ĐB Dương Trung Quốc nói về cụ bà hiến 5.000 lượng vàng

Theo Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, việc tôn vinh cụ Hoàng Thị Minh Hồ - người vừa qua đời là tôn vinh cả một thế hệ. Đặt tên đường phố nên đặt tên là ông bà Trịnh Văn Bô bởi người ta vẫn quen cách đọc ngày xưa là nói tên chồng.

db-duong-trung-quoc-noi-ve-cu-ba-hien-5-000-luong-vang

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ vừa qua đời đêm 5.11, hưởng thọ 104 tuổi. Ảnh I.T.

Sáng 8.11, trao đổi với Dân Việt bên hàng lang Quốc hội về trường hợp cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, người đóng góp hơn 5000 lượng vàng cho cách mạng, Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: Việc đóng góp hơn 5.000 lượng vàng của gia đình cụ Trịnh Văn Bô là điển hình của thời kỳ lịch sử mà ở đó Nhà nước và người dân tạo được lòng tin với nhau.

Lòng tin này không phải ở một chiều, điều quan trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là phải có tín tâm.

Câu này bắt đầu từ khi Hồ Chủ tịch đi giám sát công tác chuẩn bị chiến đấu của Hà Nội chống thực dân Pháp vào năm 1946. Bác hỏi mọi người chúng ta có thể giữ được Hà Nội không?

Mọi người đều thể hiện quyết tâm nhưng Cụ Hồ nói quyết tâm không chưa đủ mà phải tín tâm.

Quay trở lại câu chuyện lịch sử, năm 1945, Cụ Hồ lần đầu tiên từ chiến khu về Hà Nội đã chọn nhà giàu nhất, ở phố giàu nhất để làm căn cứ, lấy chỗ làm việc.

Một thời gian sau đó mới chuyển đi nơi khác. Điều đó cho thấy Cụ Hồ có lòng tin vào người dân cho dù người dân đó là tư sản. Vấn đề này, Cụ Hồ rất tế nhị không gọi là tư sản mà gọi là nhà công thương, tức là những người hoạt động trên lĩnh vực kinh tế nào đó.

Trong những ngày đầu Cách mạng thành công, lực lượng xã hội mà Cụ Hồ tiếp xúc đầu tiên là đồng bào thiểu số, một số chức sắc tôn giáo và các nhà công thương.

Điều đó cho thấy, Người có niềm tin với lòng yêu nước của họ và họ đáp lại bằng niềm tin sẵn sàng đóng góp cho đất nước. Vì thế, khi cụ Hồ thành lập Quỹ Độc lập mời các nhà công thương, ngay sau đó là tuần lễ vàng diễn ra.

Trường hợp đóng góp cho cách mạng của gia đình cụ Trịnh Văn Bô là điển hình. Không phải chỉ vì số lượng của cải gia đình cụ đóng góp (hơn 5000 lượng) mà họ còn cưu mang những người cách mạng.

Cụ đã dành nhà ở của mình để thành di tích lịch sử, điều này rất đáng ghi nhận. Khi biểu dương cụ Hoàng Thị Minh Hồ, chúng ta cần biểu dương các nhà công thương có đóng góp lúc đó.

Trường hợp vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô là người đi đến cùng trong cuộc cách mạng, mặc dù sau này chúng ta có các chính sách chưa thực sự đúng với họ... nhưng họ vẫn giữ được niềm tin, tư cách, không bất mãn, không gì cả.

Việc tôn vinh cụ là tôn vinh cả một thế hệ. Đặt tên đường  phố nên đặt tên là ông bà Trịnh Văn Bô. Cụ bà tên là Hoàng Thị Minh Hồ nhưng người ta vẫn quen cách đọc ngày xưa là nói tên chồng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông là người gần gũi cụ Hoàng Thị Minh Hồ, gia đình ông với gia đình cụ Minh Hồ cùng trên tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường.

Trước đây cùng tuyến phố ai cũng đều biết nhau cả. Mẹ ông Quốc kém cụ Minh Hồ khoảng 10 tuổi, cách đây 2 năm, ông đưa mẹ đến thăm cụ Minh Hồ.

Các cụ vẫn giữ được nếp sống ngày xưa là cổ điển nhưng chân thành, đặc biệt là giữ chữ tín, phẩm chất tốt đẹp nhất của nhà công thương.

Ngọc Lương

Theo Dân Việt