Giá xuất khẩu vaccine Sputnik V của Nga ít nhất 10 USD cho hai liều

Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty R-Pharm, ông Alexey Repik cho biết giá xuất khẩu vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 của Nga ít nhất là 10 USD cho hai liều.

gia-xuat-khau-vaccine-sputnik-v-cua-nga-it-nhat-10-usd-cho-hai-lieu

Sputnik V - Vaccine COVID-19 đầu tiên thế giới của Nga. Ảnh: RDIF

Đó là thông tin từ Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty R-Pharm, ông Repik thông báo trên kênh truyền hình Rossya 24 tối 12/8.

"Nếu nói về thị trường xuất khẩu, chúng ta đang nói về thực tế với hai liều, theo ước tính của chúng tôi, ít nhất là 10 USD. Ít nhất lô hàng đầu tiên rất có thể sẽ khá đắt".

Ông Repik cũng lưu ý vaccine chắc chắn sẽ giảm giá khi số lượng sản xuất đạt quy mô công nghiệp đủ lớn.

Trước đó, ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo nước này đã đăng ký loại vaccine đầu tiên trên thế giới chống COVID-19. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Quốc gia mang tên Gamaley (SIC) và Viện Nghiên cứu Trung ương 27 (TsNII) thuộc Bộ Quốc phòng Nga hợp tác phát triển, được đặt tên là Sputnik V và có dạng dung dịch tiêm. Lô vaccine đầu tiên sẽ được đưa ra sử dụng trong vòng 2 tuần nữa và việc đưa vào sản xuất hàng loạt sẽ sớm bắt đầu.

Trong một diễn biến khác, truyền thông Nga cho biết, Phó Thủ tướng kiêm Đại diện toàn quyền của Tổng thống LB Nga ở Khu liên bang Viễn Đông, ông Yuri Trutnev, đã xét nghiệp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Văn phòng của ông Trutney thông báo: "Xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của Yuri Petrovich cho kết quả dương tính. Phó Thủ tướng sẽ xét nghiệm lần hai trong thời gian tới".

Lịch trình các chuyến công tác của Phó Thủ tướng sẽ được điều chỉnh sau khi có kết quả xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm tiếp tục dương tính, ông Trutnev sẽ chuyển sang làm việc từ xa.

Theo TTXVN/VTV

----

Xem thêm:

Chuyên gia Mỹ nói về độ an toàn của vắc-xin ngừa Covid-19 từ Nga và Trung Quốc

Ông Anthony Fauci, chuyên gia bệnh nhiễm hàng đầu của Mỹ, bày tỏ những quan ngại về độ an toàn của vắc-xin ngừa Covid-19 đang được phát triển tại Trung Quốc và Nga.

Nhiều công ty Trung Quốc đang thuộc nhóm dẫn đầu của cuộc đua vắc-xin, trong khi Nga hy vọng trở thành nước đầu tiên trên thế giới sản xuất được vắc-xin trong tháng 9.

Ông Fauci nêu ra quan điểm này khi trong phiên điều trần ngày 31-7 của ông trước Hạ viện, các nghị sĩ hỏi ông liệu Mỹ có thể dùng vắc-xin của Nga hay Trung Quốc không nếu họ có thuốc trước không.

Ông Fauci nói: "Tôi hy vọng Trung Quốc và Nga sẽ thực sự thử nghiệm vắc-xin trước khi họ dùng nó cho bất cứ ai". Chuyên gia này cũng nói ông tin rằng nước Mỹ đang triển khai nghiên cứu vắc-xin rất nhanh và ông không tin Mỹ sẽ phải lệ thuộc vào các nước khác trong vấn đề này.

Bấp bênh vắc-xin ngừa Covid-19 gây “khủng hoảng y tế trăm năm” - Ảnh 1.

Khu vực thủ đô Philippines, các tỉnh phía Nam và thành phố ở miền Trung được đặt trong chế độ cách ly xã hội toàn diện, giới hạn đi lại đối với người cao tuổi và trẻ em. Ảnh: Reuters

Chính phủ của Tổng thống Donald Trump sẽ cung cấp tới 2,1 tỉ USD cho hai đối tác Sanofi và GlaxoSmithKline (GSK) để phát triển vắc-xin ngừa Covid-19. Cho đến nay, đây là ngân khoản đầu tư lớn nhất của Mỹ để đốt giai đoạn, đẩy nhanh việc tạo ra vắc-xin và tồn trữ một kho vắc-xin lớn.

Đại diện của Sanofi và GSK ngày 31-7 cho biết ngân sách này sẽ hỗ trợ các cuộc thử nghiệm lâm sàng và cả giai đoạn bào chế thuốc, bảo đảm Mỹ được dành riêng 100 triệu liều vắc-xin nếu dự án thành công.

Cùng ngày, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cam kết 20 triệu người nghèo nhất nước này sẽ nhận được vắc-xin ngừa Covid-19 miễn phí, nếu vắc-xin Covid-19 được phát triển thành công vào cuối năm 2020. Ông xác nhận Trung Quốc đã hứa sẽ ưu tiên Philippines phân phối vắc-xin.

Trước đó, hồi tháng 6, Quân ủy Trung ương Trung Quốc cho phép quân đội sử dụng vaccine của công ty công nghệ sinh học CanSino Biologics. Vaccine có tên gọi Ad5-nCoV, thời gian sử dụng là một năm. Sản phẩm hiện được giới hạn dùng trong quân đội, không mở rộng sang phạm vi tiêm chủng rộng hơn nếu chưa có sự chấp thuận của Cục Hỗ trợ Hậu cần.

Bấp bênh vắc-xin ngừa Covid-19 gây “khủng hoảng y tế trăm năm” - Ảnh 2.

Bệnh nhân mắc Covid-19 được chuyển đến Bệnh viện Hialeah, Florida. Ảnh: Reuters

Sau 6 tháng kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp với Covid-19, dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng hơn 680.000 người trong số hơn 17,7 triệu người nhiễm bệnh.

Gần 300.000 trường hợp nhiễm mới đã được báo cáo cho WHO trong 24 giờ qua, mức tăng trong một ngày cao nhất từ trước đến nay. Theo WHO, dịch Covid-19 đang gia tăng nhanh nhất ở châu Mỹ, với 171.946 ca mắc Covid-19 mới trong ngày 31-7; Đông Nam Á đứng thứ hai với 60.113 ca nhiễm, tiếp theo là châu Âu với 25.241 ca.

 
Bấp bênh vắc-xin ngừa Covid-19 gây “khủng hoảng y tế trăm năm” - Ảnh 3.

Ấn Độ gia tăng các biện pháp kiểm soát sân bay chặt chẽ nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19. Ảnh: PTI

Theo trang Worldometers, tính đến sáng ngày 1-8, 5 quốc gia có số ca nhiễm và tử vong đứng đầu gồm Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi. Trong bối cảnh làn sóng Covid-19 đầu tiên lên đến đỉnh điểm tại một số quốc gia và làn sóng thứ 2 xảy ra tại một số nước khác, nhiều nơi đang áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội nghiêm ngặt.

Ngày 31-7, Ủy ban khẩn cấp của WHO họp đánh giá tình hình dịch bệnh kể từ khi bùng lên tại Trung Quốc cuối tháng 12-2019.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhắc lại thời điểm 6 tháng trước, khi ủy ban khẩn cấp đề nghị tuyên bố tình trạng khẩn cấp với dịch Covid-19, vẫn còn chưa có tới 100 ca bệnh và không có ca tử vong nào bên ngoài Trung Quốc.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng y tế một trăm năm nay mới xảy ra một lần, những tác động của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ nữa".

Theo NLD

---------

+Việt Nam hoàn thiện quy trình sản xuất vắc xin Covid-19

+5 tỷ liều vắc xin Covid-19 "có chủ", Mỹ công bố hợp đồng 1,5 tỷ USD

+Chưa thể mừng vội về tuyên bố vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới của Nga

----