Đề nghị 'xóa sổ' mũ bảo hiểm lưỡi trai

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị bỏ ngay chữ mũ bảo hiểm lưỡi trai trong hồ sơ kiểm định

Ngày 9/10, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết theo nghiên cứu từ Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và Đại học Y tế công cộng, chỉ 10,1% số mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn khi thử nghiệm va đập.

Còn lại 89,9% số mũ được nghiên cứu không đủ khả năng bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ chấn thương sọ não nếu không may xảy ra tai nạn giao thông.

Các khảo sát được thực hiện tại TP.HCM và Thái Nguyên với hơn 500 trường hợp. Đặc biệt, có gần 26% số mũ được khảo sát là mũ dạng lưỡi trai với lớp vỏ nhựa mỏng, không có lớp xốp bảo vệ phần đầu của người sử dụng.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, đây không được xem là mũ bảo hiểm cho người đi xe máy theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm.

de-nghi-xoa-so-mu-bao-hiem-luoi-trai

Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn giúp giảm tỷ lệ tử vong 40-42% và giảm tỷ lệ thương tật nặng tới 69% trong trường hợp gặp tai nạn. Ảnh: H.N.

“Tôi đề nghị phải bỏ ngay chữ mũ bảo hiểm lưỡi trai trong hồ sơ kiểm định. Không có thuật ngữ nào là mũ bảo hiểm lưỡi trai cả. Tại sao cứ ngã xuống đường thì đa số là chấn thương đầu, số người không bị chấn thương rất ít”, ông Hùng nói.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết kết quả trên đã phản ánh một phần thực trạng sử dụng mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn hiện nay. Ông cho rằng dù số lượng mũ khảo sát còn ít nhưng cũng đủ để đặt ra vấn đề về tình trạng mũ bảo hiểm trên thị trường.

Lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia cũng cho biết sẽ soạn dự thảo, xin ý kiến của các cơ quan chức năng trong đó có Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Công Thương, Bộ Công an để đưa vào quy định đúc nổi dòng chữ “Mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy” trên mũ.

Ông lý giải việc này sẽ giúp CSGT dễ nhận thấy khi xử lý vi phạm về mũ bảo hiểm; ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng và trên hết là đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo Điều 3, Điều 4, Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT thì mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông phải đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Có cấu tạo đủ 3 bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.

2. Có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu sau:

Mũ bảo hiểm có kiểu dáng theo hình 1 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN.

Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không quá 70 mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn.

Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai cứng tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không được lớn hơn 50 mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn.

Trường hợp mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20 mm.

3. Đã được chứng nhận hợp quy, công bố phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2 : 2008/BKHCN ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN.

Theo Zing