Giới thiệu 2 câu chuyện hay về lòng từ bi khiến bạn đọc nhận ra nhiều điều

2 câu chuyện dưới đây có thể rất đơn giản nhưng đó là bài học cho chúng ta trong cuộc sống.

Câu chuyện thứ nhất: Con Bướm và gánh củi: câu chuyện về lòng Từ bi

Một cậu bé đánh cược với một vị hòa thượng về sinh mệnh của một con Bướm, cậu đã thắng được gánh củi, nhưng khi cậu mang gánh củi về nhà thì mới biết rằng mình đã thua mất rồi.

Có một hòa thượng lên núi chặt củi, trên đường trở về, ông phát hiện cậu thiếu niên nọ đã bắt được một con bướm và đang cố gắng khom hai bàn tay lại để giữ cho nó khỏi bay.

Nhìn thấy người tu hành, cậu cất lời: “Thưa hòa thượng, cháu và ngài đánh cược một ván được không?”

Hòa thượng hỏi lại: “Cược thế nào?”

“Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, gánh củi sẽ thuộc về cháu”, – Cậu thiếu niên trả lời.

Vị hòa thượng nọ đồng ý và đoán: “Con bướm trong tay cháu chết rồi.”

Cậu thiếu niên cười lớn đáp: “Ngài đoán sai rồi.” Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ trong bay lên.

Hòa thượng nói: “Được, gánh củi này thuộc về cháu.” Nói xong, ông đặt gánh củi xuống, vui vẻ bước đi.

Cậu thiếu niên không biết vì sao hòa thượng lại có thể vui vẻ đến như vậy nhưng nhìn gánh củi trước mặt, cậu ta cũng không để tâm lắm mà vui vẻ gánh gánh củi về nhà.

Nhìn thấy con về, người cha liền hỏi số củi đó ở đâu ra, cậu mới đem chuyện kể lại cho cha nghe.

Nghe hết câu chuyện của con trai, đột nhiên ông nói, giọng giận dữ:

“Con ơi là con! Con hồ đồ quá rồi! Con nghĩ là mình đã thắng sao? Ngay cả khi con đã thua, con cũng không hề biết mình đã thua đấy.”

Lời cha nói khiến cậu con trai ngơ ngác, không hiểu gì. Người cha liền lệnh cho cậu ta gánh bó củi lên vai, hai cha con mang củi đến trả cho nhà chùa.

Nhìn thấy vị hòa thượng nọ, người cha liền cất tiếng: “Thưa thầy, con trai tôi đắc tội với thầy, xin thầy lượng thứ.”

Hòa thượng gật đầu, mỉm cười nhưng không nói gì.

Trên đường trở về nhà, cậu thiếu niên sau một khoảng thời gian băn khoăn cuối cùng cũng đã nói ra những nghi vấn trong lòng.

Người cha thở dài, nói: “Vị hòa thượng đó cố ý đoán con bướm chết, như thế con mới thả nó ra và thắng được gánh củi. Nếu ông ấy nói con bướm còn sống, con sẽ bóp chết con bướm và con cũng sẽ thắng cược. Con cho rằng vị hòa thượng đó không biết con tính toán gì sao?

Người ta thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi. Còn con, con đã thua, đã để mất thứ quý giá đó mà chẳng hề hay biết.”

Câu chuyện có thể rất đơn giản nhưng đó là bài học cho chúng ta trong cuộc sống. Thắng, thua, thành, bại là những chuyện thường xuyên giày vò cuộc sống của con người. Có những lúc chúng ta tự cho rằng mình đã thắng nhưng trên thực tế, có khi chúng ta đã thua nhiều hơn mà chẳng hề hay biết.

gioi-thieu-2-cau-chuyen-hay-ve-long-tu-bi-khien-ban-doc-nhan-ra-nhieu-dieu

Câu chuyện thứ 2: Câu chuyện về lòng từ bi

Có một câu chuyện cổ vui: Một người cha và con trai đang cưỡi lừa trên đường. Một người qua đường bình phẩm họ, nói rằng: “Hai người tàn nhẫn đến nhường nào! Nhìn xem con lừa đáng thương mệt mỏi làm sao”.

Vì vậy, người cha xuống khỏi con lừa và để cho con trai cưỡi. Một người qua đường khác chỉ trích họ bằng những lời: “Hãy nhìn cậu con trai tồi tệ kia! Anh ta cưỡi lừa nhưng để người cha khốn khổ của anh ta đi bộ!”

Vì vậy, cậu con trai xuống khỏi con lừa và để cha cưỡi. Một người khác cũng chỉ trích họ bằng cách nói: “Hãy nhìn sự ích kỷ của ông bố! Ông ta cưỡi lừa và để con mình đi bộ”.

Vì vậy người cha xuống lừa một lần nữa và bước đi với con trai, suy nghĩ: “Bây giờ chúng ta yên ổn rồi”.

Tuy nhiên, một người khác cười họ: “Hãy nhìn sự ngốc nghếch của hai người này! Con lừa để không và chẳng ai cưỡi nó!”

Cái gì là đúng và sai ở đây? Người ta chỉ lắc đầu và thở dài: “Có hai khía cạnh với mỗi câu hỏi. Nó không có ý nghĩa gì nhiều để mà tranh cãi”.

Xã hội ”chín người mười ý”, hai cha con dù làm thế nào cũng không vừa ý tất cả mọi người. Tuy nhiên, với tâm một người đầy lòng từ bi, họ có thể giải quyết mọi việc hài hòa.

Khi nhìn thấy cha và con trai cùng cưỡi lừa: “Con lừa chăm chỉ và trung thành biết bao! Nó phục vụ chủ thật tốt!”

Lúc nhìn thấy con trai cưỡi lừa và người cha đi bộ: “Tình cảm của người cha thật lớn lao! Ông thà đi bộ còn hơn tiếp tục thoải mái và dễ dàng bằng việc cưỡi lừa”.

Lúc nhìn thấy người cha cưỡi lừa và con trai đang đi bộ: “Nhìn sự khôn ngoan của người con! Cậu ta đã học được sự tôn kính người lớn tuổi như một người con, chịu đựng những khó nhọc và nghĩ đến người khác ở tuổi còn trẻ như vậy!”

Lúc nhìn thấy cả hai cha con đi bộ: “Tâm của họ tốt làm sao! Họ thà đi bộ hơn làm gánh nặng cho con lừa”.

Mọi người đưa ra kết luận hoàn toàn khác nhau về cùng một điều bởi vì người qua đường thiếu sự từ bi, luôn luôn nhìn mặt xấu của vấn đề và bỏ qua mặt tốt. Một người giàu lòng từ bi anh ta luôn có thể thấy những mặt tốt và đưa ra kết luận hoàn toàn khác. Thế giới quan và nhân sinh quan của anh ta hoàn toàn khác hẳn.

Một người từ bi phán xét với tâm từ bi. Mọi thứ trong mắt anh ta là một bài thơ sống động, một cái nhìn tốt đẹp, và một mùa xuân thịnh vượng. Người xấu phán xét với sự độc ác trong tâm. Anh ta rất cầu kỳ và chỉ trích tất cả mọi thứ thậm chí mặc dù nó rất đẹp.

Một người khôn ngoan biết rằng anh ta không biết gì, nhưng người ngu ngốc nghĩ rằng anh ta biết tất cả. Một người từ bi nghĩ rằng có nhiều cơ hội để hoàn thiện, nhưng một người xấu nghĩ rằng anh ta là đủ tốt. Qua câu chuyện về lòng từ bi này, mong rằng tất cả chúng ta sẽ có sự phán xét với tâm từ bi để có thể nhìn nhận một cách chân thật về tốt với xấu, chính với tà, khôn ngoan với ngu si và đúng với sai.

Theo PhuNuNews