Dùng hương điện tử trên ban thờ là đánh lừa gia tiên?

Trước xu hướng nhiều gia đình thay thế hương tàn truyền thống bằng hương điện tử để tránh hỏa hoạn cũng như gây ra nhiều độc tố đối với sức khỏe, đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh xu hướng trên…

dung-huong-dien-tu-tren-ban-tho-la-danh-lua-gia-tien

Ba loại hương điện tử được bán với mức giá từ 80.000 - 150.000 đồng/3 cây. Ảnh: Bảo Loan

Hương điện tử là giải pháp tránh hỏa hoạn

Trong xu thế phát triển nở rộ của các thiết bị công nghệ, hương điện tử - loại hương được “cháy” bằng cách cắm điện đang được nhiều gia đình lựa chọn để thay thế hương tàn truyền thống. Bởi lẽ, hương điện tử không những được các gia đình lựa chọn để thắp sáng không gian thờ vào dịp lễ, tết và rằm, mà còn là giải pháp tránh hỏa hoạn, cháy nổ ở các khu nhà chung cư, nhà tập thể. Đặc biệt là tránh nguy cơ gây độc đối với các gia đình có trẻ nhỏ.

Bà Nguyễn Hoàng Anh (45 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu so sánh với hương truyền thống thì hương điện tử không tạo ra khói, tàn, mà vẫn thắp sáng được không gian thờ. Với nhà có trẻ nhỏ và người bệnh phổi mãn tính như nhà tôi thì khoảng 2 năm nay, tôi lựa chọn hương điện tử để thắp vào ngày Tết, lễ. Tuy nhiên, do băn khoăn về yếu tố tâm linh nên gia đình tôi chỉ thắp hỗ trợ hương tàn truyền thống. Ví dụ như vào thời khắc giao thừa hay cúng ngày mồng 1 thì tôi chỉ thắp một nén nhang truyền thống lên ban thờ, còn lại thì cắm hương điện tử để tạo không gian ấm cúng cho ngày Tết”.

Tương tự, bà Vân (52 tuổi, ở khu tập thể Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Điều mà cư dân sợ và lo lắng nhất khi ở khu tập thể cũ kỹ chính là vấn đề hỏa hoạn, cháy nổ. Trong khi đó, không gian nhà tập thể của tôi khá hẹp, nên năm nay, được sự tư vấn của người bán hàng mã, tôi sử dụng hương điện tử hỗ trợ nhang truyền thống. Theo quan điểm cá nhân của tôi thì hương điện tử không thể thay thế hoàn toàn hương tàn truyền thống, nhưng có thể dùng để hỗ trợ, hoặc làm ấm cúng không gian thờ trong những ngày Tết. Bởi ngoài sự tiện lợi thì hương điện tử cũng đáp ứng tính tâm linh, vừa có ánh sáng, vừa có tàn mà lại sáng sủa không gian thờ”.

Theo khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, hương điện tử được rao bán từ sàn thương mại điện tử, đến các cửa hàng đồ thờ cúng. Trên thị trường hiện nay, hương điện tử chủ yếu được sản xuất trong nước và được thiết kể bởi những đường dây điện, thêm bóng đèn nhỏ gắn trên đỉnh cây hương, tạo được lửa sáng và có tàn giả, nhằm tạo cảm giác cho người sử dụng nhưu đang thắp các loại hương tàn truyền thống. Mặc dù được thiết kế cùng mẫu mã là cụm 3 cây nhang điện cùng dây cắm điện, nhưng sản phẩm được bán với nhiều mức giá khác nhau.

Theo đó, hương điện tử có chiều cao từ 30 - 40cm. Tùy theo chiều cao và kích thước mà hương điện tử được bán với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 40.000 đồng, 80.000 đồng, 100.000 đồng và 150.000 đồng/3 cây. Không chỉ riêng hương điện tử, trên thị trường hiện nay cũng có đa dạng các sản phẩm bày biện trên khuôn viên bàn thờ được thiết kế bằng điện, như: Như hương gắn với 3 cây hương điện; hoặc hai cây nến điện cắm trên một chiếc lư; đèn dầu điện, nến điện hoặc nến nhân tạo bằng pin để thay thế cho đèn dầu và nến. Những sản phẩm này được bán với giá khoảng 120.000 - 212.000 đồng/sản phẩm, tùy loại.

Theo chị An, một tiểu thương bán đồ thờ trên phố Đê La Thành (Hà Nội), hương điện hay các sản phẩm bày trên bàn thờ bằng điện đang dần được lòng khách hàng, bởi sự tiện lợi. Mặc dù nhiều người không thay thế hoàn toàn hương truyền thống, nhưng những vật phẩm được chế tác bằng điện cũng không thể thiếu ở các ban thờ thần tài, hay nhằm tỏa ánh sáng tại khu vực thờ cúng.

Có hình nhưng không có khí

dung-huong-dien-tu-tren-ban-tho-la-danh-lua-gia-tien

Hương điện tử chủ yếu được sản xuất trong nước, có thiết kế đa dạng.

Mặc dù hương điện, hay các sản phẩm thờ cúng được thiết kế bằng điện đang được nhiều khách hàng lựa chọn, thì nhiều ý kiến thẳng thắn rằng, hương tàn là tâm tình của người trần gửi đến thế giới vô hình, nên việc thay thế bằng hương điện tử, chẳng khác nào đang đánh lừa gia tiên.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Hòa thượng Thích Trí Thịnh, Phó trưởng ban Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình khẳng định: “Không thể thay thế hương tàn truyền thống bằng hương điện tử”.

Lý giải cho sự khẳng định trên, Hòa thượng Thích Trí Thịnh cho biết: “Thắp nhang lên bàn thờ Phật, thánh hay gia tiên đã trở thành tập quán lâu đời của người Việt Nam. Dù không mê tín dị đoan nhưng trong tâm thức của người Việt, nhang không những được coi là nhịp cầu kết nối hai thế giới hữu hình và vô hình, mà khi gia chủ thắp nhang lên, khói nhang tỏa ra trên bàn thờ còn cho ta cảm giác rất ấm lòng.

Theo giáo lý nhà Phật, khi thắp nén nhang lên, phần nhang đang cháy đỏ tựa là trần gian, phần chân hương được cắm vào lư tựa là thế giới vô hình, phần khói nhang chính là những nguyện ước của người trần gửi đến âm phần. Khi cúng dường, ta thường có câu “thắp nén tâm nhang, cúng dường tam bảo…”, vì vậy thắp hương chính là để tưởng nhớ, gợi nhớ đến sự vô thường”.

“Hương điện không thể thay thế hoàn toàn hương truyền thống. Tuy nhiên, các gia đình có thể sử dụng để làm trang trí trên ban thờ cho sáng sủa, hoặc hỗ trợ làm sáng trong không gian thờ. Vì sự tâm trí thành và là cầu nối để gợi nhớ đến những người đã khuất, nên không thể thay thế hương tàn, đồ thờ cúng chế tác từ điện bằng các hương tàn truyền thống. Bởi lẽ, sẽ tạo cảm giác như có hình mà không có tâm”, Hòa thượng Thích Trí Thịnh cho biết thêm.

Ngoài Hòa thượng Thích Trí Thịnh, khi chúng tôi hỏi một số nhà sư khác họ cũng có ý kiến tương tự. Tuy nhiên họ cũng nhấn mạnh, việc thắp hương cốt ở cái tâm, không nên thắp quá nhiều, ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt, khi thắp hương trong nhà thì phải cẩn thận, đề phòng hỏa hoạn.

Hòa thượng Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Nén nhang cũng có một ý nghĩa khác là sự vô thường tức không vĩnh viễn, tất cả đều giả tạm, cho nên lúc nén hương tắt cháy thì cũng tượng trưng cho đời người tắt chắy, ngắn ngủi vô thường như thời gian của nén hương. Tàn tro của hương nhắc nhở chúng ta chớ để thời gian trôi qua, uổng phí tháng ngày”.

Theo GiaDinh