Giá xăng lại tăng lên ngưỡng 30.000-32.000 đồng/lít vào chiều mai?

Giá dầu thế giới bình quân thời gian qua đã tăng trở lại khiến giá xăng dầu thành phẩm tăng theo. Theo tính toán, khả năng giá xăng có thể tăng lên ngưỡng 30.000 đồng/lít, thậm chí vượt ngưỡng này vào kỳ điều hành lúc 15h ngày 11-5.

gia-xang-lai-tang-len-nguong-30-000-32-000-dong-lit-vao-chieu-mai

Khả năng giá xăng có thể tăng lên ngưỡng 30.000 đồng/lít, thậm chí vượt ngưỡng này vào kỳ điều hành lúc 15h ngày 11-5 - Ảnh: NGỌC HIỂN 

Sáng 10-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho biết thị trường xăng dầu trong nước đang đối diện với kỳ tăng giá mạnh, khả năng kéo giá xăng lên lại ngưỡng 30.000 đồng/lít, tương đương với mức giá bán cao nhất vào kỳ 11-3.

Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm bình quân tính đến sáng 10-5 tại thị trường Singapore đang cao hơn giá bán lẻ trong nước khoảng 2.000 đồng/lít, trong khi dầu diesel (DO) cũng cao hơn khoảng 1.400 đồng.

Giá dầu thô trung bình thời gian qua đã leo lên mức cao, xấp xỉ 110 USD/thùng, song phiên giao dịch ngày 9-5 lại diễn biến bất thường khi bất ngờ rơi thẳng đứng, chốt phiên ở mức 102 USD/thùng.

Do giá xăng dầu thành phẩm sẽ phụ thuộc vào giá giao dịch dầu thô nên mức giảm giá tại thị trường Singapore sẽ được quyết định trong ngày 10-5. Mức giảm này quyết định đến giá cơ sở xăng dầu trong nước, khả năng sẽ giúp giá xăng thành phẩm tại Singapore chỉ cao hơn 1.700-1.800 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện nay.

Vì vậy, nếu không sử dụng công cụ bình ổn giá, xăng sẽ đối diện khả năng tăng giá từ 1.700-2.000 đồng/lít, còn dầu DO dự kiến tăng 1.000-1.400 đồng/lít. 

Với mức giá bán hiện tại của xăng RON 95-III là 28.430 đồng/lít (vùng 1) và 28.990 đồng/lít (vùng 2), giá xăng bán lẻ có khả năng lại leo lên ngưỡng 30.000 đồng/lít (vùng 1), thậm chí vượt mức này và giá xăng vùng 2 (các tỉnh xa cảng, xa kho đầu mối) có khả năng lên gần 32.000 đồng/lít.

Sau các kỳ "tích cóp" vào quỹ bình ổn, hiện mức tồn tại quỹ bình ổn của các doanh nghiệp đầu mối lớn đã khả quan hơn sau thời gian dài âm, cụ thể báo cáo mới nhất cho thấy Petrolimex chỉ còn âm quỹ 108 tỉ đồng (ngày 4-5), PVOil đến sáng 10-5 vẫn chưa cập nhật về con số của quỹ này, chỉ có số liệu âm 1.065 tỉ đồng tính đến ngày 21-4 (đã có 2 kỳ liên tiếp trích quỹ), Saigon Petro tính đến 28-4 còn tồn hơn 202 tỉ đồng.

Theo các doanh nghiệp, nhiều khả năng liên bộ Tài chính - Công thương sẽ không trích hoặc phải chi quỹ bình ổn trong kỳ này. Dù vậy, giá xăng dầu trong nước vẫn tăng song mức tăng có thể ít hơn, tương ứng với mức chi quỹ bình ổn nếu liên bộ quyết định xả quỹ.

Giá xăng hiện nay đang được giảm 2.000 đồng/lít nhờ mức giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, nếu không có mức giảm này, xăng sẽ đội lên mức giá đỉnh của nhiều năm qua. 

Hiện nay mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế bao gồm giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (xăng RON95 là 2.000 đồng do đã giảm 50%).

Trước đó, tại báo cáo đánh giá về công tác điều hành giá các mặt hàng xăng dầu 4 tháng đầu năm, Bộ Công thương cho hay trong các kỳ điều hành giá, liên bộ đã sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn.

Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) tại kỳ điều hành ngày 21-4 so với đầu năm 2022 biến động tăng 36 - 60% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 21-4 so với đầu năm 2022 chỉ tăng 3.975 - 7.120 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng 17 - 39%.

Bộ Công thương đánh giá việc điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh… hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Theo Tuoitre