Đừng bán mạng khi lái xe săn tuyết trên Sapa!

Du khách và các phượt thủ đang ùn ùn kéo lên Sapa săn tuyết, nhưng thiếu kiến thức cần thiết khi lái xe đường băng tuyết có thể khiến bạn phải trả giá bằng cả mạng sống.

dung-ban-mang-khi-lai-xe-san-tuyet-tren-sapa 1

Nhiều du khách lên Sapa ngắm tuyết. (Ảnh: Baogiaothong)

Mặt đường bị đóng băng cộng thêm địa thế hiểm trở, tuyết rơi che khuất tầm nhìn khiến nhiều lái xe lên các tỉnh phía Bắc gặp nhiều rủi ro. Hiện tượng mất tay lái khiến phương tiện gặp tai nạn là điều dễ xảy ra nếu tài xế không trang bị kỹ kiến thức xử lý trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy.

Do hiện tượng băng tuyết chỉ xảy ra rải rác ở một số nơi tại Việt Nam, trong khoảng thời gian ngắn nên về mặt kỹ thuật trên ô tô lẫn khả năng xử lý của lái xe đều không “chuyên nghiệp”. Để cuộc “du hí” ngắm tuyết rơi trên Sapa ý nghĩa hơn, du khách và phượt thủ nên chú ý những điểm sau.

Lốp xe

Tại các nước thường xuyên có tuyết rơi, ô tô sẽ được trang bị loại lốp chuyên dụng cho mùa đông để tăng độ bám đường. Chúng có nhiều rãnh nhỏ, thậm chí đính kim loại để làm vỡ băng. Tuy nhiên, các phương tiện tại Việt Nam lại không dùng loại lốp này nên tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu lái xe không thực sự chú ý.

dung-ban-mang-khi-lai-xe-san-tuyet-tren-sapa 2

Cần đặc biệt lưu ý về lốp xe. (Ảnh minh họa)

Nguy hiểm nhất là lớp băng màu trong lẫn trên đường khiến bánh xe dễ trơn trượt. Địa hình đồi dốc, quanh co càng khiến lái xe khó xử lý tình huống nếu đi với tốc độ cao. Vì thế, lốp xe là vị trí cần được kiểm tra kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi.

Cách tốt nhất, tài xế nên thay thế bằng loại lốp chuyên dụng. Nếu không, có thể xả bớt khí trong xăm lốp ô-tô để diện tích tiếp xúc giữa bánh xe và mặt đường lớn hơn, tăng khả năng chống trượt. Cũng cần mang theo các dụng cụ để “vệ sinh” lốp. Sau quãng đường dài, các rãnh trên bề mặt bánh xe bị bùn bẩn, tuyết phủ kín hoặc bị đông đá làm giảm ma sát với mặt đường.

Kỹ thuật lái xe cần biết

Tuyệt đối không chạy ẩu trên đường băng tuyết, lại càng tránh vượt các xe khác ở đoạn dốc, khúc quanh. Nên đi chậm, chắc chắn và chú ý quan sát hai bên đường.

Cần luyện tập kỹ năng phanh khi đường trơn trượt. Với phanh chống bó cứng, thực hiện các bước đạp phanh, giữ và đánh lái. Trường hợp bất ngờ chỉ nên đánh lái một chút bởi nếu không xe có thể đi khỏi quỹ đạo. Những xe không có hệ thống ABS lại càng phải nhấp nhả thành thạo hơn.

dung-ban-mang-khi-lai-xe-san-tuyet-tren-sapa 3
Kỹ thuật lái xe trong điều kiện mưa tuyết rất quan trọng. (Ảnh: brake)

Giữ tay chân ấm để cầm lái được chắc chắn hơn. Nếu xuất hiện mưa, tuyết, nên để đèn pha ở chế độ chiếu gần và bật đèn sương mù. Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, tốt nhất nên đi theo đoàn hoặc đi sau các xe khác để có bạn đồng hành.

Lưu ý, đường có tuyết hoặc nước mưa thì quãng đường phanh của xe cũng dài hơn so với đường khô. Nắm được nguyên lý này, người điều khiển cần giữ khoảng cách hợp lý (thường gấp đôi) và nhấn phanh sớm hơn.

Tránh xe tải vì loại phương tiện này có trọng tải lớn nên dễ xảy ra chuyện bị trôi tại các đoạn dốc. Chưa kể, tài xế rất khó kiểm soát xe nếu đi qua khúc cua. Trường hợp một Trung Tá CSGT Tuần Giáo bị xe tải trôi đè ép vào thành cầu là một ví dụ cho thấy mức độ nguy hiểm khi chạy trên đường băng tuyết.

Khi cần tấp vào lề đường, phải báo ra hiệu để các xe đang tham gia lưu thông biết để tránh.

Theo Lê Minh (vntinhnhanh)