Gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La: Bi hài chuyện "gắp điểm" bỏ vào tay con cái quan chức

Dư luận không đồng tình về một số nội dung trực tiếp trong thông báo kết luận kiểm tra ví dụ như việc những phụ huynh là quan chức có con trong danh sách được nâng điểm đều phủ nhận 'mua điểm', thậm chí 'không biết ai đó đã tự ý nâng điểm cho con mình'...

Gian lận điểm thi ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La có thể coi là vết nhơ, là bài học đắt giá của "bệnh thành tích" trong công tác giáo dục - đào tạo nước nhà. Chỉ tính 3 địa phương bị "lộ" việc gian lận điểm, hàng trăm thí sinh bị phát hiện được nâng điểm, có thí sinh được nâng điểm đến 28,5 điểm. Điều đau xót là hàng trăm thí sinh gian lận này đàng hoàng nhập học, tước đi quyền lợi chính đáng của hàng trăm thí sinh học hành nghiêm túc khác.

Địa phương "nổ phát súng đầu tiên" là tỉnh địa đầu Hà Giang. Cách đây ít ngày, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã công bố danh sách 151 đảng viên bị kỷ luật có liên quan đến tiêu cực trong kỳ thi Quốc gia năm 2018.

Trong số 151 đảng viên bị kỷ luật có em gái và vợ ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí Thư Tỉnh ủy và hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Em gái ông Vinh là Triệu Thị Giang hiện là Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang đã nhờ người khác tác động để cháu ruột mình được nâng điểm thi bị kỷ luật bằng hình thức "Khiển trách", vợ ông Vinh là bà Phạm Thị Hà (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang) bị "Kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm".

gian-lan-thi-cu-o-ha-giang-hoa-binh-son-la-bi-hai-chuyen-gap-diem-bo-vao-tay-con-cai-quan-chuc

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố một trường hợp trong đường dây gian lận điểm thi ở Hà Giang.

Còn nhớ năm ngoái khi vụ gian lận thi cử ở Hà Giang bị phanh phui có tên con gái được nâng điểm, trả lời báo chí khi đó, ông Vinh phủ nhận đã can thiệp và khẳng định: "Nếu cháu nó học kém, hoặc tôi phải chạy vào trường chuyên, tôi chịu trách nhiệm. Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?".

Trong số những cán bộ bị kiểm tra, xem xét kỷ luật vì liên quan đến gian lận thi cử năm 2018, còn có bà Nguyễn Thị Lan Anh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang.

Bà Lan Anh bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm khi để chồng tác động với người khác giúp nâng điểm thi cho con.

Trong khi đó, chính Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang dự kiến sẽ mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi vào ngày 14/10 tới đây.

Nói về việc xét xử vụ án, ông Trương Huy Huân – Phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết, các thẩm phán, hội thẩm được phân công giải quyết vụ án gian lận điểm thi sắp tới sẽ độc lập, chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử.

gian-lan-thi-cu-o-ha-giang-hoa-binh-son-la-bi-hai-chuyen-gap-diem-bo-vao-tay-con-cai-quan-chuc

Phiên tòa sơ thẩm tại Hà Giang buộc phải hoãn do nhiều cán bộ, người có chức vụ là người làm chứng không đến.

Còn tại Sơn La, Thường trực Tỉnh ủy vừa có văn bản chỉ đạo các tổ chức đảng, cấp ủy cơ quan, địa phương nơi có người làm chứng thực hiện việc đốc thúc, tạo điều kiện cho những cán bộ này chấp hành nghiêm việc triệu tập của tòa án.

Theo đó, ngày 15/10 tới, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La.

Tại phiên xét xử vào ngày 16/9 vừa qua, trong số 90 người và 1 cơ quan là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La được Tòa án Nhân dân tỉnh gửi giấy triệu tập với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng, thì có tới 76 người vắng mặt. 

Những cán bộ chủ chốt có vai trò quan trọng được tòa triệu tập để vụ án sớm được làm sáng tỏ cũng không đến như: Ông Hoàng Tiến Đức, cựu Giám đốc Sở GDĐT; ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở GDĐT; ông Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở GDĐT; ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sơn La; ông Nguyễn Minh Khoa, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Sơn La… Do vậy Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa.

Để chuẩn bị cho phiên tòa tới, ngay sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã giao trực tiếp giấy triệu tập cho 91 người và đơn vị.

gian-lan-thi-cu-o-ha-giang-hoa-binh-son-la-bi-hai-chuyen-gap-diem-bo-vao-tay-con-cai-quan-chuc

Bị cáo Trần Xuân Yến (trái) và cựu Thiếu tá Đinh Hải Sơn đến TAND tỉnh Sơn La sáng 16/9.

Đối với 27 người làm chứng quan trọng, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã gửi công văn về cơ quan, đơn vị công tác đề nghị thủ trưởng các đơn vị không sắp xếp lịch công tác, phân công công việc cho những cán bộ này vào thời gian trước và trong những ngày xét xử vụ án, đồng thời quán triệt cán bộ đơn vị phải có mặt tại tòa để vụ án sớm được làm sáng tỏ.

Riêng tỉnh Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vừa đề nghị truy tố thêm Nguyễn Khắc Tuấn, Nguyễn Văn Quang (Trưởng môn chấm thi), Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà cùng 8 cá nhân với cùng tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...

Theo kết luận điều tra bổ sung lần hai vụ án gian lận điểm THPT Quốc gia 2018 ở Hòa Bình, trước kỳ thi, Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Phó trưởng ban chấm thi) đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Lạc Thủy, ủy viên tổ chấm bài thi trắc nghiệm) cùng 18 giám khảo chấm nâng điểm 20 bài thi tự luận môn ngữ văn và 57 bài thi trắc nghiệm.

gian-lan-thi-cu-o-ha-giang-hoa-binh-son-la-bi-hai-chuyen-gap-diem-bo-vao-tay-con-cai-quan-chuc

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khám nhà ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm Hội đồng thi Hòa Bình - cán bộ liên quan đến gian lận thi cử ở Hòa Bình.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Hòa Bình có tổng số 65 thí sinh được can thiệp nâng điểm. Các thí sinh này đã sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT. Trong đó, 62 thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. 45 thí sinh trúng tuyển, đã bị buộc thôi học, 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển, 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, một thí sinh xét nhưng không trúng tuyển), 3 thí sinh không xét tuyển đại học, cao đẳng.

Điều đáng nói, đa phần những phụ huynh là quan chức có con trong danh sách được nâng điểm đều phủ nhận việc chạy tiền, nhờ vả. Trong khi đó, không ai hiểu và nắm rõ việc học tập của con cái hơn bố mẹ. Cũng không một người nào lại tự dưng "gắp điểm" bỏ vào tay con cái quan chức, nếu không nhận được sự đồng ý của những người đó.

Bi hài hơn, không ít người có chức, có quyền nhưng lại kết luận do "em chồng", "mẹ đẻ", "mẹ vợ" tác động nâng điểm. Dư luận băn khoăn, vì sao cán bộ, đảng viên mà lại không thẳng thắn nhận trách nhiệm, lại để quần chúng nhận thay? Do đó, trong vụ gian lận thi cử nói trên, các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ những nghi vấn mà dư luận đặt ra, bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa các vi phạm có thể tái diễn.

Theo GiaDinh