Giá xăng dầu biến động: Cước vận tải không đáng ngại bằng phí cầu đường

Mặc dù giá xăng, dầu trải qua hơn 23 đợt điều chỉnh trong năm qua, nhưng độc giả của Báo Gia đình & Xã hội cho rằng, trong giá cước vận tải, chi phí cầu đường mới là vấn đề đáng ngại.

gia-xang-dau-bien-dong-cuoc-van-tai-khong-dang-ngai-bang-phi-cau-duong

Giá nhiên liệu biến động nhiều đợt nhưng không ảnh hưởng đến cước vận tải. Ảnh: Bảo Loan

Giá xăng dầu không đáng ngại…

Với hơn 20 đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong năm 2018, có hơn 6 lần tăng giá, 5 lần giảm và 12 lần giữ ổn định. Giá xăng trong nước ở ngưỡng cao nhất, khi chưa trích Quỹ Bình ổn giá là 20.906 đồng/lít vào thời điểm tháng 10/2018. Giá xăng giảm mạnh nhất đến thời điểm ngày 21/11/2018 chỉ còn ở ngưỡng 18.627 đồng/lít.

Đến nay, theo thông báo mới nhất về giá xăng, dầu có hiệu lực từ ngày 01/1/2019 của Liên bộ Công thương - Tài chính, giá xăng dầu bắt đầu trên đà phục hồi nhẹ. Cụ thể, sau khi thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá của các loại mặt hàng nhiên liệu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như: Xăng E5 - RON92 có giá bán ra không quá 16.272 đồng/lít; xăng RON95-III là không cao hơn 17.603 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 14.909 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 14.185 đồng/lít và Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.275 đồng/kg.

Đặc biệt, theo Tổng cục Thống kê, diễn biến giá xăng dầu đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,29% so với tháng 10. Cụ thể là trong đợt điều chỉnh giảm vào ngày 6/11 và ngày 21/11/2018, bình quân giá xăng, dầu giảm 4,1% so với tháng 10. Đóng góp giảm CPI chung 0,17%. Tuy giá xăng dầu liên tục biến động, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, giá cả các mặt hàng hóa tiêu dùng và cước vận tải không có sự điều chỉnh. Các mặt hàng thực phẩm có sự tăng giá đột biến vào dịp sau Tết Dương lịch là do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài.

Chị Nguyễn Thị Thảo (33 tuổi, một tiểu thương bán đồ khô tại chợ Chính Kinh, Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Giá cước tôi phải trả cho phí vận chuyển không có sự biến động. Bởi khi tôi nhập hàng từ đầu mối thì phía đầu mối chịu trách nhiệm vận chuyển đến tại chợ, giá cước chỉ 20.000 đồng - 50.000 đồng/bao tải, tùy hàng nặng, nhẹ”.

Anh Khương, một tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ tạm Quan Nhân (hà Nội) cho biết: “Giá cả của nhiều mặt hàng thực phẩm tăng đột biến sau dịp Tết Dương lịch là do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, reo hạt rau cải canh đến gần tuần chưa thể nảy mầm. Trong khi đó, vào những ngày ấm áp thì chỉ khoảng 2 ngày rau cải đã nhú mầm mơn mởn. Hơn nữa, sau dịp nghỉ Tết dương lịch, lượng cầu tăng đột biến nên lượng cung không đủ để đáp ứng, dẫn đến giá cả leo thang là điều hiển nhiên”.

Ngày 7/1, trao đổi với chúng tôi, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tại, thương mại và dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) khẳng định: “Xăng dầu chỉ là một vấn đề ảnh hưởng nhỏ đến giá cước vận tải của chúng tôi. Thực tế, nhiều năm qua, giá cước vận tải không hề phụ thuộc vào giá xăng dầu.

Giá taxi chúng tôi mặc định là 10.500 đồng/km, giá cước xe khách cho tuyến Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại, chúng tôi vẫn giữ mức là 80.000 đồng/hành khách và 100.000 đồng/hành khách đối với xe lưu thông trên cao tốc. Bởi lẽ, giá cước vận tải còn dựa vào nhu cầu thị trường, đầu tư tài sản…

Vào thời điểm giá xăng dầu giảm thì chỉ bù chi phí cho thời điểm giá xăng dầu tăng. Thực ra mức giảm này không đáng kể. Trừ khi có cơ chế doanh nghiệp chủ động về giá tăng, giảm theo nhu cầu thị trường thì chỉ có doanh nghiệp vận tải theo hình thức công nghệ mới có thể dễ dàng biến động về giá cước vận tải”.

Phí cầu đường “áp đảo” giá nhiên liệu

Liên quan đến mối quan hệ giữa giá nhiêu liệu với giá cước vận tải, anh Bùi Quân (48 tuổi, ở Nhân Chính, Thanh Xuân, là tài xế cả một hãng taxi tại Hà Nội) cho biết: “Giá cước vận tải của chúng tôi không biến động theo giá nhiên liệu. Khi giá nhiên liệu giảm thì cước vận tải bù lỗ cho thời điểm giá nhiên liệu ở ngưỡng cao. Tôi cho rằng, giá nhiên liệu biến động cũng chỉ là biến động tạm thời. Tôi cho rằng, phí cầu đường mới là vấn đề nhức nhối hiện nay. Có thể khẳng định, giá cước vận tải không đáng ngại bằng chi phí cầu đường”.

Lý giải cho khẳng định trên, anh Quân lấy ví dụ: “Tôi sử dụng xe Morning Get. Ở thời điểm hiện tại, nếu phục vụ khách từ Hà Nội đi Hải Phòng mất 100km. Tổng thu của khách là 900.000 đồng (tính giá 9.000 đồng/km). Chí phí nhiên liệu cho hai chiều là 300.000 đồng. Chi phí cầu đường là 390.000 đồng/2 chiều. Như vậy, sau một chuyến khách đi Hải Phòng về tôi có khoảng 400.000 đồng.

Chưa kể, nếu là khách ruột lâu năm, tôi không để khách chi trả phí cầu đường thì tôi chỉ dư ra khoảng 200.000 đồng. Trong số dư này, tôi chi phí tiền hao mòn, bảo dưỡng là 100.000 đồng. còn lại 100.000 đồng tiền vào ví. Đó là chưa kể nếu có tai nạn rủi ro trên đường thì con số chi phí không thể ước lượng. Như vậy, mức thu về cho tài xế chẳng đáng là bao nhiêu. Nếu như đi đường tránh cao tốc, gặp phải đường xấu thì xe sẽ đốt nhiên liệu hơn, tài xế cũng mất nhiều thời gian hơn. Chưa kể, mức thu phí cầu đường với đường tránh cũng không hề thấp, là 40.000 đồng/lượt”.

Anh Quân nói: “Mức thu phí cầu đường thấp nhất hiện nay cũng là 35.000 đồng/lượt, vì vậy, dù có đi đâu, cũng không thể “né” được chi phí cầu đường. Quan điểm cá nhân tôi là nhà nước cần xem xét giảm tải chi phí cầu đường. Đơn cử như phí cầu đường từ Hà Nội đi Hải Phòng chỉ cần thu 100.000 đồng/lượt nhưng kéo dài thời gian thu lên đến 10 hoặc 20 năm là tôi thấy hợp lòng dân. Chứ hiện nay, phí cầu đường cao hơn cả chi phí nhiên liệu thì những người làm nghề tài xế như chúng tôi làm sao có thể sống?”.

Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, việc tăng giảm giá nhiên liệu không tác động ngay đến giá cước vận tải. Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp vận tải vẫn giữ giá để cạnh tranh với loại hình vận tải công nghệ. Thêm vào đó, nếu muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước, thay đồng hồ cước, bảng biểu, vé…

Theo GiaDinh