Đồ chơi trẻ em độc hại ảnh hưởng lâu dài tới thể chất của trẻ

Theo các chuyên gia, các đồ chơi độc hại ngoài gây nguy cơ sát thương trực tiếp còn ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài đến sự phát triển thể chất của trẻ.

Hàng loạt đồ chơi trẻ em độc hại vẫn "len lỏi" ra thị trường. Những đồ chơi đó được các chuyên gia cho rằng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp mà còn giám tiếp, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tới sức khỏe trẻ khi sử dụng.

Bà Lưu Liên Hương – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho hay, nhóm đồ chơi độc hại thường tập trung vào nhóm đồ chơi phát sáng, chạy pin; nhóm đồ chơi vũ khí; nhóm đồ chơi bằng bông, búp bê, mô hình; nhóm đồ chơi làm đẹp, trang điểm, móng tay giả, vòng đeo tay; nhóm đồ chơi nấu ăn; nhóm đồ chơi hoá trang, mặt nạ; nhóm đồ chơi âm nhạc: còi, kèm thổi, trống; nhóm đồ chơi làm bằng cao su; nhóm các loại miếng dán, sticker.

Những loại đồ chơi này vẫn được bày bán công khai và thường không có nhãn mác phù hợp các quy định và không rõ nguồn gốc xuất xứ tại rất nhiều địa điểm như các cửa hàng đồ chơi, trước cổng trường, chợ đêm, chợ cóc và nhiều con phố nổi tiếng ở Hà Nội.

Đồ chơi trẻ em độc hại ảnh hưởng lâu dài tới thể chất của trẻ

Những loại đồ chơi bán theo cân được khuyến cáo không nên cho trẻ em dùng. (Ảnh minh họa).

Màu sắc các loại đồ trơi trẻ em đó thường bắt mắt, bán với giá rẻ, do đó rất thu hút sự chú ý của trẻ em. Đặc biệt trong các dịp như ngày Tết Thiếu nhi hoặc Tết Trung thu những loại đồ chơi này có thể bắt gặp và mua ở bất cứ đâu, rất dễ dàng.

Theo các chuyên gia, các đồ chơi không an toàn ngoài gây nguy cơ sát thương trực tiếp còn ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài đến sự phát triển thể chất của trẻ. Bởi đa phần các loại đồ chơi đều bị trộn thêm hạt nhựa công nghiệp, cho thêm nhiều phụ gia, màu công nghiệp kém chất lượng để giảm giá thành, dễ gia công, tạo hình…

Trong các nguyên liệu này có rất nhiều chất hóa học, kim loại nặng, độc hại đối với con người. Vì vậy khi trẻ chơi rất dễ xâm nhập vào cơ thể bằng con đường hô hấp, tiếp xúc da, đường miệng làm giảm khả năng miễn dịch, suy giảm sức khỏe, thậm chí nếu tiếp xúc nhiều có thể gây bệnh ung thư, vô sinh…

“Những đồ dùng bằng nhựa nói chung và những loại đồ chơi bằng nhựa dành cho trẻ nhỏ nói riêng, trong thành phần của chúng không thể thiếu phthalates. Phthalates có đặc điểm chỉ hòa tan trong nhựa mà không có liên kết chặt chẽ với các chất cao phân tử trong nhựa nên trong môi trường chúng rất dễ bị thoát ra khỏi đồ nhựa. Đặc biệt, nếu ngậm đồ nhựa trong miệng, phthalatses càng nhanh chóng hòa tan trong nước bọt. Chất này sẽ trực tiếp đi vào cơ thể và có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt hệ nội tiết của trẻ”, bà Lưu Liên Hương nhấn mạnh.

Từ đó, bà Hương đưa ra cách phân biệt đồ chơi độc hại với đồ chơi an toàn.

Theo đó, đồ chơi an toàn là các loại đồ chơi chính hãng, được bày bán thông qua những nhà phân phối được nhà sản xuất ủy quyền và cho phép bày bán trên thị trường. Những món đồ chơi trẻ em này đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về chất lượng cũng như thời gian bảo hành trong quá trình sử dụng, được các nhà phân phối tiến hành kiểm tra chất lượng đầy đủ theo một quy trình nghiêm ngặt trước khi đưa đến tay người tiêu dùng. Chúng có đầy đủ hộp, hướng dẫn sử dụng, thông tin về công ty và có đầy đủ các phụ kiện cần thiết, cũng thường có giá thành cao hơn so với đồ chơi độc hại, kém chất lượng.

Ngược lại, các đồ chơi độc hại là đồ chơi không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bày bán trôi nổi, có màu sắc loang lổ, không đều màu, lớp sơn bị bong tróc hay có những tạp chất nổi lên trên bề mặt là dấu hiệu của những loại đồ chơi kém chất lượng

Trước câu hỏi của PV về việc, đồ chơi rẻ tiền có phải đồ chơi độc hại? Bà Lưu Liên Hương cho biết, đồ chơi rẻ tiền không phải lúc nào cũng là món đồ chơi độc hại cho trẻ.

Đồ chơi rẻ tiền có 2 loại: Thứ nhất là loại đồ chơi làm từ nguyên vật liệu không đảm bảo, không được kiểm định chất lượng, không hợp chuẩn, hợp quy… Đây là các loại đồ chơi độc hại và có thể gây hại cho sức khoẻ của trẻ

Thứ 2, các loại đồ chơi thủ công, truyền thống, có cách làm đơn giản và làm từ các nguyên liệu tự nhiên như giấy, tre, gỗ, lá cây, đất sét… Đây là những loại đồ chơi không gây độc hại cho trẻ.

“Bố mẹ nên chọn đồ chơi cho bé của các nhà sản xuất đồ chơi có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo chất liệu tốt, thiết kế chức năng phù hợp và an toàn cho bé khi sử dụng”, bà Hương khuyến cáo.

Bên cạnh đó, bà Hương cũng đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh nên chú trọng và ưu tiên lựa chọn đồ chơi an toàn cho trẻ đã được kiểm định và được chứng nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền chứng minh đồ chơi đạt tiêu chuẩn an toàn cho trẻ sử dụng. Cảnh giác với những đồ chơi nhựa phản phất mùi hóa chất, khét nặng, giòn, dễ gãy, nhiều tạp chất nổi hẳn trên bề mặt lạ vì chắc chắn rằng đồ chơi này không đảm bảo quy trình sản xuất.

Không nên chọn đồ chơi có kích thước quá nhỏ, dễ gãy, vỡ, có các cạnh và viền sắc nhọn để trẻ khỏi tháo lắp và có thể nuốt chúng hay trong quá trình chơi bị trầy xước. Cũng không nên chọn đồ chơi quá to, nếu đồ chơi to nên chọn đồ chơi không có nắp đậy. Nếu có nắp đậy hãy chắc chắn chiếc nắp này chắc chắn, với sự hỗ trợ của khóa và bản lề an toàn. Hãy tìm các đồ chơi mịn, không có nhiều cạnh sắc và có các lỗ thông gió để tránh nghẹt thở nếu như trẻ sơ sẩy bị mắc kẹt bên trong.

Nên chọn những đồ chơi bằng gỗ không sơn, đồ chơi bằng vải thay cho đồ nhựa. Nhớ thận trọng với đồ chơi gỗ đã sơn màu trừ phi nó đã được chứng nhận là màu sơn không độc hại và không chứa chì. Nói không với trang sức kim loại, các loại đồ chơi dùng pin.

Trước đó, cơ quan chức năng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và quản lý thị trường đã xử lý nhiều trường hợp bày bán, buôn lậu đồ chơi kém chất lượng, bạo lực. Các hoạt động quản lý, xử lý ngày càng được tăng cường, tuy nhiên tình trạng buôn bán nhỏ lẻ, "len lỏi" ra thị trường của đồ chơi trẻ em kém chất lượng, độc hại vẫn được thương nhân đẩy ra thị trường. Người tiêu dùng cần thận trọng, lựa chọn thông minh với các đồ chơi cho trẻ em để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Theo VietQ