Dấu hiệu bất thường trên chân tiết lộ tình trạng sức khỏe của bạn

Theo khảo sát của Hiệp hội Y khoa Mỹ, nhiều người coi bàn chân là bộ phận ít quan trọng của cơ thể. 77% người Mỹ từng bị đau chân song chỉ 1/3 số họ đến cơ sở y tế để khám. Bác sĩ Dawn Harper cho rằng tình trạng bàn chân tiết lộ nhiều vấn đề về sức khỏe và khuyến cáo không nên bỏ qua các dấu hiệu khác thường ở chân.

Bàn chân lạnh mạn tính

Có nhiều vấn đề sức khỏe khiến bàn chân bị lạnh, như tuyến giáp hoạt động kém, bệnh tiểu đường hoặc thiếu máu làm máu lưu thông kém. Nếu bạn bị lạnh chân thường xuyên, nên đi khám, xét nghiệm để xác định rõ nguyên nhân.

Hình dạng chân

dau-hieu-bat-thuong-tren-chan-tiet-lo-tinh-trang-suc-khoe-cua-ban

Biến chứng bàn chân Charcot trong bệnh tiểu đường.

Theo Viện Quốc gia, Trung tâm Thông tin Sức khỏe các bệnh về Tiểu đường, Tiêu hóa và Thận, hình dạng bàn chân thay đổi là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Tổn thương thần kinh do tiểu đường có thể dẫn đến biến dạng bàn chân, ví dụ biến chứng Charcot khiến bàn chân sưng và đỏ. Dần dần xương bàn chân và xương ngón chân có thể bị lệch vị trí, thậm chí gãy, làm cho bàn chân có hình dạng lạ, điển hình là hội chứng "bàn chân ngựa gỗ".

Chân tím hoặc xanh

Động mạch ngoại biên, Raynaud, tiểu đường có thể khiến màu sắc của bàn chân chuyển sang xanh hoặc tím. Nguyên nhân là không đủ lượng oxy tại chân. Người có bàn chân đổi màu nên đến cơ sở y tế kiểm tra để tìm nguyên nhân và phương pháp điều trị thích hợp.

Bàn chân đỏ hoặc nổi mẩn đỏ

Nguyên nhân khiến bàn chân đỏ hoặc nổi mẩn đỏ là do phát ban khi bị dị ứng. Đôi khi chân nổi mẩn đỏ bởi chứng rối loạn tự miễn, còn gọi là bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

Lupus là tình trạng tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch tấn công các mạch máu và bộ phận khác của cơ thể. Người mắc bệnh này rất dễ bị mẩn đỏ tại bàn chân.

Chuột rút liên tục

Chuột rút do cơ thể mất nước hoặc không đủ các khoáng chất như kali, magie, canxi trong khẩu phần ăn. Tình trạng này có thể điều trị dễ dàng bằng cách bổ sung khoáng chất hay thay đổi chế độ ăn. Tuy nhiên sau điều trị, chân vẫn bị chuột rút thì có thể là dấu hiệu của tổn thương thần kinh. Khi ấy bạn cần đi khám sức khỏe để tìm hiểu nguyên nhân.

Màu sắc và tình trạng móng chân

Tình trạng chấn thương có thể khiến móng chân màu đen, một số trường hợp nguyên nhân nguy hiểm hơn như ung thư da. Móng chân đen và vàng cũng có thể do nấm, móng chân màu xanh lá cây vì viêm nhiễm. Bất cứ thay đổi màu sắc nào của móng chân, bạn cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra.

Sưng tấy

dau-hieu-bat-thuong-tren-chan-tiet-lo-tinh-trang-suc-khoe-cua-ban

Ảnh: Theepochtimes

Có rất nhiều bệnh làm bàn chân sưng như tim mạch, suy thận, suy gan. Phụ nữ có thai thường bị sưng bàn chân và mắt cá chân. Bà bầu trong giai đoạn cuối thai kỳ nếu chân bị sưng bất ngờ hoặc sưng quá to thì cần đến bệnh viện kiểm tra ngay, bởi có thể bị tiền sản giật nguy hiểm.

Da khô và nứt nẻ

Những người sống tại vùng thời tiết lạnh giá, mùa đông khắc nghiệt dễ bị chàm hoặc mắc các tình trạng da khô, nẻ. Tình trạng da không cải thiện sau khi thường xuyên dưỡng ẩm, nguyên nhân có thể do thiếu dinh dưỡng, tiểu đường hoặc suy giáp. Cơ thể không hấp thu axit béo, vitamin và khoáng chất cần thiết cũng có thể khiến làn da bị khô, nứt nẻ. Người bệnh nên khám sức khỏe để xác định nguyên nhân.

Chân có mùi hôi

Hôi chân có thể là một dạng nhiễm trùng do một loại nấm gây ra. Cách tốt nhất để chữa bệnh này là lau khô ngón chân và các kẽ chân sau khi tắm, để chân trần để khô hoàn toàn. Dùng tất (vớ) làm từ vải sợi tự nhiên và thay tất mỗi ngày cũng giúp khắc phục tình trạng này.

Một nguyên nhân khác gây mùi hôi chân có thể do cơ thể đổ mồ hôi quá nhiều. Trong trường hợp này, bạn cần đến bác sĩ để khám.

Loét chân thường xuyên  

Vết loét bàn chân có thể chỉ là một lỗ đỏ, nông, đôi khi loét ở bề mặt da hoặc sâu vào gân hoặc xương. Người bị biến chứng bệnh tiểu đường, thần kinh ngoại biên hoặc tim mạch dễ bị loét bàn chân. Do đó, nếu phát hiện bàn chân bị loét, hãy đến bệnh viện khám để điều trị đúng cách.

Theo VnExpress