Doanh nghiệp Việt mất gì khi làm ăn với các siêu thị như Big C?

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, các doanh nghiệp (DN) “chơi” với siêu thị mà dưới 5 năm thì còn chơi được, còn trên 5 năm thì DN chỉ có… từ chết đến bị thương.

doanh-nghiep-viet-mat-gi-khi-lam-an-voi-cac-sieu-thi-nhu-big-c

Central Group Việt Nam làm việc với các DN, cơ quan truyền thông chiều 3/7 (Ảnh: T.Phương)

Big C được "trải chiếu hoa" khi kinh doanh tại VN

Trước động thái của Big C từ chối nhập hàng may mặc của các DN Việt Nam từ chiều 3/7 cộng đồng mạng liên tục đòi “tẩy chay” hệ thống siêu thị này.

Theo cộng đồng mạng, tại Việt Nam, Big C đã nhận được rất nhiều sự ưu đãi của cơ quan chức năng khi đầu tư tại Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam đã “trải chiếu hoa” mời Big C vào làm ăn kinh doanh. Bao nhiêu bằng khen, giấy khen cũng đã được trao cho doanh nghiệp này.

Đặc biệt, mới đây, tại hội nghị 10 năm, đại diện Big C khẳng định sẽ ưu tiên hàng Việt và hứa 90% hàng Việt sẽ có mặt tại chuỗi siêu thị này. Tuy nhiên, từ việc từ chối nhập hàng may mặc của các DN Việt Nam, cộng đồng mạng cho rằng hệ thống siêu thị Big C đang thể hiện sự “tráo trở” với người tiêu dùng Việt Nam ngay trên đất Việt.

Một số chuyên gia kinh tế thì đánh giá, Big C đã “không tử tế” từ lâu rồi. Bằng chứng là, ngay khi về tay người Thái, việc đầu tiên Big C làm là "đuổi" những cơ sở làm nhãn hàng riêng cho Big C. Thứ hai là đuổi Thế giới di động ra khỏi hệ thống. Thứ 3 là tăng chiết khấu đối với những nhà cung ứng hàng Việt lên 25 - 30% giá trị, đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều mặt hàng Việt phải ngậm ngùi rời bỏ hệ thống  siêu thị này.

doanh-nghiep-viet-mat-gi-khi-lam-an-voi-cac-sieu-thi-nhu-big-c

Các DN may mặc Việt căng băng rôn phản đối BigC (ảnh: T.Phương)

Big C có phạm luật không?

Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, đánh giá: "Thực tế mà nói, không thể nói Big C phạm luật mà vấn đề mấu chốt là phải xem kỹ hợp đồng giữa các bên cung cấp và Big C thế nào. Phải xem Big C có vi phạm điều khoản nào trong hợp đồng hay không, nếu không có hợp đồng thì cũng rất khó, thực sự mà nói thỏa thuận giữa hai bên chỉ được ràng buộc bằng hợp đồng. Nhưng nếu ràng buộc trong hợp đồng nó lỏng lẻo quá thì chuyện Big C không nhập hàng may mặc của các DN Việt cũng rất khó để khởi kiện".

“Theo kinh nghiệm của tôi, phần lớn những đơn vị cung cấp hàng cho các siêu thị (không chỉ riêng Big C), mà những DN chơi với siêu thị mà dưới 5 năm thì còn chơi được, còn trên 5 năm thì DN chỉ có… chết mà thôi.

Vấn đề này tôi đã tư vấn cho rất nhiều DN rồi. Chết là vì sao? Thứ nhất là tỷ lệ chiết khấu, các siêu thị sẽ nâng tỷ lệ này lên để ‘siết cổ’ DN. Thứ hai, các siêu thị sẽ định vị lại vị trí để đặt hàng, sẽ ưu tiên những vị trí tốt, vị trí hot cho các DN mới. Thứ 3, các siêu thị cũng sẽ ràng buộc nhiều điều khoản mới trong hợp đồng khác, gây tác động tiêu cực cho các DN cung ứng như thời điểm nhập, chất lượng nhập, thậm chí nhập một thời gian các siêu thị sẽ chuyển qua thương hiệu của họ”, ông Tín nói.

Cũng theo ông Tín, nếu xét về góc độ tài sản vô hình, DN nhập hàng vô siêu thị nhưng không được để tên thương hiệu mình mà để tên siêu thị đó thì coi như thương hiệu của DN đó đã mất. Lúc đó, siêu thị  đã ‘ăn’ giá trị vô hình, phần lời đó vô cùng lớn. Tôi ví dụ, chuyện DN cung ứng hàng, họ sản xuất 3 đồng, bán 4 đồng nên chỉ ăn lời 1 đồng, phần lời 1 đồng này chưa chắc bằng phần lời mà các siêu thị để thương hiệu, họ có thể lời 5 đồng, 7 đồng, thậm chí là 10 đồng, họ ép là ép cái đó.

“Trở lại câu chuyện Big C từ chối nhập hàng may mặc của các DN Việt, tôi nói thẳng, không chỉ có siêu thị nước ngoài, siêu thị trong nước cũng vậy, họ cũng có việc ‘đè đầu cưỡi cổ’ các đơn vị cung ứng hàng hóa. Đây là một bài học cho các DN Việt, nếu chỉ trông chờ vào kênh phân phối ở các siêu thị thì chỉ có ‘từ chết đến bị thương’, họ có đủ chiêu trò từ tăng chiết khấu, điều khoản khắt khe… khiến DN cung ứng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Đây là một cuộc chơi sòng phẳng và cũng rất khắc nghiệt. Từ đây, một bài học mà DN Việt cần phải quán triệt là phải phát triển hệ thống kênh phân phối, là thương hiệu, làm truyền thông… chứ không mãi phụ thuộc vào kênh siêu thị. Đến một lúc nào đó, DN Việt phải tự đứng trên đôi chân của mình chứ không phụ thuộc vào người khác mãi được…”, ông Tín chia sẻ.

Central Group là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, hoàn tất việc mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ tập đoàn Casino (Pháp) vào tháng 4/2016 với giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD). Tuy nhiên, sau khi mua lại hệ thống siêu thị này, Central Group vẫn tiếp tục sử dụng thương hiệu Big C cho đến nay.

Sau khi sở hữu Big C, Tập đoàn Central Group công bố kế hoạch đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam, nâng gấp đôi số siêu thị, trung tâm thương mại trong vòng 5 năm tiếp theo (tức đến năm 2021). Cuối năm ngoái, lãnh đạo cấp cao của Central Group cho biết sẽ chi thêm 1,5 tỷ USD để tăng số lượng cửa hàng tại cả Việt Nam và Thái Lan để tăng doanh số thêm 14%.

Ngoài Big C, Central Group sở hữu nhiều kênh bán lẻ khác tại Việt Nam như chuỗi điện máy Nguyễn Kim, cửa hàng đồng giá Komonoya, siêu thị Lan Chi, Trung tâm mua sắm Robins, Marks and Spencer,…

Theo DanViet