Đáng sợ 'thủ phạm' khiến loài người có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng lan rộng

Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo, hiện siêu vi khuẩn kháng thuốc đang ở mức báo động con người có nguy cơ tử vong chỉ vì vết thương nhỏ.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, sự ra đời của kháng sinh là một thành tựu lớn của y học. Nhờ kháng sinh, mỗi năm trên thế giới có hàng chục triệu người mắc các bệnh nhiễm khuẩn đã được chữa khỏi và cứu sống. Kháng sinh được coi như một vũ khí vĩ đại trong cuộc chiến của loài người nhằm chống lại vi khuẩn và các nhiễm khuẩn do chúng gây ra.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động là tình trạng kháng kháng sinh đang gia tăng chóng mặt, với số lượng vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng.

Đáng sợ 'thủ phạm' khiến loài người có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng lan rộng

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng ở mức báo động là nguy cơ "tận diệt" loài người. Ảnh minh họa 

Tại hội nghị mới đây của Tổ chức Vi sinh học Mỹ, các chuyên gia y sinh cho biết, vi khuẩn chứa loại gien mcr-1 kháng colistin, được mệnh danh là “phòng tuyến kháng sinh cuối cùng”, đang nhanh chóng sinh sôi trong hơn 1 năm rưỡi kể từ khi giới khoa học phát hiện sự tồn tại của nó.

Tại nhiều nơi trên thế giới, bác sĩ đã phải chuyển sang dùng colistin vì bệnh nhân không còn phản ứng với các tác nhân chống vi khuẩn khác. Giờ đây, với tình trạng ngày càng thêm nhiều người mang vi khuẩn có gien mcr-1, vấn đề kháng kháng sinh càng lan rộng khắp toàn cầu.

Tờ The Guardian ngày 9/10 dẫn lời quan chức Bộ Y tế Anh Sally Davies mô tả, quá trình nói trên là con đường dẫn đến nguy cơ “tận thế” do siêu kháng thuốc.

Theo bà, nếu con người thất bại trong việc điều chế những chủng kháng sinh mới hoặc tìm ra giải pháp thay thế, các thế hệ sau có thể bị đẩy đến tình trạng không thể thực hiện những ca phẫu thuật bình thường.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một lời cảnh báo u ám: con người đang cạn dần các nguồn thuốc kháng sinh trong khi hoạt động điều chế loại mới không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu. Chẳng hạn, bệnh nhân có thể thiệt mạng vì chứng viêm phúc mạc nếu kháng sinh không có tác dụng trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ.

Hiện mỗi năm có khoảng 700.000 người tử vong vì nhiễm trùng mà không có kháng sinh phù hợp. Nếu tình trạng siêu kháng thuốc tiếp tục lan rộng, con số này có thể lên đến 10 triệu người/năm trong vòng 3 thập niên.

Trước nguy cơ trên, giới khoa học, quan chức đầu ngành về sức khỏe tại các nước, lãnh đạo các hãng dược và cả chính trị gia sẽ cùng ngồi lại để tìm biện pháp khả dĩ chống chọi tình trạng siêu kháng thuốc tại hội nghị quốc tế vào cuối tuần này ở Berlin (Đức).

Nới tới tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện nay tình trạng này đang ở mức báo động bởi ngày càng gia tăng nhiều vi khuẩn kháng thuốc. Trong nhiều trường hợp, mặc dù dùng kháng sinh điều trị nhưng tình trạng nhiễm khuẩn vẫn không được cải thiện, vi khuẩn vẫn tồn tại và phát triển.

Thậm chí có những trường hợp vi khuẩn đề kháng nhưng đó là đề kháng giả. “Ví dụ, khi vi khuẩn gây bệnh nằm trong các ổ áp xe, ổ mủ... có các tổ chức hoại tử, tổ chức viêm bao bọc khiến cho kháng sinh không thể thấm tới vị trí tổn thương được hoặc chỉ một lượng nhỏ kháng sinh có thể tới vị trí đó”, PGS Trung cho biết.

Theo đó, vi khuẩn có các gene đề kháng sẽ ít hoặc không chịu tác động của kháng sinh khi điều trị. Đặc biệt, việc điều trị một số vi khuẩn có vai trò quan trọng gây các nhiễm khuẩn ở bệnh viện, cộng đồng như viêm phổi, viêm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết... sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu vi khuẩn đề kháng với nhiều loại kháng sinh hiện có, bệnh nhân có thể bị tử vong do thất bại điều trị.

Tuy nhiên vi khuẩn thường xuyên có sự thay đổi về cấu trúc hay sinh lý để kháng lại kháng sinh. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc sử dụng kháng sinh, hết sức tránh việc lạm dụng kháng sinh nhiều hạn chế khả năng kháng thuốc của vi khuẩn.

Theo vietq