Đi xe máy khi đã uống 2 lon bia, nguy cơ tai nạn giao thông tăng gấp 40 lần

100 người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia, 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu hơn 50mg/100 ml máu

Chia sẻ tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, được Bộ Y tế tổ chức vào chiều 6/5, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, nghiên cứu trên 100 người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức cho thấy, 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu hơn 50mg/100 ml máu - giới hạn tối đa của quy định.

"Đa số là tai nạn nghiêm trọng, có 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau tai nạn" - bà Trang cho biết.

di-xe-may-khi-da-uong-2-lon-bia-nguy-co-tai-nan-giao-thong-tang-gap-40-lan

Rượu bia làm chậm phản ứng khoảng 10-30%

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu bia làm chậm phản ứng khoảng 10-30%, đồng thời làm hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, hạn chế khả năng nhận biết các vật từ xa, tầm nhìn ban đêm có thể giảm tới 25%.

Thậm chí, người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50mg/dl (tương đương với 2 lon bia 330ml) có nguy cơ tai nạn giao thông tăng gấp 40 lần so với người không uống.

Tác hại của rượu bia không chỉ gây ra hậu quả đối với sức khoẻ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, nhất là làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông.

Tổng chi phí y tế cho điều trị 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú, cổ tử cung) gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017.

Ngoài ra, chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm 1% GDP, tương đương 50.000 tỷ đồng.

So với khu vực, hậu quả xã hội của sử dụng rượu bia ở Việt Nam luôn ở mức cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia của Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Đến nay, mới có Nghị định số 105 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244 năm 2014 về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại do lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

Bộ Y tế cho rằng phải khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý với những quy định đủ mạnh để kiểm soát tác hại do sử dụng rượu bia gây ra.

Mới đây, trong cuộc họp báo Chính phủ tháng 4/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay, quan điểm Bộ Y tế được Chính phủ đồng tình là chúng ta cần quan tâm đến nội dung là làm thế nào để kiểm soát được rượu bia.

Hai nội dung về quản lý quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia đã được đưa ra tại dự thảo cuối cùng. Nội dung này Bộ Y tế cũng đã báo cáo Chính phủ và ngày 22/4 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký văn bản.

Ngày 3/5 lãnh đạo Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo với cơ quan chức năng, Quốc hội đề nghị giữ lại 2 nội dung kiểm soát quảng cáo rượu bia và giờ bán rượu bia.

Cụ thể, theo dự thảo, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án quy định về thời gian bán rượu, bia.

Phương án 1 là chỉ được bán từ 11-14 giờ và từ 17-22 giờ hàng ngày. Phương án 2 là chỉ được bán từ 6-22 giờ (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch).

Với phương án 3, thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tác hại của rượu, bia.

Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và đang được tiếp tục hoàn thiện. Dự kiến dự thảo sẽ tiếp tục được trình Quốc hội trong kỳ họp lần thứ 7 diễn ra vào tháng 5.

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 36 điều, quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo GiaDinh