Hà Nội: Truy nguồn gốc ô nhiễm, sẽ cập nhật chất lượng không khí theo giờ

Hà Nội đang có kế hoạch nghiên cứu sâu để định lượng nguồn gốc gây ô nhiễm, đồng thời, tiến hành cập nhật thông tin chất lượng không khí của thành phố theo giờ.

Truy nguồn gốc gây ô nhiễm không khí

Tại Hội thảo "Ô nhiễm không khí - hành động của chính quyền và người dân" vừa diễn ra, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày quan điểm liên quan tới việc xác định nguồn gốc gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Chỉ ra nguyên nhân gây ô nhiễm không khí Hà Nội, GS. Hoàng Xuân Cơ - Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội nhấn mạnh, điểm đặc biệt là chất lượng không khí ở Việt Nam thay đổi rất nhanh, cả theo thời gian và không gian, do các nguồn phát thải của chúng ta chưa ổn định, đồng thời, điều kiện khí tượng lại hay thay đổi.

“Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển thì nguồn thải gây ô nhiễm không khí không ổn định, các nguồn thải sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Chỉ khi nào Việt Nam đạt đến mức độ GDP nhất định, các chỉ số ô nhiễm mới có thể giảm, chất lượng môi trường có điều kiện cải thiện do kinh tế được nâng cao”, GS. Hoàng Xuân Cơ nhận định.

GS. Hoàng Xuân Cơ nói thêm, việc Sở TN&MT chỉ ra 12 nguồn gây ô nhiễm không khí mới chỉ ở mức độ định tính chứ chưa định lượng. Quá trình định lượng này phải có nghiên cứu chuyên sâu, rõ ràng, cụ thể của các cơ quan chức năng và các nhà khoa học.

Để tìm đúng, chính xác nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thông tin, Sở TN&MT Hà Nội đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) nghiên cứu định lượng nguồn phát thải ô nhiễm ở Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đại diện WB cho biết thêm, việc nghiên cứu nguồn gốc ô nhiễm không khí đang được thực hiện ở một số thành phố của 7 quốc gia như: Trung Quốc, Ai Cập, Nam Phi… Tại Việt Nam, WB triển khai điều tra tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và trên cơ sở kết quả nghiên cứu sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng giải pháp đồng bộ để quản lý chất lượng không khí.

“Dự án sẽ giúp Hà Nội phân tích nguồn gốc của bụi PM2.5 đến từ đâu. Chúng ta nói nhiều đến các nguyên nhân từ giao thông, các nhà máy xung quanh thành phố, đốt rơm rạ, bếp than, khói từ làng nghề… nhưng cần phải có con số định lượng trên nguyên tắc không để lọt những nguồn thải chính. Đến tháng 5/2020 sẽ có kết quả”, bà Thu nói.

ha-noi-truy-nguon-goc-o-nhiem-se-cap-nhat-chat-luong-khong-khi-theo-gio

Không khí ở Hà Nội luôn trong tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ảnh minh họa. 

Cập nhật chỉ số chất lượng không khí theo giờ

Hiện nay Hà Nội đang tính chỉ số trung bình chất lượng không khí 24h theo đúng chuẩn quy định của Tổng cục Môi trường, tuy nhiên để đáp ứng các tình hình thực tiễn, Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo hàng giờ để cung cấp kịp thời thông tin chất lượng không khí đến người dân. 

Để phục vụ công tác thông tin về mức độ an toàn không khí, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, từ năm 2017, Hà Nội đã lắp đặt 10 trạm quan trắc môi trường không khí trên địa bàn (trong đó có 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến).

Hiện 10 trạm quan trắc này đều đang hoạt động ổn định, truyền dữ liệu về Trung tâm Điều hành dữ liệu đặt tại Chi cục Bảo vệ môi trường, số liệu vẫn được thu thập hàng ngày và công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí tại các điểm đo, cập nhật 24 giờ trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố.

Thành phố xây dựng dự án hệ thống mạng quan trắc môi trường với quy mô đầu tư mới 33 trạm quan trắc không khí tự động (trong đó 20 trạm cố định, 12 trạm cảm biến, 1 xe quan trắc lưu động), cuối năm 2020 các trạm này sẽ đi vào hoạt động.

Hiện nay Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đang thông tin chỉ số mức độ an toàn không khí trên trang moitruongthudo.vn. Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội đang tính chỉ số trung bình chất lượng không khí 24h, theo đúng chuẩn quy định của Tổng cục Môi trường nên có độ trễ.

Tuy nhiên để đáp ứng các tình hình thực tiễn, Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo hàng giờ để người dân có thể biết ngay tại thời điểm và tăng cường thêm trang web cung cấp chất lượng không khí bằng tiếng Anh để khách du lịch quốc tế có thể tham khảo nhanh nhất.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), trong tuần qua (từ ngày 6 đến 12/10), chất lượng không khí Hà Nội chủ yếu ở mức trung bình, chỉ có 2 ngày ở mức kém, số ngày đạt mức tốt tăng đáng kể. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các trạm quan trắc dao động từ 38 đến 122.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tuần qua, điều kiện thời tiết tác động tích cực đến chất lượng không khí. Nhờ xuất hiện những cơn mưa rào, cùng sự chênh lệch nền nhiệt ngày và đêm không cao, khiến khói bụi và các chất gây ô nhiễm được phát tán, rửa trôi, góp phần làm sạch không khí...

Theo VietQ