Dùng tủ lạnh cũ như ôm 'bom' trong nhà

Tủ lạnh không còn là đồ dùng xa vời đối với gia đình Việt để bảo quản thực phẩm, thức uống…

Tủ lạnh cũ, đã qua sửa chữa tiềm ẩn nguy cơ chập cháy

Trên thị trường hiện nay, không khó để sở hữu một chiếc tủ lạnh đời mới, hiện đại nhất. Nhưng việc sử dụng đúng cách, an toàn sẽ là yếu tố quan trọng, quyết định trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những hộ gia đình, sinh viên sử dụng tủ lạnh cũ, đã qua nhiều lần sửa chữa.

Còn nhớ vụ nổ tủ lạnh hồi tháng 8/2017, tại phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm Hà Nội đã làm 4 người (2 người lớn, 2 trẻ nhỏ) tử vong. Nguyên nhân được xác định là do chập cháy tủ lạnh, tia lửa điện bắn sang hai chiếc xe máy gần đó gây cháy nhà. Do ngôi nhà thiết kế “kín cổng cao tường” nên khi gặp hỏa hoạn, việc giải cứu trở nên khó khăn.

Hay như năm 2013, tại một biệt thự 3 tầng ở khu đô thị Pháp Vân, Hà Nội bất ngờ bốc cháy dữ dội và nguyên nhân được cho là nổ bình gas tủ lạnh. Đến tháng 5/2013, một cặp vợ chồng ở quận 1, TP.HCM cũng bị bỏng nặng khi chiếc tủ lạnh bất ngờ phát nổ. Lúc đó, họ vừa bật bếp gas gần đó để chuẩn bị nấu ăn thì tủ lạnh phát nổ.

dung-tu-lanh-cu-nhu-om-bom-trong-nha

 Tủ lạnh cũ, sửa chữa nhiều lần có nguy cơ chập cháy rất cao. Ảnh: Giadinh

Những sự cố trên trở thành hồi chuông cảnh báo gia đình nên cẩn thận khi sử dụng tủ lạnh, đặc biệt những loại đã cũ, qua sửa chữa nhiều lần. Bởi nó có thể chập cháy bất cứ lúc nào. 

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), hầu hết những chiếc tủ lạnh cũ được giao bán trên trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Đối tượng mua tủ lạnh đã qua sử dụng chủ yếu là sinh viên. Tuy nhiên, điều đáng nói, trong số ít người mua hàng, không phải ai cũng biết rõ cấu tạo, nguyên lí hoạt động và "lỗ hở" chứng minh tủ lạnh đã sắp hỏng. Rất có thể, nhiều chiếc tủ lạnh đã được “mông má” trước khi giao bán. Và đương nhiên, chất lượng của nó sẽ không đảm bảo.

dung-tu-lanh-cu-nhu-om-bom-trong-nha

Nhiều người mua lại tủ lạnh cũ, đã qua sử dụng trên mạng xã hội nhưng không có kinh nghiệm kiểm tra sản phẩm: Ảnh chụp màn hình.

Theo ông Lương Mạnh Cường - Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cho biết chập cháy các thiết bị điện lạnh là tình huống rất dễ xảy ra. Lý giải về nguyên nhân dẫn tới cháy, nổ tủ lạnh, ông Cường cho hay, nhu cầu sử dụng các thiết bị công suất lớn như: Tủ lạnh, tủ cấp đông, điều hòa… được hộ gia đình lắp đặt từ lâu, không đáp ứng được nhu cầu của phụ tải, dẫn đến quá tải trong khi sử dụng và gây chập cháy.

Hơn nữa, hầu hết các tủ lạnh được đặt ở khu vực bếp, gần các thiết bị sinh nhiệt như: Lò nướng, bếp ga, lò vi sóng… Thậm chí đường điện đầu nối với tủ lạnh gần với các vật dễ cháy như: Rèm cửa, đệm, thảm… làm tăng nguy cơ mất an toàn.

Bạn Phùng Đức Thảo, Khoa Kỹ thuật Nhiệt lạnh, Đại học Giao thông vận tải cho biết cấu tạo tủ lạnh gia đình gồm dàn lạnh, dàn nóng, bình gas, máy nén, các ống dẫn. Trong đó, bình gas có chức năng bơm gas lên dàn lạnh phục vụ quá trình làm lạnh máy nén giúp gas lưu thông trong tủ lạnh.

Khi tủ lạnh hoạt động, máy nén sẽ chuyển gas từ dạng khí sang dạng lỏng và đưa gas tuần hoàn làm lạnh khắp máy. Do đó, nguy cơ nổ tủ lạnh thường xảy ra khi tủ lạnh quá cũ, bị sửa chữa, thay ga nhiều lần. Ngoài ra, tủ lạnh có thể phát cháy là do máy nén là dạng kín nên các cuộn dây điện có thể bị chập gây ra tia lửa điện và làm gas bắt lửa.

Chuyên gia khuyến cáo người dùng cẩn trọng khi sử dụng tủ lạnh

Việc tủ lạnh chập cháy tuy không nhiều nhưng vẫn có thể xảy ra. Các chuyên gia về điện khuyến cáo, nếu đang sử dụng tủ lạnh cũ, không nên đụng chạm vào các thiết bị bên trong hay tự ý mang đi nạp gas mới, mà chỉ lau rửa tủ và mời thợ về vệ sinh dàn ngưng nếu có bụi bám nhiều. Tuân thủ nguyên tắc kê tủ lạnh ở nơi thoáng mát, tránh xa các nguồn nhiệt, thiết bị điện và ánh sáng chiếu trực tiếp, cách xa tường tối thiểu 15 cm.

Hãy đưa tủ lạnh đến cơ sở uy tín để sửa chữa khi có dấu hiệu đá không đông hoặc đá đóng tràn lan ra bên ngoài khay. Tuyệt đối không gọi thợ sửa không uy tín về nạp gas mới hoặc hàn xì các bộ phận hỏng hóc vì quy trình không đúng có thể gây cặn trong đường ống, dẫn tới tắc ống, gây nổ.

Hơn nữa, trong quá trình sử dụng, người dùng tuyệt đối không để nước ngọt có ga, khí dễ cháy trong ngăn đá. Bởi khi đặt nước ngọt có gas trong nhiệt độ lạnh các lon nước ngọt có gas (kể cả chai thủy tinh) sẽ khó có thể chịu được áp lực nở ra của khí gas. Khi nước ngọt bị đông đá, khối lượng của nó sẽ tăng lên, khiến chiếc lon bị biến dạng và cuối cùng là phát nổ.

Quyết định số 1133/QĐ-BCT ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ Công Thương về việc công bố tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng áp dụng cho Chương trình dán nhãn năng lượng, các doanh nghiệp tiến hành thử nghiệm và đăng ký dán nhãn năng lượng cho sản phẩm tủ lạnh (tủ mát, tủ lạnh và tủ đông) theo TCVN 7828:2016 về tủ mát, tủ lạnh và tủ đông; Hiệu suất năng lượng, TCVN 7829:2016 về tủ mát, tủ lạnh và tủ đông - Phương pháp xác định hiệu suất năng lượng.

Theo VietQ