Địa ngục đằng sau cánh cửa các trại 'chữa bệnh đồng tính'

 Tưởng như đã được nhân loại công nhận, nhưng đâu đó trên thế giới này, vẫn còn những nơi xem sự tồn tại của người đồng tính là một tội ác.

Địa ngục đằng sau cánh cửa các trại

Nếu như điều bạn hình dung về cộng đồng LGBT là các đoàn diễu hành đầy tiếng cười hân hoan, là những con người sau rất lâu chờ đợi đã được công nhận khi sống với con người thật của mình – điều đó đúng, nhưng không phải tất cả.

Bức tranh toàn cảnh không hề đẹp đẽ như vậy: Rất nhiều thành viên LGBT đã không có được may mắn đó.

Đâu đây trên hành tinh đầy yêu thương và tình người - hàng ngàn trại cải tạo dành cho người đồng tính và chuyển giới được bí mật mở ra bởi sự lỏng lẻo của luật pháp và niềm tin lầm lạc của nhiều người.

Địa ngục trần gian có thật của thế kỉ 21: nơi con người vùi dập khao khát chân chính của nhau

Những trung tâm được coi là sẽ chữa khỏi "bệnh đồng tính" mọc lên vô số xuyên suốt trên đất nước Ecuador, chúng chẳng còn là điều gì xa lạ. Và đây lại không phải là quốc gia duy nhất. Nỗi kinh hoàng đó giờ đã trở thành một vấn nạn toàn cầu: Mexico, Brazil, Trung Quốc, Nga, Columbia thậm chí châu Âu và nước Mĩ.

Nếu bạn không hiểu người ta có thể "chữa" được bản chất của một ai đó như thế nào, thì câu chuyện này cũng chính là câu trả lời. Từ khi bị đưa vào các trại giam, quản giáo sẽ tra tấn đến bao giờ bạn trở nên "bình thường" như họ muốn.

Sự dã man của những tổ chức này đáng ra phải bị phanh phui, tẩy chay nhưng không. Dưới vỏ bọc là cơ sở cai rượu, cai thuốc phiện, "bệnh nhân" cũ đi ra lại có "bệnh nhân" mới đi vào. Thậm chí nhiều bác sĩ còn cho thuê bằng, mượn tên tuổi,… để làm giấy phép hoạt động, nên khả năng "đánh sập" chúng là rất khó.

Và đắng cay nhất, hầu hết "bệnh nhân" của các trung tâm này đều do bị bắt hoặc đánh thuốc mê bởi chính người nhà và bạn bè của mình. Bất chấp nỗi sợ hãi của nạn nhân, không ít gia đình đã đẩy con vào địa ngục trần gian, với khoản phí không hề ít ỏi: 500 – 800 USD (khoảng 11 - 17 triệu VND) mỗi tháng.

Có gì trong các trại cải tạo dành cho người đồng tính?

Có tất cả mọi thứ - trừ tình người. Tại đây, "bệnh nhân" phải làm đủ mọi thứ việc, bị tra tấn tinh thần nặng nề và buộc phải chịu đựng điều kiện sống hết sức tồi tệ. Họ phải ăn những thứ ôi thiu, bị ép uống một đống thuốc mà chính họ cũng chẳng biết tên.

Họ chỉ tự cảm nhận được rằng một vài loại gây ra mất ngủ, và thậm chí là mất trí nhớ.

Những viên thuốc không tên đáng sợ

Công việc của người bệnh cơ bản là làm vệ sinh mỗi ngày cho trung tâm. Họ phải đảm bảo không còn một cọng tóc hay vết bẩn còn sót lại. Nếu có sai sót thì dù là nhỏ nhất, họ sẽ phải cọ rửa bồn cầu bằng tay không, đừng trông chờ ngoại lệ.

Hơn nữa, để tránh sự xao nhãng gây mất thời gian, không ai được phép nói chuyện bằng bất kỳ hình thức nào. Nếu chẳng may bị bắt gặp đang viết giấy truyền cho nhau, nạn nhân sẽ bị nhốt một mình trong "phòng trị liệu", hoặc phải quỳ trên nền đất, chìa tay đỡ hai chồng sách rất nặng.

Trong thời gian phạt, cô gái không được phép nhúc nhích, trong khi sách ngày một nhiều lên

Ngoài thời gian lao động khổ sai, trung tâm luôn có riêng "bài tập" để dạy lại cho bệnh nhân cách hành xử thế nào mới đúng với giới tính của mình. Đặc biệt với nữ giới (chủ yếu là nữ chuyển giới nam), các bài tập thực sự rất khủng khiếp.

Bước đầu, họ phải trông như những phụ nữ đích thực. Và thế là hàng sáng, dưới sự giám sát của quản giáo, mỗi người phải tự trang điểm theo tiêu chí được dạy, bao giờ đạt thì mới thôi.

Sau đó, từ trang phục, đôi giày,… cho đến bước đi, cử chỉ, hành động đều được rèn giũa chỉn chu sao cho thật điệu đà, nữ tính.

Bước đi phải thực chỉn chu

Nhưng nghiêm trọng hơn, các nạn nhân còn bị bạo hành tình dục bằng đủ mọi hình thức, thậm chí là bị hiếp dâm bởi những gã đàn ông làm việc ở đây.

Sống dở chết dở ở nơi mà mọi giới hạn của đạo đức đều vô nghĩa, bị đối xử bằng sự tra tấn và nhục mạ, không ít tù nhân đã có ý định tự tử. Nhiều người nhịn ăn để cái chết giải thoát cho họ, nhưng đâu có đơn giản như vậy.

Kẻ bướng bỉnh sẽ bị ném vào góc phòng rồi bị tra tấn bằng đòn roi, bởi những cú đá trời giáng. Hoặc nếu không, họ sẽ bị ép phải uống một thứ dung dịch nhầy nhớt rất kinh khủng.

Họ thậm chí còn bị hiếp dâm
Theo phỏng đoán, trong đó có lẽ gồm cà phê, nước clo và… giấy vệ sinh

Cùng đường, kẻ bị phạt chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài chịu đựng. Trong khi đó, những bệnh nhân khác phải đứng xung quanh, chứng kiến điều gì sẽ xảy ra nếu như họ phản kháng.

Rồi nhiều khi, họ bị tra tấn chẳng vì lí do gì - có lẽ đơn giản do bản chất là những con người "méo mó và lệch lạc" – họ phải bị trừng phạt chăng?

Ngày qua ngày, cuộc sống trong trại cải tạo cứ lặp đi lặp lại với một kịch bản duy nhất: bị quản giáo mắng chửi và thuyết giáo về "tội lỗi" của mình đối với gia đình; bị trói chặt chân tay và ném vào bồn tắm đầy nước đá, bị nhắc nhở rằng đồng tính là "bất thường", và phải được "chữa trị".

Tưởng như ban đêm là khoảng thời gian duy nhất được yên ổn, họ lại bị tra tấn bởi sự tủi thân, bởi đau đớn, bởi phải nghe tiếng gào thét của những người vẫn còn bị đánh hoặc chích điện.

Niềm vui nhỏ duy nhất trong cuộc sống tù túng và ngột ngạt chính là chút quà vặt cuối tuần, là lúc mọi người được quây quần xem phim cùng nhau.

Dưới những đau đớn tột cùng cả về thể xác lẫn tinh thần, họ bị vắt kiệt sức lực và lối thoát duy nhất: ngoan ngoãn nghe lời để được công nhận đã "khỏi bệnh".

Vậy, kết quả của chuỗi ngày này rồi sẽ thế nào? Bị phủ nhận, bị chối bỏ, đày đọa, chẳng một ai còn lành lặn, tỉnh táo.

Các nạn nhân phần lớn đã tự tử ngay trong trại giam, một số rất ít "trở lại bình thường" và mang theo những ám ảnh khủng khiếp, bị trầm cảm hoặc rối loạn thần kinh nghiêm trọng.

Kết

Điều duy nhất chúng ta có thể làm đó là trân trọng lẫn nhau, cùng chung tay thay đổi thế giới. Mọi điều vĩ đại điều xuất phát từ nhiều việc nhỏ bé. Cuộc sống thường không chật hẹp trong những ngôi nhà, trên những con đường, góc phố, mà chính trong những định kiến và suy nghĩ của con người.

Hãy cởi mở hơn, cảm thông hơn với thế giới xung quanh ta – ai cũng có thể làm như vậy mà. Để rồi "Một ngày nào đó chúng ta không còn phải thừa nhận mình là người đồng tính, chúng ta chỉ cần nói rằng tôi đang yêu và đó là tất cả những gì quan trọng".

*Bộ ảnh được dựng lại theo lời kể của nạn nhân cũ tại trung tâm, thực hiện và chụp bởi ekip và nhiếp ảnh gia đồng tính người Ecuador – Paula Paredes.

Theo Tri Thức Trẻ