Dùng hạt cà ri trị tiểu đường, cẩn thận mất mạng

Vì nghi ngại tác hại của thuốc Tây, nhiều người bị tiểu đường đã mách nhau sử dụng hạt cà ri như một “thần dược”. Các chuyên gia cho rằng, điều này có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

dung-hat-ca-ri-tri-tieu-duong-can-than-mat-mang

Hãy thận trọng dùng cà ri để chữa bệnh tiểu đường. Ảnh: TL

Hại gan, thận vì dùng “thần dược” trị tiểu đường

Bà Nguyễn Thị Thanh (ở Hà Đông, Hà Nội) bị tiểu đường 7 năm nay. Nghe lời người quen giới thiệu cách trị bệnh tiểu đường bằng hạt cà ri vô cùng hữu hiệu mà không cần phải dùng thuốc Tây y nên rất mừng. Bà Thanh nghĩ những thứ có nguồn gốc tự nhiên chữa được bệnh vẫn tốt hơn, cực chả đã mới phải dùng tới thuốc Tây. Đang dùng thuốc kê toa của bác sỹ, khi biết đến bài thuốc này bà bỏ luôn.

Mặc cho con cái khuyên bà là bệnh tiểu đường tới nay khoa học vẫn chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, bà vẫn coi bài thuốc như bảo bối. Bà còn kết hợp cắt thuốc Đông y uống. Kết quả dẫn đến thận ảnh hưởng, đường huyết tăng cao.

BS Hoàng Xuân Đại (nguyên bác sĩ BV Quân đội 103) cho biết, không chỉ trường hợp bà Thanh mà có nhiều người bị tiểu đường do nghi ngại về những tác dụng phụ khi chữa bệnh bằng thuốc Tây đã chuyển sang chữa bằng cách sử dụng hạt cà ri. Họ coi loại hạt trên như một "thần dược".

Theo những người đã sử dụng phương pháp chữa bệnh này: Chữa tiểu đường bằng hạt cà ri vô vùng hữu hiệu vì nó là thuốc Đông y, khi uống không bị nóng, không gây các tác dụng phụ như thuốc Tây. Hơn nữa nếu sử dụng hạt cà ri, người bệnh không cần uống thêm bất cứ một loại thuốc nào khác. Cách tốt nhất để chữa tiểu đường bằng cách này là chỉ cần hãm một lượng nhỏ hạt cà ri rồi uống thay trà mỗi ngày. Trong thời gian ngắn bệnh tiểu đường sẽ bị khống chế. Nếu kiên trì thực hiện theo cách trên, bệnh tiểu đường chắc chắn sẽ khỏi(?).

Hạt cà ri hay còn gọi hạt Methi được Đông y sử dụng như kết quả hạn chế nên cần thận trọng. Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cũng đã có nghiên cứu về loại hạt này. Kết quả bước đầu của nghiên cứu cho thấy: Tình trạng bệnh của những người được chữa trị theo phương pháp dùng hạt cà ri không được cải thiện, thậm chí nhiều bệnh nhân còn có những biểu hiện bệnh nặng hơn. Do vậy, người dân nên thận trọng với việc dùng hạt cà ri vào việc chữa bệnh tiểu đường, không nên quá tin tưởng vào tác dụng của loại hạt này. Các bệnh nhân cần tuân thủ theo đơn thuốc của bác sỹ nếu không dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

Theo các bác sỹ tại BV Nội tiết Trung ương, đa phần bệnh nhân tiểu đường, đái tháo đường đến bệnh viện khám bệnh sau khi sử dụng các thuốc Đông y, thuốc Nam, thuốc hoàn, thuốc tễ thời gian khá dài.

Nhiều người khi phát hiện bệnh không được tư vấn đầy đủ lại nghe giới thiệu tìm đến các loại thuốc điều trị không rõ ràng, uống các loại hạt truyền miệng… vì cho rằng các thuốc này không độc, điều trị hiệu quả, rẻ tiền. Có những trường hợp bị suy thận, gan… và đường máu rất cao. Không chỉ là hạt cà ri mà còn mọi người cũng cần thận trọng khi tìm đến điều trị bằng viên tiểu đường hoàn. Báo chí gần đây cũng đã đưa tin những trường hợp tử vong.

Bệnh biến chứng nặng nề nếu không kiểm soát

Theo các chuyên gia, bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không được kiểm soát tốt. Đây là bệnh mãn tính, điều trị chủ yếu là giảm đường huyết và tránh biến chứng. Bên cạnh biến chứng mãn tính, biến chứng cấp tính có thể xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn, có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Khi chẩn đoán tiểu đường, việc đầu tiên là điều trị kiểm soát đường huyết vì đặc trưng của bệnh là tăng đường máu mạn tính cùng với rối loạn chuyển hoá chất đường, béo, đạm do thiếu insuline có kèm hoặc không kèm kháng insuline với các mức độ khác nhau.

Trường hợp của NSND Anh Tú mới đây qua đời ở tuổi 56 vì biến chứng của căn bệnh tiểu đường đã khiến nhiều người bàng hoàng. Được biết, NSND Anh Tú đã bị bệnh tiểu đường nhiều năm, nhưng đến giữa năm 2018 thì trở nặng và phải điều trị biến chứng. Cách đây 2 tháng, NSND Anh Tú đã nhập viện cấp cứu, sức khỏe yếu và không thể trò chuyện.

PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, tỷ lệ mắc tiểu đường ngày càng nhiều. Tuy nhiên đa phần mọi người không biết mình mắc bệnh do người dân chưa có thói quen đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Hơn 70% số người bị tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành đái tháo đường type 2. Đái tháo đường làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong sớm do các biến chứng nguy hiểm dẫn đến bệnh về tim mạch, đột quỵ, bệnh thận, bệnh thần kinh, loét chân…

Bệnh dẫn đến biến chứng nặng một phần cũng do thói quen tùy tiện sử dụng thuốc hoặc dùng theo mách bảo của người dân. Với tất cả loại thuốc tự kê đơn, mọi người cần thận trọng. Không loại trừ hoàn toàn vai trò của thuốc đông y, thuốc nam, thực phẩm chức năng trong điều trị bệnh tiểu đường nhưng mọi người phải hiểu, các loại thuốc này không thể dùng đơn độc để điều trị bệnh tiểu đường được mà chỉ có giá trị điều trị hỗ trợ.

Hơn nữa, nếu các loại thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc thực sự rất nguy hiểm. Thuốc phải được uống/tiêm đúng, đủ nếu không có thể để lại hậu quả nặng nề, không chỉ làm tăng/hạ đường huyết mà còn ảnh hưởng chức năng gan, thận…

Bệnh có liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống, người mắc bệnh do ăn nhiều đạm, ít chất xơ, lười vận động... Điều trị tốt bệnh tiểu đường đòi hỏi nhiều yếu tố. Điều trị bằng thuốc phải đúng và chuẩn theo từng cá thể để có chỉ định dùng thuốc và liều lượng, đơn trị hay phối hợp… Chế độ ăn giữ vai trò quan trọng trong việc điều trị đái tháo đường. Ăn uống phải hợp lý, lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường máu thấp, hạn chế rượu bia, thuốc lá, thực phẩm chiên xào, chế biến sẵn.

Bệnh nhân tiểu đường, đường huyết thường tăng cao sau bữa ăn. Vì thế, nên chia nhỏ bữa ăn ra, ăn nhiều lần trong ngày để phân bổ calo trong các bữa ăn cho hợp lý; Tăng cường hoạt động thể lực giúp cơ thể tiêu thụ glucose dễ dàng, làm giảm lượng đường máu... Người dân cũng cần chủ động tầm soát bệnh.

PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật

Theo GiaDinh