá kỳ vọng việc đại học Việt Nam có thể tăng hạng nhanh trên bảng xếp hạng quốc tế bởi cuộc đua để đạt được thứ hạng cao có sự cạnh tranh khốc liệt và tốn kém.

"Việc lọt được vào bảng xếp hạng đã là cố gắng rất lớn của các trường trong nước, nhưng để giữ và thăng hạng lại là một thách thức lớn hơn", ông Tớp nói.

Cũng theo Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, ba yếu tố cốt lõi để xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế là nhân tài hội tụ, nguồn lực dồi dào và cơ chế chính sách ưu đãi, thuận lợi, thông thoáng. Ba điều này phụ thuộc nhiều vào chiến lược giáo dục đại học của cả quốc gia chứ không phải chỉ nỗ lực riêng của từng trường.

hai-dai-hoc-viet-nam-vao-top-1-000-the-gioi
 

Một góc trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Năm nay, top 10 đại học tốt nhất thế giới vẫn là sự thống trị của Anh quốc và Mỹ. Ba vị trí dẫn đầu lần lượt là Đại học Oxford (Anh quốc), Viện Công nghệ California (Mỹ) và Đại học Cambridge (Anh quốc). Sáu vị trí tiếp theo đều là các đại diện của Mỹ, gồm Đại học Stanford, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Princeton, Harvard, Yale và Chicago. Trường còn lại trong top 10 là Imperial College London (Anh quốc).

THE là một trong những bảng xếp hạng giáo dục độc lập, có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới, bên cạnh bảng xếp hạng của QS và Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc).

THE bắt đầu xếp hạng các đại học thế giới (THE-QS) vào năm 2004, sử dụng dữ liệu do QS cung cấp. Từ năm 2010, THE ngừng hợp tác với QS và tạo ra một bảng xếp hạng mới, hợp tác với Thomson Reuters - đơn vị thu thập và phân tích dữ liệu để xếp hạng. Năm 2020, THE đánh giá 1.396 đại học đến từ 92 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bảng xếp hạng hiện nay dựa trên 13 chỉ số riêng biệt được nhóm lại theo năm lĩnh vực: đào tạo (chiếm 30% số điểm), nghiên cứu (30%), trích dẫn (30%) và hiện diện quốc tế (7,5%) và nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp hay hiệu quả chuyển giao tri thức (2,5%).

Trong đó, chỉ số trích dẫn (ảnh hưởng nghiên cứu) có trọng số cao nhất trong 13 chỉ số đánh giá, nhằm đánh giá vai trò của các trường trong việc truyền bá kiến thức và ý tưởng mới. Số liệu sử dụng cho bảng xếp hạng năm 2020 dựa trên 77,4 triệu lượt trích dẫn của 12,8 triệu bài báo trên hệ thống dữ liệu Scopus và Elsevier trong 5 năm (2014-2018).

Theo VnExpress