Điểm thi, tỷ lệ tốt nghiệp tăng mạnh: Có nên giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Năm 2020, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao và tăng mạnh so với năm 2019, song Bộ GD&ĐT cho rằng, năm 2021 kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giữ ổn định như năm 2020 và tiến tới nghiên cứu áp dụng công nghệ vào thi cử.

diem-thi-ty-le-tot-nghiep-tang-manh-co-nen-giu-ky-thi-tot-nghiep-thpt

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ cơ bản giống như năm 2020. Ảnh minh họa: Q.Anh

"Mưa" kỷ lục về điểm thi và tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 2020

Theo Bộ GD&ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 năm 2020 cả nước đạt 98,34%, tăng gần 4% so với năm ngoái. Điểm trung bình các môn thi đều tăng 0,2-1,2 so với năm ngoái. Điểm 10 nhiều hơn, với hơn 5.500 bài thi đạt mức điểm này (năm 2019 là 1.285), chủ yếu ở môn Giáo dục công dân. Tại một số địa phương có tỷ lệ đỗ cao đạt trên 98 đến trên 99%, tăng so với các năm trước.

Cụ thể, tỷ lệ tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2020 của tỉnh Nam Định đạt 99,79%. Trong đó, THPT đạt 99,95% và Giáo dục thường xuyên đạt 98,20%. Toàn tỉnh có 280 điểm 10, đặc biệt có 1 điểm 10 môn Ngữ văn.

Tại Bạc Liêu, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, toàn tỉnh có 5.216 thí sinh dự thi tại 12 điểm thi được bố trí tại các huyện, thị xã, thành phố. Theo công bố của Ban Chỉ đạo thi, có 5.190 thí sinh đủ điều kiện đỗ tốt nghiệp THPT năm 2020, đạt tỷ lệ 99,50%. Trong đó có 3 thí sinh được xét đặc cách (1 trường hợp do bị tai nạn giao thông trong khi đi thi và 2 trường hợp bị bệnh không thể tham gia kỳ thi).

Còn tại Đồng Nai, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 của học sinh Đồng Nai ở hệ THPT đạt 99,55%. Đây được xem là năm Đồng Nai có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao nhất từ trước đến nay, dù bị ảnh hưởng không nhỏ từ tình hình dịch COVID-19, kết quả năm nay tăng 12 bậc so với kỳ thi năm 2019.

Sau khi công bố điểm thi, Bộ GD&ĐT cũng đã lần đầu tiên công bố kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả học bạ theo hướng so sánh điểm trung bình của tổng 9 môn thi với điểm trung bình học bạ lớp 12 của tổng 9 môn học tương ứng, theo các môn thi thực tế mà mỗi học sinh lựa chọn. Đánh giá tổng quan, kết quả đối sánh giữa điểm trung bình học bạ và trung bình điểm thi là khá tốt.

Đáng chú ý, một số tỉnh ở vùng khó khăn có điểm thi thấp hơn điểm học bạ, khoảng chênh lệch giữa hai trường dữ liệu này cũng rộng hơn so với vùng thuận lợi.

Dù thi dễ nhưng cần giữ lại để học sinh chú tâm ôn tập

Sau khi kết thúc kỳ thi, với tỷ lệ đỗ cao kỷ lục cùng với đó là phổ điểm các môn, theo khối xét tuyển "đẹp như mơ" cũng khiến nhiều người lo lắng về một kỳ thi dễ dàng, thiếu đi tính phân loại để các trường đại học "tốp đầu" tuyển sinh.

Cũng giống như các kỳ thi trước, cũng có nhiều người đặt dấu hỏi, liệu có cần thiết phải giữ lại kỳ thi mang quy mô toàn quốc, có sự huy động của rất đông người tham gia, nhưng chỉ để loại khoảng 2% thí sinh, con số quá ít ỏi so với đông đảo thí sinh tham dự.

Dù còn nhiều băn khoăn về kỳ thi, song nhiều chuyên gia, quản lý giáo dục lại chỉ ra một thực tế về sự cần thiết để tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT làm động lực để học sinh cố gắng. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, phải tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nếu không tổ chức thi, học sinh sẽ chủ quan, không học tập. Trường hợp nếu chỉ xét tốt nghiệp bằng học bạ, cũng có thể dẫn đến tình trạng điểm học bạ tại một số vùng miền, trường học khác nhau do có sự ưu ái, thậm chí tiêu cực trong nâng điểm, "làm đẹp" học bạ. Do đó, không nên thay đổi kỳ thi đang ổn định.

Từ góc độ nhà trường, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoà (Hà Nội) cũng đồng tình về giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cô cho hay: "Nếu chúng ta không tổ chức kỳ thi thì không chỉ học sinh không có động lực học tập, mà các thầy cô cũng không nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng dạy và học.

Kết quả của mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ thể hiện qua điểm số mà bản thân các thầy cô, học sinh nỗ lực nhiều hơn trong học tập, thi cử. Mỗi giáo viên, học sinh đều được đánh giá đúng năng lực của mình thông qua kết quả kỳ thi. Do đó, cần thiết để giữ và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT".

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, qua 6 năm đổi mới thi, đánh giá, kỳ thi được hoàn thiện theo hướng năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2020, mặc dù khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng tiến trình đổi mới kỳ thi vẫn theo xu hướng tốt, kiên định, kỳ thi đã được tổ chức thành công. Bộ GD&ĐT cũng đã tiếp thu các ý kiến và cho rằng phương thức thi tốt nghiệp THPT cần giữ ổn định.

Kỳ thi năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020, vì vậy, học sinh, giáo viên và phụ huynh có thể yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi. Những năm tiếp sau, tinh thần là ổn định, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ vào kiểm tra, đánh giá cho phù hợp; thí điểm, tiến tới mở rộng hình thức thi trên máy tính.

Đồng thời, chú trọng phát triển ngân hàng câu hỏi phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Tại phiên họp toàn thể Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (ngày 23/9), lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin: Việc tổ chức kỳ thi sau năm 2020 cơ bản ổn định.

Bộ GD&ĐT tập trung chủ yếu vào 2 khâu: Ngân hàng đề thi và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Vì vậy, phương án tổ chức kỳ thi năm 2021 không có gì thay đổi cả về số môn thi, phạm vi kiến thức, cách thức tổ chức… giống như kỳ thi năm 2020. Dự kiến, đầu tháng 10, Bộ GD&ĐT sẽ công bố cụ thể phương án thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025.

Theo GiaDinh