Dâu tây Trung Quốc 22 ngày không hỏng, chất độc được phát hiện nguy hiểm tới mức nào?

Hoạt chất Abamectin vừa được phát hiện có trong dâu tây Trung Quốc nhập trái phép vào Đà Lạt có tác dụng đặc trị thối nhũn, héo rũ, héo xanh, thối trái, sẹo trái.

Hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt 3 lần giới hạn cho phép

Vào ngày 24/7, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP.Đà Lạt phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra hành chính xe tải biển số 60C-434.88 do tài xế N.T.H (43 tuổi, quê Hà Tĩnh) điều khiển, phát hiện khoảng 2 tấn quả dâu tây.

Người đàn ông tên là P.T.S (29 tuổi, ngụ TP.HCM) xuất hiện, nhận là chủ hàng. Ông P.T.S khai chuyên bán dâu tây trên mạng xã hội, đã mua lô dâu tây này với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg để bán lại. Tuy nhiên, hóa đơn chứng từ mà ông P.T.S xuất trình lại thể hiện tên chủ hàng là Nguyễn Thị Nhung, dâu được nhập từ cửa khẩu ở Lào Cai với số lượng 10 tấn vào ngày 2/7, giá chỉ có 5.000 đồng/kg.

Gần 2 tấn dâu Trung Quốc đựng trong 123 thùng xốp được vận chuyển vào Lâm Đồng bằng đường hàng không, từ Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) qua Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) rồi đến Cảng hàng không Liên Khương. Sau đó, chủ hàng thuê xe tải tiếp tục chở dâu lên TP. Đà Lạt.

dau-tay-trung-quoc-22-ngay-khong-hong-chat-doc-duoc-phat-hien-nguy-hiem-toi-muc-nao

Lực lượng chức năng thu giữ dâu tây Trung Quốc nhập trái phép vào Đà Lạt. Ảnh: báo Người lao động

Theo giấy tờ chủ hàng xuất trình, số dâu tây này đã được nhập khẩu hơn 22 ngày. Thế nhưng khi cơ quan chức năng khui các thùng xốp để kiểm tra, quả dâu vẫn tươi như mới hái ngoài vườn.

Mặc dù chủ hàng đã xuất trình giấy kiểm định an toàn thực phẩm nhưng trước hiện tượng lạ lùng này, cơ quan chức năng TP.Đà Lạt vẫn lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm

Ngày 30/7, đại diện Phòng Kinh tế TP. Đà Lạt cho biết, đơn vị này nhận được kết quả xét nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của lô hàng mà công an bắt giữ trước đó trên địa bàn.

 Cụ thể, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Lâm Đồng) thông báo, qua phân tích 60 chỉ tiêu quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm, 1 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật là Abamectin có kết quả 0,063 mg/kg. Kết quả xét nghiệm này vượt gấp 3 lần giới hạn cho phép.

Hoạt chất Abamectin nguy hiểm tới mức nào?

Được biết, hoạt chất Abamectin có tác dụng đặc trị thối nhũn, héo rũ, héo xanh, thối trái, sẹo trái. Hoạt chất này thuộc nhóm độc II, thời gian cách ly tương đối dài (khoảng 7 ngày). Tuy đã được đăng kí phòng trừ sâu hại trên cây trồng nhưng hoạt chất Abamectin không có trong Danh mục các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật khuyến cáo lựa chọn để sử dụng trên rau an toàn khi cần thiết.

Theo ông Lại Thế Hưng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt BVTV Lâm Đồng, hoạt chất Abamectin được xếp vào nhóm độc 2.

Tại Việt Nam, Abamectin không được sử dụng cho các loại rau củ quả. “Vì là độc nên nếu như sử dụng quá liều lượng và tùy theo người sử dụng ăn nhiều hay ít, tích lũy ra sao sẽ gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Nếu cơ thể tích lũy nhiều sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, hệ thần kinh và tùy tiếp xúc có thể gây kích thích da và mắt”, ông Hưng nói.

dau-tay-trung-quoc-22-ngay-khong-hong-chat-doc-duoc-phat-hien-nguy-hiem-toi-muc-nao

Quả và lá dâu tây còn tươi như mới hái dù không được bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn 22 ngày (tính từ ngày nhập khẩu). Ảnh: báo Tuổi trẻ

Làm sao để phân biệt dâu tây Trung Quốc và Đà Lạt

Theo ông Lại Thế Hưng, phân biệt dâu tây Trung Quốc và dâu tây Đà Lạt bằng trực quan có thể qua một số đặc điểm cơ bản như: dâu tây Trung Quốc quả to và độ đồng đều nhiều hơn, trong khi dâu tây Đà Lạt quả to vừa phải và không đồng đều; quả dâu Trung Quốc mịn và có độ cứng hơn, dâu tây Đà Lạt mềm và không mịn bằng; màu sắc của dâu tây Trung Quốc rất đẹp, chủ yếu là màu đỏ sậm, còn dâu tây Đà Lạt đỏ không đồng đều, sậm màu ở thân và phần cuống hơi trắng; phần đài quả (phủ cuống) của dâu tây Trung Quốc dài và có màu xanh đậm, không có màu trắng đan, dâu tây Đà Lạt thì mỏng, ngắn, phủ một phần trên trái dâu, màu xanh nhạt.

Ngoài ra, mùi vị của 2 loại dâu này cũng không giống nhau. Dâu tây Đà Lạt có mùi thơm đặc trưng, khi ăn có cảm giác mềm, dai và có vị chua thanh; dâu tây Trung Quốc không có mùi thơm như vậy, khi ăn có cảm giác bở và không có vị chua thanh mà là vị ngọt.

Nhiều nông sản Trung Quốc “khoác áo” Đà Lạt

Trung tá Nguyễn Thế Nhật, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm kinh tế Công an Đà Lạt, cho hay, đơn vị vừa chặn bắt chiếc xe tải chở các loại trái cây Trung Quốc không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, tạm giữ hơn 660 kg đào, lê, mận, xoài và nho. Tài xế Đ.D.H (trú phường 9, Đà Lạt) khai chở thuê cho chủ hàng Đ.T.H, cũng ngụ ở phường 9.

Theo lãnh đạo cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt, không chỉ trái cây, nhiều loại nông sản khác như khoai tây, cà thảo, cải thảo, bắp cải và các loại mứt giá cực rẻ của Trung Quốc cũng được tuồn lên Đà Lạt. Sau khi được “mông má”, “mượn hơi" rau quả, đặc sản Đà Lạt, hàng Trung Quốc sẽ được đưa ra chợ hoặc chuyển đi các tỉnh thành khác để bán với giá cao.

“Nếu để nguyên nhãn mác, hàng Trung Quốc để khách tự quyết định mua hay không đi một lẽ, đằng này, các gian thương đều nhập nhằng bỏ xuất xứ Trung Quốc nhằm trà trộn, giả đặc sản Đà Lạt, lừa dối khách hàng. Gian thương có nhiều thủ đoạn đối phó tinh vi nên việc bắt quả tang rất khó khăn.

Do đó du khách, nhà vườn và những người kinh doanh chân chính hãy mạnh dạn tố giác các hành vi gian lận thương mại để cơ quan công an điều tra xử lý”, Trung tá Nguyễn Thế Nhật nói.

Theo VietQ