Dùng nước muối súc họng nhất định phải biết điều này để tránh rước hại vào thân

Thông thường, mỗi khi viêm họng chúng ta đều được khuyến cáo dùng nước muối để súc họng. Nhưng súc họng thế nào cho đúng không phải ai cũng biết.

Muối có chứa những thành phần chủ yếu là Natri Clorua (NaCl), có thể làm hạn chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn, virus. Bởi, vi khuẩn, virus cần độ ẩm để phát triển, trong khi đó muối hấp thu các phân tử nước nên vi khuẩn, virus không thể sinh sôi vì thiếu nước.

Việc súc họng bằng nước muối hằng ngày có thể giúp giảm nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, hỗ trợ giảm đau họng nhẹ, giảm rát họng, cân bằng trạng thái pH của niêm mạc và lớp chất nhầy trên bề mặt niêm mạc họng.

Tuy nhiên, để bảo vệ được họng, phòng tránh các bệnh do vi khuẩn, virus cần biết cách sử dụng sản phẩm súc họng tự pha một cách an toàn và hợp lý. Theo các bác sĩ, nếu mặn quá sẽ không tốt cho sức khỏe mà còn gây hại cho vùng hầu họng, còn nhạt quá sẽ ít tác dụng sát khuẩn và trung hòa pH.

dung-nuoc-muoi-suc-hong-nhat-dinh-phai-biet-dieu-nay-de-tranh-ruoc-hai-vao-than

Ảnh minh họa

Chia sẻ với PV, BSCK II. Trần Văn Đăng - Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, đối với việc tự pha chế nước muối sinh lý, cần dùng nước sạch đã được đun sôi và để nguội. Muối cần phải dùng muối tinh khiết và nên pha đúng liều lượng để dung dịch nước muối được pha chế có nồng độ đẳng trương với tỷ lệ NaCl tinh khiết nước cất là 0,9% (tức trong một lít nước cất có 9 gram natri chloride tinh khiết).

Nước muối pha xong cần cần dùng ngay, không nên để quá 3 ngày. Nên cho vào lọ có nắp đậy cẩn thận và phải bảo quản ở chỗ thoáng mát.

5 nhóm người nên súc miệng nước muối thường xuyên

Người bị đau họng: Súc miệng bằng nước muối sinh lý vẫn được các bác sĩ trong các cơ sở y tế khuyên dùng để giảm đau họng, có thể làm dịu cơn đau họng nặng tốt hơn với sự trợ giúp của acetaminophen hoặc ibuprofen.

Nhiễm trùng xoang và đường hô hấp: Nước muối sinh lý có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng (do nhiễm virus hay vi khuẩn). Một nghiên cứu cho thấy, súc miệng nước muối có thể có hiệu quả hơn để ngăn ngừa tái nhiễm so với tiêm phòng cúm, nhất là khi tiếp xúc với nhiều người.

Người bị dị ứng: Súc miệng bằng nước muối sinh lý cũng có thể giúp giảm các triệu chứng đau họng khó chịu do phản ứng dị ứng phấn hoa hoặc lông chó mèo.

Người mắc bệnh răng miệng: Nước muối sinh lý có thể có hiệu quả trong cải thiện sức khỏe nướu và răng, giúp ngăn ngừa viêm nướu, viêm nha chu và sâu răng. Ngoài ra, súc miệng bằng nước muối sinh lý cũng có thể làm dịu vết loét miệng bằng cách giảm bớt cơn đau và tình trạng viêm do vết loét gây ra.

dung-nuoc-muoi-suc-hong-nhat-dinh-phai-biet-dieu-nay-de-tranh-ruoc-hai-vao-than

Ảnh minh họa

Sai lầm cần tránh khi dùng nước muối sinh lý

Không dùng nước muối nồng độ cao

Nhiều người có thói quen súc miệng bằng nước muối nồng độ cao, thậm chí còn có người ngậm trực tiếp muối hạt trong miệng vì nghĩ muốn mặn sẽ diệt vi khuẩn tốt hơn. Đó là một quan niệm sai nghiệm trọng bởi súc miệng bằng nước muối quá mặn sẽ làm tổn thương tế bào niêm mạc họng, về lâu dài còn gây thừa muối trong cơ thể.

Đừng quên súc miệng lại bằng nước lọc

Sau khi súc miệng, họng xong bằng nước muối loãng thì nên súc miệng lại bằng nước lọc. Nhiều người vẫn nghĩ sau khi dùng nước muối phải giữ nguyên, không được súc lại bằng nước lọc thì mới có hiệu quả. Nhưng lời khuyên ở đây là bạn nên tráng miệng lại với nước sạch để rửa hết lượng muối cũng như mảng bám đã bong ra lúc súc miệng bằng nước muối.

Pha nước muối sinh lý đúng cách

Nước muối mặn quá hay nhạt quá đều không tốt cho sức khỏe. Theo các chuyên gia, nước muối sinh lý 0,9% (với nồng độ 0.9 % -9g muối trên 1000ml nước) là phù hợp nhất với cơ thể người.

Để có nước muối sinh lý đạt chuẩn, bạn có thể mua ở bất kỳ các hiệu thuốc nào trên toàn quốc. Nếu muốn dùng nước muối tự pha, bạn có thể áp dụng cách pha với tỷ lệ như sau: 1 lít nước đun sôi để nguội pha với 9 gam muối để có nồng độ 0,9%.

Súc họng đúng cách

Để làm sạch họng, trước tiên cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối trong khoảng 30 giây để loại bỏ vi khuẩn ở miệng. Nếu cảm thấy miệng chưa thật sạch thì làm thêm một lần nữa rồi mới nên súc họng.

Khi súc họng nên ngửa cổ ra sau. Khi nước muối chạm thành sau họng thì dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu "khò khò" đều đặn. Nên nhổ nước cũ đi rồi lặp lại động tác trên 3-4 lần với nước muối mới, cho đến khi họng không còn cảm giác vướng víu nữa.

Theo GiaDinh