Dụng cụ thoát hiểm “hút” khách sau vụ cháy chung cư Carina làm 13 người chết

Sau vụ cháy chung cư cao cấp Carina Plaza (quận 8, TPHCM), nhiều người dân sống trong các khu chung cư đã tìm mua các thiết bị chống cháy như thang dây, bình xịt hay mặt nạ chống khói. Hậu họa với 13 người chết và nhiều người bị thương, số lượng lớn tài sản bị thiệt hại đã khiến nhiều người quan tâm đến vấn đề phòng cháy, chữa cháy.

 Chủ cửa hàng Bích Hạnh cho biết nhiều khách hàng ham rẻ mua loại mặt nạ chống độc có 75.000 đồng nhưng loại này không chống được khói, có khi còn bị bỏng thêm, trong khi mặt nạ chống khói phải trùm hết cả đầu. ảnh: K.O

Chủ cửa hàng Bích Hạnh cho biết nhiều khách hàng ham rẻ mua loại mặt nạ chống độc có 75.000 đồng nhưng loại này không chống được khói, có khi còn bị bỏng thêm, trong khi mặt nạ chống khói phải trùm hết cả đầu. ảnh: K.O

Mặt nạ chống khói, thang dây thoát hiểm “cháy” hàng

Sau vụ cháy kinh hoàng tại chung cư Carina làm 13 người chết và hàng chục người bị thương, nhiều cư dân sống trong các khu chung cư cao tầng nháo nhào đi tìm các biện pháp phòng thân.

Chị Nguyễn Hồng Vân (sống tại chung cư Green Star, đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội) cho biết: “Những vụ cháy liên tiếp xảy ra khiến tôi cũng luôn có cảm giác bất an, đúng là tai họa có thể ập đến với mình bất cứ lúc nào. Tại khu nhà tôi mọi người đang rủ nhau mua các thiết bị chống cháy để phòng thân. Tôi cũng đã đầu tư gần 5 triệu đồng để đầu tư một bộ thiết bị chống cháy bao gồm mặt nạ chống khí độc, thang dây, bình xịt”.

Sống trong một khu chung cư khi mà việc phòng cháy, chữa cháy chưa được nghiệm thu, anh Hoàng Khánh An càng thêm lo lắng sau vụ cháy chung cư Carina: “Đến chung cư cao cấp mà còn như vậy thì khu tôi ở không biết sẽ ra sao. Nhưng giờ muốn chuyển chỗ ở thì lại không có tiền nên tôi đành phải mua các thiết bị chống cháy để tự bảo vệ mình”.

Dọc các con phố chuyên bán các thiết bị bảo hộ tại Hà Nội như Lê Duẩn, Nguyễn Du, Nguyễn Xiển cũng đang đắt khách hơn ngày thường. Bà Đặng Thị Dung, Phó Giám đốc Công ty TNHHH bảo hộ lao động Thăng Long (73A Nguyễn Du, Hà Nội) cho biết: “Cứ mỗi khi có vụ cháy là bên tôi lại bán được nhiều hơn bình thường vì tâm lý người tiêu dùng thấy cháy là đi mua. Trước kia cả tuần tôi chỉ bán được 2 - 3 bộ thiết bị chống cháy cho khách lẻ, còn đâu là bán cho các công trình thì mấy hôm nay số lượng khách lẻ đến hỏi mua tăng đột biến, có những ngày tôi bán được gần chục bộ thiết bị chống cháy”.

Tại cửa hàng chuyên bán đồ bảo hộ lao động Bích Hạnh (17 Yết Kiêu, Hà Nội), chủ cửa hàng cho biết, các thiết bị được mọi người tìm mua nhiều nhất là: Thang dây thoát hiểm, mặt nạ chống khí độc, bình xịt cứu hỏa. Các sản phẩm này cũng có giá dao động từ vài trăm nghìn cho tới vài triệu đồng với xuất xứ chủ yếu từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Cũng có một số sản phẩm với mức giá rẻ hơn có xuất xứ Trung Quốc hay được gia công tại Việt Nam.

Theo đó, mỗi chiếc mặt nạ chống khói, phin lọc than hoạt tính hàng Trung Quốc có giá dao động 120.000 - 220.000 đồng tuỳ loại một hay hai lõi, loại cao cấp hơn xuất xứ từ Hàn Quốc 420.000 đồng/chiếc, còn hàng từ Nga khoảng 300.000 - 350.000 đồng... Thang dây cứu hộ có giá từ 75.000 - 90.000 đồng/m, với những tầng cao chi phí cho mỗi mét dây cũng tăng thêm. Bình xịt cứu hoả có giá từ 150.000 đồng - 300.000 đồng/bình.

Không chỉ tại các cửa hàng, không khí mua thiết bị chống cháy còn nhộn nhịp ngay cả trên “chợ mạng”. “Đầu tiên mình chỉ định đặt mấy bộ về cho mấy nhà cùng khu nhưng thấy nhiều người hỏi mua nên mình đã nhập hẳn số lượng lớn về bán. Chỉ bán chơi chơi trên mạng mỗi ngày mình cũng bán được 10 - 15 cái mặt nạ chống khỏi”, chủ một shop online cho hay.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Có một thực tế đáng buồn đã từng xảy ra tại các khu chung cư, khi Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy phối hợp với chính quyền địa phương đưa giấy mời đến từng hộ ở chung cư để tuyên truyền về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy nhưng người dân không hào hứng tham gia. Trong buổi tuyên truyền chỉ có người già, thậm chí người giúp việc đi nghe với những lý do, bận đi làm, đi học hoặc đã đọc trên trên báo, trên mạng...

Nhưng khi thực tế xảy ra mới thấy kĩ năng xử lý tình huống của dân ta rất đáng báo động: Họ cuống cuồng, hỗn loạn khi đám cháy xảy ra, họ bỏ chạy thoát thân trong hoảng loạn, trong bế tắc, phó mặc sự sống của mình cho sự may rủi. Các thiết bị phòng cháy chữa cháy nếu có họ cũng chẳng biết sử dụng, cầm cái bình cứu hỏa họ cũng loay hoay... Và khi có chuyện họ mới bắt đầu tìm hiểu, bắt đầu tìm mua dụng cụ PCCC...

Vụ cháy chung cư Carina cũng khiến nhiều người giật mình về vấn đề phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư. Giữa năm 2017, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội đã mở một đợt tổng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy nhà chung cư trên địa bàn và phát hiện 79 chung cư vi phạm. Cuối năm 2017, có 21/79 chung cư vi phạm đã được khắc phục và tính đến tháng 3/2018, trên toàn thành phố còn 31 chung cư cao tầng vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

Tại TPHCM, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy cũng đã tiến hành tổng kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với 712 công trình cao tầng, 28 công trình siêu cao tầng, 70 trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện 139 cơ sở vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, với 116 lỗi vi phạm. Từng đó chung cư vi phạm cũng đồng nghĩa với việc sinh mệnh của hàng ngàn con người bị đe dọa.

Có một thực tế xảy ra, nhiều chủ đầu tư vẫn chưa thực sự quan tâm tới vấn đề phòng cháy, chữa cháy. Nhiều công trình dù chưa được nghiệm thu nhưng chủ đầu tư đã đưa người dân vào sinh sống hay có chung cư chưa trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các phương tiện chữa cháy tại chỗ. Một số chung cư cao tầng chưa thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ hoặc có thành lập nhưng không duy trì hoạt động.

Nhiều Ban quản lý chung cư còn né tránh, chậm thực hiện các kiến nghị khắc phục về an toàn phòng cháy, chữa cháy của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy. Nhất là tại các chung cư đã giao về cho các hộ dân tự quản lý, dẫn đến tình trạng các vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy vẫn tiếp tục kéo dài.

Chế tài xử phạt về hành vi vi phạm phòng cháy, chữa cháy cũng đã có, tuy nhiên chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền.

Mức phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe dẫn tới việc nhiều chủ đầu tư vì quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà lơ là trách nhiệm về an toàn phòng cháy, chữa cháy, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Vụ cháy chung cư Carina hy vọng sẽ là hồi chuông cảnh báo, một bài học cho chủ đầu tư cũng như người dân về vấn đề phòng cháy, chữa cháy.

Tại cửa hàng chuyên bán đồ bảo hộ lao động Bích Hạnh (17 Yết Kiêu, Hà Nội), lượng người đến tìm mua thiết bị chống cháy khá tấp nập. “Từ hôm xảy ra cháy trong TPHCM thì hôm nào cửa hàng tôi cũng có khách đến mua. Chỉ một lúc buổi sáng, tôi đã bán được 10 chiếc mặt nạ chống khói. Nhiều khách hàng trước kia không biết đến những sản phẩm này, nhưng sau mỗi vụ cháy thì họ lại nháo nhào đi mua. Nhiều người đến bình chữa cháy cũng không biết dùng ra sao nên tôi phải hướng dẫn kĩ càng cho khách”, chủ cửa hàng Bích Hạnh cho hay.

Kim Oanh

Theo GiaDinh