Dịch quay lại, dùng thảo dược phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng chú ý kiêng mùa, kiêng tuổi, kiêng giới, kiêng bệnh đúng cách

Dịch quay lại, kèm chuyển mùa, nóng nhẹ nhưng vẫn làm cơ thể khó chịu nên nhu cầu bổ sung nước uống thảo dược tăng cao. Các cây cỏ thảo dược đều tốt, nâng cao sức đề kháng cho sức khỏe... nhưng có những kiêng kị cần phải biết.

Một số kiêng kị và tránh lạm dụng trong Đông y

Nhiều loại cây cỏ, thảo dược quanh nhà được dùng làm nước uống dân gian bổ dưỡng cho sức khỏe. Theo nghiên cứu hiện đại, các cây cỏ này đều có tác dụng giải nhiệt, kháng khuẩn, tiêu viêm, nâng cao sức đề kháng… ở các mức độ khác nhau, nhất là ở nông thôn.

Lý do cây cỏ được dùng làm nước giải khát trong dân gian là nó có lợi cho sức khỏe, không chứa hóa chất độc hại, rẻ tiền, cơ thể rất dễ chấp nhận.

Thông dụng nhất là nước chè xanh, nước nụ/lá vối, nhân trần, la hán, nước chó đẻ răng cưa, rau má, chè vằng, nước mía, nước cỏ ngọt, nước râu ngô, nước cúc hoa, nước hoa hòe, nước quả dứa dại, nước mạch môn, nước đậu đen sao cháy, nước đủ các loại đậu, nước khổ qua, nước bí đao...

Tùy từng loại còn có các tác dụng riêng biệt như nước hoa cúc làm hạ huyết áp, nước hoa hòe làm bền vững thành mạch máu, nước râu ngô và dứa dại lợi tiểu và làm tan sỏi đường tiết niệu, nước mạch môn, rau má và đậu đen bảo hộ tế bào gan, nước nụ vối kích thích tiêu hóa...

Có thể dùng độc vị, hoặc phối vài vị thành trà tam bảo, ngũ bảo, bát bảo rất thơm ngon, hấp dẫn, tăng hiệu quả thanh nhiệt, giải độc, mát gan, nâng cao sức khỏe... mỗi mùa dịch bệnh.

dich-quay-lai-dung-thao-duoc-phong-benh-nâng-cao-suc-de-khang-chu-y-kieng-mua-kieng-tuoi-kieng-gioi-kieng-benh-dung-cach

Nước nhân trần. Ảnh minh họa.

Y học hiện đại cũng có ăn kiêng (như người bị bệnh xơ gan kiêng ăn dầu, mỡ, bia rượu; người bị viêm loét dạ dày kiêng đồ cay chua; người bị tăng huyết áp kiêng ăn nhiều muối...).

Y học cổ truyền cũng có nhiều kiêng kị để nước uống, đồ ăn có tác dụng tốt hơn. Những kiêng kị tùy đặc điểm, tính chất thể bệnh, thể chất tuổi giới, mùa và thời tiết... mà kiêng kỵ cho hợp lý. Cơ bản là để có sức khỏe tốt cần giữ được cân bằng âm dương, hàn nhiệt. Nếu mất cân bằng sẽ gây bệnh tật cho cơ thể.

Dù là nước, thực phẩm cần chú ý 2 kiêng kị chính: Kiêng kỵ theo nghĩa hẹp là chỉ khi bị bệnh thì nên ăn kiêng loại thức ăn nào; Kiêng kị theo nghĩa rộng là ngoài kiêng ăn theo bệnh tật còn phải kiêng ăn theo tuổi tác, thể chất, khu vực sinh sống, điều kiện thời tiết… thì thảo dược mới phát huy tối đa hiệu quả cho sức khoẻ.

dich-quay-lai-dung-thao-duoc-phong-benh-nâng-cao-suc-de-khang-chu-y-kieng-mua-kieng-tuoi-kieng-gioi-kieng-benh-dung-cach

Nước mía. Ảnh minh họa.

- Không nên dùng lâu một loại nước mát (kể cả thực phẩm) vì dù bổ dưỡng cũng ảnh hưởng không tốt cho cơ thể.

- Không nên uống các loại nước mát quá nhiều vào buổi tối.

- Nếu thể chất thuộc hàn không nên dùng các loại thảo dược thanh nhiệt sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tiêu chảy, mất tân dịch, chân âm hao tổn…

- Liều lượng vừa phải, tránh lạm dụng quá mức, đặc biệt đối với trẻ em, người già và những người tỳ vị hư yếu dễ bị lạnh bụng, đi lỏng. Nếu dùng cam thảo cho dễ uống thì tuyệt đối không dùng quá nhiều, thông thường mỗi ấm trà chỉ cho vài ba lát là dược.

- Người có bệnh huyết áp, tiểu đường, thận, bệnh lao phổi... hoặc phụ nữ đang có thai, nếu dùng hàng ngày, liên tục, phải hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

- Người mắc một số bệnh mãn tính không lạm dụng nước mát, bởi ngoài công dụng giải khát, làm mát phế, vị, lợi tiểu, hỗ trợ hạ nhiệt, hạ áp, an thần, dễ chịu... nó có thể tương tác với một số tân dược làm giảm tác dụng của thuốc chính. Hoặc dùng nhiều, dùng lâu dài thuốc có chất lợi tiểu có thể làm mất cân bằng điện giải, tăng đào thải, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như Ca, K…

- Sau khi ăn đồ sống lạnh thì nên giảm lượng các loại nước uống này để tránh gây rối loạn tiêu hóa.

- Tốt nhất là nên mua đồ tươi về nấu nước uống, hoặc phơi sấy khô, bảo quản cẩn thận để dùng dần. Tránh mùa hàng bị ẩm mốc, để quá lâu vì đã mất hoạt chất có lợi.

dich-quay-lai-dung-thao-duoc-phong-benh-nâng-cao-suc-de-khang-chu-y-kieng-mua-kieng-tuoi-kieng-gioi-kieng-benh-dung-cach

Rất nhiều thảo dược quanh ta được dùng làm nước uống thơm ngon. Ảnh minh họa.

- Khi dùng nước uống thảo dược, kể cả dùng thuốc Đông y, món ăn dược thiện... cần kiêng ăn quá no, quá nhiều và không nên dùng khi đói.

- Kiêng ăn thiên lệch (không nên ăn quá nhiều một thứ). Kiêng các thức ăn biến chất, thiếu vệ sinh.

- Kiêng phối hợp thực phẩm với thực phẩm (như cá diếc kỵ gan lợn và kinh giới, thịt gà kỵ mận, thịt dê kỵ dấm và bí đỏ...). Hoặc kiêng khi phối hợp thuốc và thực phẩm (như dùng nước thảo dược có Thục địa thì kiêng ăn cà rốt, hành và hẹ; Uống nước có cam thảo thì kiêng ăn rau cải; Uống thuốc có Thiên môn thì kiêng ăn cá chép...).

- Rễ cỏ tranh có tính hàn, chủ trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu... Nhưng người hư hỏa, phụ nữ mang thai không nên dùng.

- Nước lá dứa uống quá nhiều hằng ngày có thể gây hạ đường huyết;

- Cây thuốc dòi (bọ mắm) rất tốt chữa tiêu đờm, chữa ho, viêm họng/ phế quản, ho khan, tiêu viêm, thông tiểu, thông sữa… không dùng nhiều, đặc biệt phụ nữ có thai không nên dùng vì dễ gây sảy thai.

- Cây mía lau rất tốt để thanh nhiệt, hạ khí, trợ tỳ, kiện vị, tiêu đàm, trừ phiền, giải độc rượu, giải được các sức nóng của thuốc, họng sưng đau, hạ đường huyết, tân dịch bất túc, táo bón... Nhưng người ho do phong hàn (ho kèm đờm màu trắng) thì không nên dùng. Còn tuyệt đối tránh mía mốc, mía có mùi rượu vì ăn/uống có thể bị ngộ độc.

- Cây lá dứa dứa thơm (lá nếp) có thể ức chế tế bào ung thư vú. Nhưng dùng lượng lớn lá dứa hằng ngày có thể gây hạ đường huyết.

Ngoài những kiêng kị trên, còn có những kiêng kị theo thời tiết, bệnh, tuổi, thể chất... trong ăn uống hàng ngày như sau:

- Kiêng kị theo thời tiết: Mùa hạ dương khí vượng thịnh, thời tiết nóng bức nên kiêng các món tính nhiệt như thịt chó, thịt dê, ớt, hạt tiêu, gừng, quế, hồi...; Mùa đông lạnh giá kiêng các thức ăn có tính lạnh như cua, ốc, dưa hấu, dưa chuột, trai, hến...

- Kiêng kị theo thể chất: Người thể chất nhiệt kiêng các thức ăn quá cay nóng. Người thể hàn kiêng các thức ăn quá lạnh. Người đàm trệ kiêng đồ ăn thức uống quá béo bổ...

- Kiêng kị theo tuổi: Trẻ em nên kiêng đồ ăn thức uống sống lạnh vì dễ gây thương tổn tỳ vị, người già nên kiêng ăn thức ăn quá béo, quá ngọt hoặc quá mặn...

- Kiêng kị theo giới: Phụ nữ có thai nên kiêng các thức ăn có tính chất quá cay nóng, dễ kích thích hoặc quá sống lạnh, phụ nữ sau khi sinh con nên kiêng các thức ăn có tính lạnh...

- Kiêng kị theo bệnh: Người bị viêm loét dạ dày tá tràng và viêm đại tràng mạn tính thể Tỳ vị hư hàn nên kiêng ăn đồ sống lạnh; Người bị liệt dương thể âm hư, người hay bị mụn nhọt nên kiêng các thực phẩm có tính cay nóng như thịt chó, thịt dê, gừng, tỏi, rượu trắng...;

Ths. BS Hoàng Khánh Toàn

Theo GiaDinh