Đầu năm, ngân hàng công bố lãi suất gửi tiền lên tới 12,4%/năm

Các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động 0,3 - 0,5%/năm so với cùng kỳ năm ngoái để hút tiền gửi trong dân ngay sau ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ngân hàng công bố mức lãi suất huy động cao nhất lên tới 12,4%/năm.

dau-nam-ngan-hang-cong-bo-lai-suat-gui-tien-len-toi-12-4-nam

Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn trong dân ngay từ ngày giao dịch đầu xuân Nhâm Dần 2022 - Ảnh: H.HƯNG

Hôm 7-2, ngày đầu tiên giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các ngân hàng đều áp dụng chương trình ưu đãi hấp dẫn như tăng lãi suất huy động, tặng quà, lì xì may mắn cho khách hàng để thu hút lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân.

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khách hàng nhận được lãi suất cao nhất lên tới 12,4%/năm với kỳ hạn 12 tháng khi gửi tiết kiệm Prime Savings trên ngân hàng số VPBank Neo. Đây là mức lãi suất cao kỷ lục tại VPBank và các ngân hàng khác tại thời điểm này.

Với Prime Savings, lãi suất tiền gửi được nhân đôi trong tháng đầu tiên. Tuy nhiên, với điều kiện khách hàng phải gửi tối thiểu là 10 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm tiết kiệm này chỉ áp dụng cho khách hàng chưa có tiền gửi online hoặc khách hàng mới trong vòng 3 tháng tính từ thời điểm gửi tiền.

Còn tùy theo kỳ hạn và sản phẩm tiết kiệm khác, lãi suất huy động tại VPBank có nhích lên 0,5% - 0,7%/năm so với cùng kỳ năm trước. Còn so với cách đây 1 tháng, lãi suất nhích lên 0,2 - 0,3% tùy theo kỳ hạn. Đơn cử, tiền gửi online kỳ hạn 12 tháng được niêm yết lãi suất 6,2%/năm, còn gửi 6 tháng là 5,5%/năm.

Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), lãi suất gửi tiết kiệm online cao hơn 0,8%/năm so với gửi tại quầy. Theo bảng lãi suất mà MSB đang niêm yết, lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất là 5,6% cho kỳ hạn 12 tháng; còn 5 - 5,3%/năm cho kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng.

Cũng để hút lượng tiền gửi sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất tiền gửi 0,2 - 0,5%/năm kể từ ngày 7-2. Theo đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Techcombank là 5,8%/năm với kỳ hạn 36 tháng; tiếp đến là mức 5,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Đối với VietinBank, khách hàng gửi tiết kiệm online cũng được cộng thêm 0,3 - 0,4%/năm so với gửi tại quầy và mức lãi suất áp dụng đầu xuân năm mới Nhâm Dần cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước 0,2 - 0,4/năm tùy theo kỳ hạn gửi.

Theo đó, lãi suất cao nhất 6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Còn khách hàng gửi kỳ hạn 9 tháng chỉ được nhận lãi suất 4,4%/năm.

Tại một số ngân hàng khác, để hút lượng tiền gửi trong dân cư, chính sách ưu đãi được tung ra là tặng quà, lì xì may mắn đầu xuân. Như Vietcombank, ngân hàng này lì xì 100.000 đồng cho khách hàng khi gửi tiết kiệm tại quầy trong ngày 7 và 8-2. Cụ thể, các khách hàng khi gửi tiết kiệm tối thiểu 10 triệu đồng với kỳ hạn trên 6 tháng hoặc từ 70 triệu đồng kỳ hạn từ 2 đến dưới 6 tháng... đều được lì xì 100.000 đồng.

Đánh giá nguyên nhân lãi suất huy động tăng nhẹ trở lại, theo các chuyên gia ngân hàng là do lạm phát đang có xu hướng nhích lên. Các ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì mặt bằng lãi suất thực dương. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng cũng tăng cao khi hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới.

Còn về lãi suất đầu ra, mặt bằng sẽ duy trì như mức hiện tại và có thể giảm nhẹ ở một số ngành, lĩnh vực ưu tiên khi gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đi vào cuộc sống.

Về xu hướng lãi suất của năm 2022, trao đổi với báo chí hồi cuối tháng 12-2021, ông Phạm Chí Quang, phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết điều hành ổn định lãi suất dựa trên diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có cơ sở giảm lãi suất cho vay.

Đối với lãi suất huy động sẽ ổn định. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành đảm bảo hài hòa quyền lợi của người gửi tiền và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo Tuoitre