Deltacron - biến chủng lai giữa Delta và Omicron có nguy hiểm?

Ngày 9.3, Reuters đưa tin phiên bản lai Deltacron kết hợp gien của biến thể Delta và Omicron đã được xác định ở ít nhất 17 bệnh nhân tại Mỹ và châu Âu.

Mới đây, Cơ quan An ninh Y tế Anh thông báo, tuần vừa qua giới chức y tế nước này đã chính thức giám sát biến chủng lai giữa hai biến thể Delta và Omicron có tên gọi Deltacron sau khi ghi nhận một bệnh nhân nhiễm biến thể này.

TTXVN dẫn tin từ tờ Mirror cho biết, Deltacron được cho là xuất hiện ở bệnh nhân đã nhiễm cả 2 biến thể Delta và Omicron cùng một lúc, tuy nhiên hiện chưa rõ việc đột biến xảy ra đầu tiên tại Anh hay ở nước khác.

deltacron-bien-chung-lai-giua-delta-va-omicron-co-nguy-hiem

Nước Anh đã ghi nhận một ca nhiễm biến chủng lai giữa Delta và Omicron có tên gọi Deltacron. Ảnh minh họa 

Trong khi đó, tờ The Connexion của Pháp ngày 10.3 đưa tin Pháp đã phát hiện và xác nhận 10 ca nhiễm biến thể lai Deltacron. Biến thể này được cho là đã lây lan từ hồi tháng 1, nhưng tác động của nó như thế nào đến giờ vẫn là một điều chưa rõ ràng.

Trong một tài liệu được công bố vào tuần trước, Cơ quan y tế công cộng Pháp - Santé Publique France (SPF) cho biết: “Ở thời điểm này rất khó để dự đoán các đặc điểm của Deltacron sẽ như thế nào so với các biến thể mà nó bắt nguồn cũng như ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe cộng đồng nếu nó lan rộng ra toàn quốc”.

Vào tháng 1 vừa qua, Giáo sư Leondios Kostrikis, thuộc Đại học Cyprus, tuyên bố đã xác định được đột biến mới này của SARS-CoV-2 (vi rút gây bệnh Covid-19) bằng cách phân tích các mẫu lấy từ dân số chung và bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Tuy nhiên sau đó, một số chuyên gia lên tiếng nghi ngờ về sự tồn tại của cái gọi là “Deltacron”, họ tin rằng biến thể lai chỉ là kết quả của sự nhiễm bẩn trong quá trình giải trình tự gien.

Philippe Colson, nhà khoa học thuộc Viện các bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Marseille (IHU Méditerranée Infection, Pháp), tác giả chính của một báo cáo đăng hôm 8.3 trên medRxiv, cho biết: Vì số trường hợp được xác nhận còn ít nên hiện vẫn quá sớm để biết liệu Deltacron sẽ lây lan nhanh hay gây bệnh nặng hay không. Báo cáo của ông mô tả 3 bệnh nhân ở Pháp bị nhiễm một phiên bản SARS-CoV-2 kết hợp protein đột biến từ một biến thể Omicron với "cơ thể" của một biến thể Delta.

deltacron-bien-chung-lai-giua-delta-va-omicron-co-nguy-hiem

Phát hiện 1 số bệnh nhân nhiễm biến thể lai Deltacron

Trong khi đó, 2 trường hợp nhiễm Deltacron khác được phát hiện ở Mỹ, do Công ty nghiên cứu di truyền học Helix công bố và đệ trình cho medRxiv. Các nhóm nghiên cứu khác đã báo cáo thêm 12 trường hợp nhiễm Deltacron ở châu Âu kể từ tháng 1 - tất cả đều có điểm chung: tăng đột biến Omicron và mang “cơ thể” Delta.

Theo Reuters, sự tái tổ hợp di truyền của SARS-CoV-2 ở người được ghi nhận xảy ra khi hai biến thể lây nhiễm vào cùng một tế bào chủ. Về vấn đề này, chuyên gia Philippe Colson nói rõ hơn: “Trong đại dịch Covid-19, hai hoặc nhiều biến thể đã cùng lưu hành trong cùng một khoảng thời gian và ở cùng khu vực địa lý. Điều này tạo cơ hội cho sự kết hợp lại giữa hai biến thể”.

Các nhà khoa học nhận định các biến thể đáng lo ngại trong tương lai có thể ẩn náu trong các bệnh nhân ngày nay. Nhiều hạt vi rút bên trong người nhiễm bệnh có thể bao gồm một số hạt bị đột biến, những hạt đột biến này có thể là xuất phát ban đầu của các biến thể quan trọng về sau.

Phân tích kỹ lưỡng các hạt vi rút thu được từ 10 người nhiễm biến thể Alpha ở Tây Ban Nha vào tháng 4.2021, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số hạt đột biến giống với biến thể Omicron hiện nay (điều này lúc đó đã không được khẳng định cho đến 7 tháng sau).

Biến thể Deltacron có đáng ngại?

Các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để lo lắng về Deltacron. So với các biến thể trước đó, chẳng hạn như Delta và Omicron, biến thể mới này dường như không dễ dàng lan truyền - theo Giám đốc khoa học William Lee tại Helix.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, cho biết ở những nơi phát hiện Deltacron, tỉ lệ tìm thấy là rất thấp.

Hiện tại, WHO vẫn chưa nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong dịch tễ học. Và liên quan đến Deltacron, bà Van Kerkhove cho rằng: "Chúng tôi không thấy bất kỳ sự thay đổi nào về mức độ nghiêm trọng. Nhưng nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiến hành".

Đồng tình với quan điểm này, nhà dịch tễ học William Hanage tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan nói: ''Nó chỉ là một biến thể nếu nó tạo ra một số lượng lớn các ca nhiễm. Nếu nó không gây ra nhiều ca nhiễm, mọi người không cần quan tâm".

Tại sao biến thể Deltacron lại được chú ý? 

Thông thường, các đột biến xảy ra đều đặn cho đến khi một đột biến đủ mạnh để trở thành một biến thể mới. Trong trường hợp này, có nhiều đột biến khác nhau xảy ra, có lẽ là một phương thức để tiếp tục sinh tồn của Delta giữa làn sóng Omicron. 

Ông Lee nói: “Trong một vài tuần, các trường hợp đồng nhiễm có thể xảy ra thường xuyên hơn chúng ta tưởng, bởi vì chúng có thể khó phát hiện".

Mọi người có thể không cần lo lắng về Deltacron, trong khi đó, các nhà nghiên cứu có thể học hỏi từ sự tiến hóa của biến thể mới nhất này.

“Đó là một hiện tượng thú vị, và nó giúp chúng ta hiểu thêm về cách thức tiến hóa của virus và cách mà đại dịch tiếp tục kéo dài” - ông Lee cho hay.

Và từ đây, thúc đẩy nhu cầu giám sát liên tục để xác định các biến thể tiềm ẩn cần quan tâm như một phần của hệ thống cảnh báo sớm, theo dõi các xu hướng virus mới bao gồm COVID-19, cúm và các virus khác, ông Lee nói.

Chuyên gia Van Kerkhove của WHO cho rằng, việc xét nghiệm và nghiên cứu liên tục về loại virus này là rất quan trọng.

Theo VietQ