Đốt vàng mã cúng Rằm tháng 7 thế nào cho đúng?

Vào dịp cúng rằm tháng 7, không ít gia chủ mua vàng mã để cúng xá tội vong nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đốt vàng mã như thế nào cho đúng trong tháng cô hồn.

Trong tháng 7 âm lịch, người Việt thường có tục lệ cúng cô hồn (xá tội vong nhân) với ý nghĩa tưởng nhớ, cầu siêu cho các vong hồn đói khổ, lang thang, không nơi nương tựa. Ngoài ra, đây cũng là dịp báo hiếu hay còn gọi là lễ Vu Lan của những người theo đạo Phật.

Với quan niệm "trần sao, âm vậy" nên trong dịp này, người dân đều chuẩn bị đồ cúng rất tươm tất, đặc biệt là vàng mã với mong muốn để người đã khuất được hưởng cuộc sống sung túc, đầy đủ vật chất, báo hiếu tổ tiên.

Theo tục lễ cũ, những vàng mã ấy là do các gia đình tự cắt theo kiểu tượng trưng, không tốn kém và thể hiện lòng thành, tâm nguyện của người sống. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tập tục đốt vàng mã trong ngày xá tội vong nhân đã bị biến tướng. Hàng mã nay có cả dầu gội đầu, đồ gia dụng, người giúp việc cho đến xe máy, ô tô và biệt thự... Giá các loại đồ mã cũng tùy theo từng mặt hàng "thời thượng" mà có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng...

dot-vang-ma-cung-ram-thang-7-the-nao-cho-dunga

Việc đốt vàng mã quan trọng nhất là thể hiện lòng thành nên việc đốt vàng mã cần chỉ mua phù hợp, vừa đủ, tránh mua quá nhiều sẽ gây lãng phí

Chia sẻ trên báo Dân Trí, Tiến sỹ Vũ Thế Khanh, việc cúng cho người đã mất dù đồ vật thật hay là đồ tượng trưng thì người đã khuất cũng không thể nhận được mà chủ yếu là thể hiện đươc tấm lòng thành của những người còn sống. Đương nhiên, việc cúng đồ mã nhiều không những gây lãng phí tiền của mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường.

"Nếu cứ đổ xô đốt vàng mã, tốn kém cho người cõi âm với mong muốn được nhiều tài lộc, được trợ duyên thăng quan tiến chức thì cũng chẳng khác nào hối lộ người đã mất. Điều này đi ngược lại với truyền thống, văn hóa hướng về tổ tiên, trân trọng chính những người đang sống quanh mình. Vì vậy, các gia đình chỉ đốt tiền vàng một cách văn minh, vừa phải phù hợp với phong tục, tập quán của dân gian ta", tiến sỹ Vũ Thế Khanh khẳng định.

Khi đốt vàng mã cúng rằm tháng 7, bà Nguyễn Võ Uyên Mi (giảng viên phong thủy TP. Hồ Chí Minh) cho biết trên báo Dân Việt: "Nên chậm rãi, từ tốn, vừa đốt vừa gọi tên người đã mất. Không được đốt nhanh một lần bằng việc gom tất cả cho vào lửa và bỏ đấy. Hành động này là hấp tấp, không thành tâm.

Vật dụng đốt cho ai nên ghi rõ họ tên, không dùng từ "chết" mà nên dùng từ "đại nạn" vào năm nào. Khi đốt, gia chủ cũng không được dùng "cây khấn" vào tiền đang đốt sẽ làm nát hết phần tro. Đặc biệt, gia chủ càng không nên dùng nước dội thẳng vào để dập lửa khi lửa chưa tàn hết.

dot-vang-ma-cung-ram-thang-7-the-nao-cho-dung

Trong lễ cúng rằm tháng 7 âm lịch năm nay 2019, các gia đình nên mua số lượng vừa đủ giấy tiền vàng bạc nhiều loại xưa nay khác nhau, ưu tiên loại vàng mã có kinh văn siêu độ vong linh.

Bên cạnh đó, theo quan niệm từ xưa, khi hóa vàng xong người ta thường vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng, ở cõi âm các cụ mới nhận được và vàng mã đó mới tiêu được ở âm phủ. Hai cây mía cũng được đem hơ trên đống tàn vàng.

Cúng hóa vàng được thực hiện ở sân hoặc một góc vườn sạch sẽ. Theo đó, khi gần hết 1 tuần hương người ta bắt đầu hóa tiền vàng. Mỗi lễ vàng tiền đều được hóa riêng từ các bậc cao xuống theo thứ tự gia thần trước, gia tiên sau.

Trước khi hạ mỗi lễ đều vái ba vái và khấn: "Gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân… thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới".

Theo GiaDinh