Điều kỳ diệu nếu bạn uống 1 ly nước cam nhỏ mỗi ngày

Các nhà khoa học Harvard chứng minh rằng bạn có thể giảm tới 47% nguy cơ mắc nhóm bệnh gây chết người hàng đầu với "thần dược" đơn giản là 1 ly nước cam nhỏ.

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Harvard (Mỹ) đã theo dõi gần 28.000 người đàn ông trong vòng 20 năm và phát hiện ra rằng chế độ tiêu thụ thực phẩm "xanh" như rau, trái cây tác động rất lớn đến nguy cơ mắc nhóm bệnh mất trí nhớ của họ.

Điều kỳ diệu nếu bạn uống 1 ly nước cam nhỏ mỗi ngày - Ảnh 1.

Nước cam có thể giúp bạn gìn giữ khả năng nhận thức, trí nhớ, định hướng.... - ảnh minh họa từ Internet

Nhóm tình nguyện viên có độ tuổi trung bình là 51 khi bắt đầu nghiên cứu và mỗi 4 năm họ được kiểm tra lại sức khỏe cũng như thực hiện bảng câu hỏi về việc tiêu thụ trái cây và rau quả của mình.

Sau 2 thập kỷ, 6,6% nam giới trong nhóm ăn nhiều rau nhất phát triển chức năng nhận thức kém trong khi tỉ lệ là 7,9% ở nhóm ăn ít rau nhất; tỉ lệ này là 6,9% ở những người thường xuyên uống nước cam so với 8,4% ở những người uống ít hơn 1 lần/tháng.

Tuy nhiên, mức cải thiện sẽ rõ ràng nếu như bạn uống đều đặn mỗi ngày 1 ly nước cam nhỏ khoảng 4-6 ounces (tương đương 118 đến 177 ml). Theo tác giả chính Changzheng Yuan, 1 ly nước cam này đủ giúp bạn cải thiện đến 47% nguy cơ gặp các vấn đề về ghi nhớ, làm theo các hướng dẫn hoặc định hướng. Đây là các vấn đề cốt yếu quyết định một người có phát triển các bệnh liên quan đến mất trí nhớ hay không.

Lý do khuyến cáo, yêu cầu bạn chỉ uống 1 ly nhỏ nước cam là vì nước trái cây cô đặc vốn chứa khá nhiều đường, nếu bạn uống quá nhiều thì lượng đường dư thừa lại có thể gây ra các tác hại khác cho sức khỏe.

Bà Changzheng Yuan cũng khuyên mọi người nên ăn thêm rau và các trái cây khác bên cạnh việc uống nước cam để tăng cường hiệu quả phòng bệnh. Mọi người nên ăn khoảng 6 phần rau và 3 phần trái cây mỗi ngày, mỗi phần tương ứng với lượng thực phẩm đựng vừa trong 1 chiếc ly.

Nghiên cứu nhằm hướng tới nhóm bệnh mất trí nhớ, đặc biệt là Alzheimer, căn bệnh đang chiếm đầu bảng nguyên nhân gây tử vong sớm ở Anh, Úc và đứng thứ 2 tại Mỹ. Hiện Alzheimer không có thuốc đặc trị.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Neurology.

A. Thư (Theo The Sun, Daily Mail)

Theo NLD