Điểm mặt những phụ gia độc hại 'tiềm ẩn' trong thực phẩm

Để thực phẩm có mùi, vị, màu sắc hấp dẫn mà vẫn bảo quản được dài ngày, nhà sản xuất đã không ngần ngại để cho phụ gia thực phẩm vào.

Việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến và bảo quản thực phẩm không còn xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, không ít loại phụ gia bị cấm nhưng người sản xuất vẫn ngang nhiên sử dụng. Những phụ gia thực phẩm nguy hiểm này đang ngày ngày bủa vây mâm cơm mỗi gia đình.

Phụ gia thực phẩm Malachite green

Malachite green trước đây được dùng trong kháng sinh phòng bệnh cho thuỷ sản và nhuộm màu công nghiệp. Malachite green có khả năng gây ung thư khi thí nghiệm trên chuột và cấm sử dụng nghiêm ngặt, kiểm tra về dư lượng tại nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cấm sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản.

Điểm mặt những phụ gia độc hại 'tiềm ẩn' trong thực phẩm

Hàng loạt chất phụ gia độc hại bủa vây bữa cơm chúng ta hàng ngày. Ảnh: Trí thức trẻ 

Phụ gia thực phẩm Mono Natri Glutamate (bột ngọt, viết tắt E621)

Theo một báo cáo từ Trung tâm Y tế Arizona (Mỹ), bột ngọt thúc đẩy sự tăng trưởng và lan rộng các tế bào ung thư, có thể đẩy nhanh tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.

Nghiên cứu vào năm 2008 được công bố trên Tạp chí bệnh tự miễn dịch (Mỹ) còn cho thấy, bột ngọt dẫn đến béo phì và chứng viêm trong cơ thể, đặc biệt ở gan. Phụ gia này thường chứa trong các thực phẩm có nguồn gốc từ khoai tây chiên, các món ăn nhẹ, súp đóng hộp, bánh quy, thức ăn đông lạnh, thịt hộp. Loại phụ gia này sẽ kích thích các cơn đau nửa đầu, có nồng độ Natri cao, thường Natri sẽ chiếm 21%.

Phụ gia thực phẩm Acesulfame-K (viết tắt E950)

Acesulfame-K là chất làm ngọt nhân tạo, thường được sử dụng trong các loại nước giải khát và nhiều sản phẩm khác. Nghiên cứu được công bố vào năm 2008 của Cục Y tế Dự phòng Mỹ cho thấy, người sử dụng liên tục 10 năm thực phẩm chứa chất phụ gia này sẽ tạo cơ hội cho các khối u đường tiết niệu phát triển.

Phụ gia thực phẩm BHA (viết tắt E320)

Viện Quốc Gia Mỹ báo cáo, dựa trên các nghiên cứu từ động vật, BHA chính là chất tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh ung thư. BHA thường được tìm thấy trong khoai tây chiên, kẹo cao su, ngũ cốc, xúc xích đông lạnh, kẹo, chất béo dạng rắn. Loại phụ gia này có nguồn gốc từ dầu mỏ. 

Phụ gia thực phẩm Cyclamate (viết tắt E952)

Đây là chất ngọt nhân tạo đã bị cấm sử dụng ở Hoa Kỳ do khả năng gây ung thư. Người ta nghi ngờ cyclamate có thể làm tăng hoạt tính gây ung thư của những chất khác chứ không phải bản thân nó gây ra. Theo một báo cáo về cyclamate của Đại học Elmhurst (bang Illinois, Mỹ), cyclamate vẫn được sử dụng ở 55 quốc gia trên thế giới nên nếu đi du lịch đến những khu vực này bạn vẫn có khả năng ăn phải từ thực phẩm ở đây.

Chất bảo quản Propyl Gallate (E310)

Propyl Gallate là chất bảo quản thường thấy trong các loại dầu, kẹo cao su và sản phẩm từ thịt. Nó hoạt động giống như HBA và là chất có khả năng gây ung thư.

Phụ gia thực phẩm Kali Bromate

Chất phụ gia này thường chứa trong bánh mì, các loại bánh, khoai tây chiên. Chất này bị cấm sử dụng ở hầu hết các nước nhưng vẫn được sử dụng ở Hoa Kỳ. Loại chất này thúc đẩy sinh trưởng, phát triển các khối u ở thận và tuyến giáp.

Chất làm ngọt nhân tạo Saccharin

Saccharin là chất làm ngọt nhân tạo, thường được dùng trong các loại nước ngọt. Loại chất này có khả năng gây ung thư đường tiết niệu, bàng quang, ung thư buồng trứng.

Chất bảo quản Nitrit và Nitrates

Đây là những chất bảo quản để tăng cường màu sắc và hương vị cho các loại thịt chế biến, điển hình nhất là thịt xông khói. Thêm Nitrit và Nitrates vào thực phẩm sẽ khuyến khích sự hình thành các chất gây ung thư trong thực phẩm.

Chất tạo màu thực phẩm

Chất tạo màu thực phẩm, chẳng hạn như Xanh # 1, xanh # 2, vàng # 6 và đỏ # 3 được sử dụng nhiều trong nước ngọt, bánh nướng và kẹo. Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Cộng đồng công bố, cả 4 loại chất này đều chứa các thuộc tính gây ung thư.

Hàn the

Hàn the có tác dụng giòn, dai, giữ màu và bảo quản thực phẩm được lâu hơn. Hàn the gây ảnh hưởng tới tiêu hoá, hấp thu, chuyển hoá, ảnh hưởng không tốt tới chức năng thận với biểu hiện ăn mất ngon, giảm cân, tiêu chảy, động kinh, suy thận. Qua đường tiêu hoá hàn the gây nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau co cứng cơ, chuột rút vùng bụng, ban đỏ da và màng niêm dịch, sốc truỵ tim mạch, nhịp tim nhanh, hoang tưởng, co giật, hôn mê.

Trẻ em ăn 5g hoặc người lớn ăn 50gram axit boric có thể bị tử vong. Chính vì vậy, từ những năm 70 của thế kỷ trước người ta đã cấm không cho dùng hàn the trong chế biến thực phẩm.

Chất bảo quản Formaldehyde

Chất này có tác dụng diệt khuẩn, bảo quản, nhưng khi tiếp xúc nó gây kích ứng niêm mạc mắt, rối loạn tiêu hoá, chậm tiêu, gây loét dạ dày, viêm đại tràng, còn nặng gây kích thích đường hô hấp trên. Nếu tiếp xúc lâu dài hay với hàm lượng cao có thể gây tử vong. 

Theo VietQ