Danh sách 8 "siêu thực phẩm" giá rẻ năm 2016 bạn nên ăn hàng ngày

Siêu thực phẩm là một thuật ngữ tương đối mới, nhưng không nhất thiết phải là một loại siêu đắt. Trang MSN Health đã phát hiện mỗi quốc gia lại có một siêu thực phẩm riêng.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới có hơn 100 loại siêu thực phẩm. Bởi mỗi quốc gia có một loại siêu thực phẩm riêng, dù nó không giống như những gì mà Mỹ định nghĩa về “siêu thực phẩm".

Với đa số, siêu thực phẩm có nghĩa là những thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu, cũng như chất chống oxy hóa, khoáng chất và vitamin.

Theo trang History.com, các tài liệu được khắc trên Kim Tự Tháp cho thấy người dân Ai Cập coi Tỏi là siêu thực phẩm.

Hạt Quinoa, một loại hạt bổ dưỡng với nhiều protein, chất xơ và sắt, được người Inca gọi là siêu thực phẩm cách đây 5.000 năm.

Với phương châm siêu thực phẩm không nhất thiết là phải siêu đắt, Trang MSN Health đã thực hiện một cuộc khảo sát khắp thế giới để tìm ra một danh sách siêu thực phẩm được ưa chuộng trong năm 2016.

Các phóng viên đã "chu du" Brazil đến Nhật Bản để tìm hiểu về từng loại thực phẩm ở mỗi quốc gia.

Và họ đã tìm thấy 8 siêu thực phẩm, không phải để ca ngợi mà nhằm khuyến khích mọi người trên thế giới nên đưa những thực phẩm này vào chế độ ăn uống hàng ngày.

1. Rau cải (Trung Quốc)

Người Trung Quốc đã trồng rau cải như bắp cải, cải bẹ trong suốt hơn 5.000 năm cho một lý do duy nhất. Đó là vì sức khỏe.

Không chỉ giàu vitamin như A, C, dinh dưỡng và chất xơ, bắp cải còn chưa chất indoles có thể giảm nguy cơ phát triển của nhiều bệnh ung thư. Hiện rau cải được trồng và tiêu thụ ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ, Canada…

2. Đậu Chickpea (Ai Cập, Israel, Trung Đông)

Đậu chickpea, còn được gọi là đậu gà, đậu răng ngựa, có nguồn gốc ở Địa Trung Hải và Trung Đông, là nguyên liệu đặc trưng cho món ăn Italy, Hy Lạp, Ai Cập….Loại thực phẩm này giàu protein và chất xơ, cũng như axit folic, magiê và kẽm.

Viện nghiên cứ ung thư Mỹ phát hiện các loại đậu nói chung (trong đó có đậu gà) có tác dụng chống ung thư vì chúng có chứa lignan và saponin, tinh bột bền (bảo vệ tế bào ruột kết) và các chất chống oxy hóa.

3. Đậu lăng (Pakistan)

Trong ẩm thực Pakistan, đậu lăng được xem là siêu thực phẩm vì giàu chất xơ, giảm cholesterol, chứa nhiều vitamin B và protein, trong khi hàm lượng calo và chất béo thấp.

Chỉ cần 16 gam chất xơ trong mỗi bát đậu lăng cũng có thể tác động tích cực tới lượng đường trong máu.

4. Ô liu (Hy Lạp)

Quả ô liu và dầu ô liu được sử dụng rộng rãi ở Hy Lạp, trong các món ăn Địa Trung Hải và Trung Đông. Quả ô liu giảm nồng độ cholesterol xấu cũng như huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy siêu thực phẩm này cũng có thể ngăn ngừa bệnh tim.

Lợi ích của trái cây không kết thúc ở đó. Quả ô liu đã được chứng minh làm giảm viêm, chứa chất chống oxy hóa để sửa chữa tổn thương tế bào gây ra bởi hoạt động của các gốc tự do và tiêu diệt các tế bào ung thư.

5. Đu đủ (Brazil)

Trái cây ngọt ngào này có chứa một lượng vitamin A, C, và E đáng kể, là liều thuốc thần kỳ chống cảm lạnh thông thường. Chất chống oxy hóa có trong đu đủ như beta-carotene cũng có thể giúp ngăn ngừa ung thư ruột kết và tuyến tiền liệt cũng như bệnh tim.

Không chỉ ăn vào người mới có lợi, đu đủ sử dụng để bôi trên da nhằm ngăn chặn nhiễm trùng vết bỏng và thúc đẩy làm lành vết thương.

6. Nấm Đông Cô (Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc)

Ở nhiều nước Châu Á, nấm đông cô tượng trưng cho sự trường thọ. Còn theo khoa học hiện đại, nấm này chứa tất cả các axit amin thiết yếu, tốt hơn so với bất kỳ nguồn protein nào khác.

Vì thế, nó xuất hiện thường xuyên trong các món ăn của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chất lentinan trong nấm đông cô còn trợ giúp hệ thống miễn dịch, có thể ngăn cản các tế bào ung thư vú phát triển. Vì vậy, ăn nấm đông cô như một cách điều trị bổ sung đối với người bị ung thư vú, ung thư bạch cầu và ung thư tuyến tiền liệt.

7. Cà chua (Italy)

Cà chua là một cỗ máy chống oxy hóa, bao gồm các chất như beta-carotene, Lutein, Selen và vitamin C, E. Siêu thực phẩm này cũng được chứng minh là giúp giảm ung thư tuyến tụy do có chứa nhiều lycopene.

Không những thế, cà chua còn được chứng minh giúp ngăn ngừa cháy nắng và giữ cho làn da trẻ trung. Vì vậy hãy thử một ly nước ép cà chua vào một buổi sáng nào đó trong tuần này.

8. Nghệ (Ấn Độ)

Củ nghệ, thành phần chính trong hầu hết các món cà ri, đã được sử dụng hàng ngàn năm ở Ấn Độ. Với người dân nước này, nghệ không chỉ là một loại gia vị mà còn là một loại thuốc.

Nghiên cứu cho thấy chất Curcumin là chất chống ôxy hóa mạnh, có khả năng tiêu diệt các gốc tự do và chống lại các bệnh ung thư. Không những thế, nghệ cũng rất hiệu quả trong điều trị viêm.

Củ nghệ cũng là phương pháp điều trị được lựa chọn đầu tiên trong điều trị viêm khớp đầu gối, có thể thay thế cho ibuprofen.

Theo Trí Thức Trẻ /  MSN Health