Giá đất nhiều nơi ồn ã, chuyên gia lo sốt quay trở lại

Nhiều nơi chào giá bất động sản với mức tăng cao so với thời điểm cách đây ít tháng. Hiện tượng đổ xô đi đấu giá, đầu cơ, cùng những ồn ào về phân lô bán nền... khiến lo ngại cơn sốt đất quay lại.

Sốt đất quay trở lại nhiều nơi?

Mấy ngày vừa qua, chị Hiền - một nhà đầu tư bất động đi khảo sát thị trường vùng ven Hà Nội để xuống tiền đầu tư nhưng không dám "chốt" do hầu như như giá đất mấy khu vực chị xem như Bắc Giang hay Thạch Thất, Ba Vì, Mê Linh… đều thiết lập mặt bằng mới. Chị sợ xuống tiền rồi lại "mắc cạn".

"Khẩu vị của tôi hướng tới sự an toàn nên cũng kiếm tìm thêm ở những khu vực không ồn ào, sốt ảo. Thế nhưng hôm trước tới xem một lô đất dịch vụ ở Hà Đông, Hà Nội. Đất chưa có sổ mà chủ nhà chào giá 1,7 tỷ đồng (50m2), trong khi cách đây mấy tháng chào giá hơn 1,3 tỷ đồng", chị Hiền kể thêm. Chị này cũng chia sẻ, nhiều mảnh đất tại Ba Vì, Hà Nội trước đây chỉ khoảng hơn 2-3 triệu đồng/m2 thì giờ đẩy lên 3-5 triệu đồng/m2.

So với đầu năm nay, hiện giá nhà đất nhiều nơi thuộc vùng ven Hà Nội có nơi tăng ít nhất gấp 2 lần. Nhiều nơi có mức tăng bình quân khoảng 20-50%. Với đợt lắng xuống của thị trường sau cơn sốt đất "điên đảo" hồi đầu năm, thị trường có hạ nhiệt song giá vẫn có ở mức cao.

Anh Nhĩ, một nhà đầu tư khác cũng kể, mới chứng kiến sự thay đổi về giá của nhiều khu phân lô san nền tại Hòa Lạc do một "đại gia" làm chủ. Khoảng 6-7 tháng trước đây, các sàn Hà Nội mua gom với giá 10-11 triệu đồng/m2, ô nào chưa xong thủ tục thì giá 7-8 triệu đồng thì hiện được đồng loạt chào cao gần 20 triệu đồng/m2.

Khi đợt dịch bùng phát lần thứ 4 được kiểm soát, nhiều nỗi lo về sốt đất lại bùng lên. Và thực tế, qua khảo sát, ghi nhận, một số nơi có dấu hiệu nhen nhóm sốt đất trở lại.

Trên trang cá nhân của một chủ sàn môi giới bất động sản ở Hà Nội, một video quay cảnh cả "đống tiền" trong cuộc giao dịch bất động sản được chia sẻ. Từng chồng tiền được xếp ngay ngắn và la liệt không khỏi khiến nhiều người thấy tò mò. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên những giao dịch đất đai với số lượng tiền rất lớn được chia sẻ.

gia-dat-nhieu-noi-on-a-chuyen-gia-lo-sot-quay-tro-lai

Cả "đống" tiền cao và dài được chia sẻ là để giao dịch bất động sản. Ảnh cắt từ video được chia sẻ trên mạng xã hội.

 

Không ít người cho rằng, điều đó phần nào chứng tỏ sức "nóng" của thị trường bất động sản. Một số cẩn trọng hơn cho rằng đó là cách các môi giới "quảng cáo", hâm nóng thị trường, hút khách.

Trên một số diễn đàn về bất động sản, những hình ảnh chen chúc nhau ở các phiên đấu giá của Bắc Giang cũng được chia sẻ. Mới đây, phiên đấu giá 98 lô đất tại khu dân cư ở Lạng Giang diễn ra tấp nập khi thu hút được 495 khách hàng với 1.788 hồ sơ. Kết thúc phiên đấu giá, kết quả 98 lô đất đều có khách hàng trả giá với tổng giá trúng là hơn 338 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm hơn 201 tỷ đồng.

Tuy nhiên anh Trọng Thủy - một môi giới bất động sản kỳ cựu - cho biết, thực tế những người tham gia đấu giá đất đều không có nhu cầu ở thực. Phần đông là dân buôn, dân môi giới, họ cũng sử dụng đủ các chiêu trò, "hiệu ứng" gây sốt rồi bán lại, thu tiền "chênh".

Không chỉ ở khu vực ven Hà Nội, Bắc Giang, nhiều thị trường cũng được phản ánh tình trạng "sốt xình xịch" như Vũng Áng (Hà Tĩnh); Đông Hà (Quảng Trị); Bảo Lộc (Lâm Đồng), Cam Lâm (Khánh Hòa)…

Chuyên gia lo ngại sốt đất quay trở lại, gây nhiều hệ lụy

Ngay sau khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 được kiểm soát, nhu cầu đầu tư vào bất động sản như sau nén lại "bung" ra. Với diễn biến của thị trường chứng khoán và bất động sản thời gian qua, câu nói nguồn lực trong dân còn rất nhiều là không sai, một chuyên gia về tài chính nhận xét.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam - cũng lo ngại sốt đất quay trở lại. Ông thừa nhận có nhiều dấu hiệu đang bắt đầu cho thấy điều đó.

Theo ông, khả năng về đợt sốt đất là rất cao do nhu cầu đầu tư của người dân thì lớn, thị trường lại khan hiếm nguồn cung, một bộ phận lợi dụng tình trạng này đẩy giá lên cao.

"Diễn biến thị trường hiện nay là hệ quả của tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường. Các dự án vướng mắc, toàn án binh bất động, cực kỳ ít dự án mới ra. Trong khi đó nhu cầu đầu tư rất lớn. Các nhà đầu tư cơ tận dụng tình thế này, nhiều sản phẩm bất động sản ra đời không đi theo chủ trương quy hoạch phát triển nào cả", ông Đính lo ngại.

Ông Đính dẫn chứng về tình trạng ở Thạch Thất, Ba Vì... với những hiện tượng về phân lô bán nền diễn ra khá phức tạp. Một nhóm hoặc một cá nhân đứng ra gom sổ (ở khu vực nông thôn, nhiều hộ được phân cho mấy trăm m2 đất ở với mấy nghìn đất vườn), sau đó chia lô ra. Theo ông, pháp luật không cấm nhưng lại không phù hợp với quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Theo phân tích, nếu số đất phân lô này trong tình trạng đầu cơ, mua xong để cỏ mọc um tùm thì gây lãng phí nguồn lực. Còn giả sử dân về ở, số dân tăng lên trong khi hạ tầng ở địa phương chỉ có vậy, sẽ dẫn đến tình trạng quá tải.

"Chưa kể, phân lô bán nền như vậy sau còn đẩy giá, thổi giá, gây sốt đất. Gây hệ lụy không tốt cho địa phương", ông nhận định.

Ngoài ra, theo ông, vừa qua có tình trạng dự án san đồi, san ruộng vi phạm pháp luật, xâm phạm tài nguyên quốc gia, gây bất ổn địa phương, giá trị đất đai tăng đột biến, không có lợi cho sự phát triển kinh tế khác.

Về giải pháp xử lý căn cơ, Chủ tịch Hội môi giới cho rằng không còn cách nào là tháo gỡ ách tắc, vướng mắc, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thị trường, tránh để tình trạng cung cầu lệch lạc, mất cân đối kéo dài.

Còn về giải pháp trước mắt để xử lý cơn sốt đất đang "đe dọa" thị trường, ông Đính cho rằng các địa phương sẽ cần sớm vào cuộc, cần thiết nên có những biện pháp mạnh tay làm giảm hoạt động giao dịch, nhất là việc xử lý triệt để các vi phạm.

Đưa ra lời khuyến cáo với giới đầu tư, Chủ tịch Hội môi giới cho rằng, hãy lưu ý đến các vấn đề như pháp lý, quy hoạch. Bất động sản không phù hợp với quy hoạch, không phù hợp sự phát triển chung đều có thể dẫn đến rủi ro, bởi địa phương có thể điều tiết chính sách, không hỗ trợ cho việc chia tách sổ. Còn nếu không phù hợp quy định pháp luật thì sẽ bị thu hồi.

Trước mớ thông tin bòng bong khi đi xem đất đai thời điểm này, anh Nhĩ - một nhà đầu tư tự rút ra lời khuyên: Cần bình tĩnh phân tích và đánh giá thông tin...

"Nhìn ra cửa sổ xe mà xem đất còn mênh mông, đường xá chẳng thấy đâu.... toàn dân buôn với nhau thì ai lên đây mà ở... Môi giới vẽ chân dung khách hàng là người buôn hay đầu tư, đầu cơ, chúng ta mua thì phải vẽ chân dung người ở chứ. Còn mua để tìm bán cho người buôn, đầu tư, đầu cơ đầu tư đến sau thì phải tính kỹ xem liệu mình có làm được không... trước khi xuống tiền", anh nói.

Theo Vietnamnet